Sáng ngày 19/9 hàng ngàn người xuống đường trong trang phục màu đỏ phản đối ban quản lý chợ An Đông ở thành phố Hồ Chí Minh do chậm nâng cấp chợ, nhưng chính quyền địa phương đã “không đối thoại” mà dùng loa phóng thanh giải tán đám đông biểu tình.
Một người kinh doanh yêu cầu không nêu tên tại chợ An Đông nói với VOA:
“Người ta rất là đông. Hầu như tất cả các tiểu thương đều đóng cửa hết, họ bãi thị, biểu tình. Họ yêu cầu quyền lợi cho tiểu thương, trong đó yêu cầu cho kinh doanh dài hạn. Các tiểu thương đứng hai hàng trước chợ, giương băng – rôn và có thấy những người áo xanh của phường, và công an.”
Chị này cho biết thêm hàng ngàn tiểu thương chợ An Đông phải kinh doanh trong hoàn cảnh hạ tầng chợ xuống cấp trầm trọng, khách lần lượt bỏ chợ ra đi. Điều này khiến tiểu thương cảm thấy bức xúc.
Truyền thông trong nước cũng đưa tin rằng các tiểu thương chợ An Đông, ở quận 5 đồng loạt đóng cửa sạp, ngưng kinh doanh, và họ đến thẳng Uỷ ban Nhân dân Thành phố yêu cầu lãnh đạo giải quyết.
Báo Người Lao Động cho biết có đến 2,000 người tham gia cuộc biểu tình này, bắt đầu từ 5 giờ đến 9 giờ sáng, và chủ tịch quận phải đích thân đến trước chợ, cầm loa kêu gọi giải tán và “hứa sẽ giải quyết sau.”
Một người khác tại chợ cho biết thêm tiểu thương biểu bình do chi phí thuê sạp quá cao:
“Tại chợ An Đông 1 mọi người biểu tình do chi phí cao. Và năm ngoái cũng đã xảy ra biểu tình.”
Theo các tiểu thương chợ An Đông, từ đầu năm 2012, hơn 2.000 tiểu thương đã được vận động đóng góp hàng trăm tỉ đồng để chính quyền quận 5 nâng cấp chợ An Đông, nhưng cam kết nâng cấp chợ của UBND Quận 5 vẫn chưa được thực hiện.
Các tiểu thương cho biết một trong những yêu cầu của họ là ngay lập tức chính quyền phải bãi bỏ hợp đồng cho thuê sạp đối với tiểu thương vì đây là chợ truyền thống do họ góp tiền xây dựng nên chính quyền không được thu tiền thuê quầy sạp.
Báo Tuổi trẻ nói hơn 3.000 tiểu thương tại chợ này đã đóng góp số tiền 217 tỉ đồng để sửa chợ nhưng chờ đợi suốt 4 năm vẫn chưa nâng cấp.
Báo Thanh Niên trích lời Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến trưa ngày 19/9 nói rằng “mong bà con bình tĩnh, đừng để bị kích động gây mất an ninh trật tự.”
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh viết trên Facebook rằng “một khi bị chạm đến quyền lợi thì người dân tự khắc đi biểu tình….Biểu tình dần dần trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam khi họ đã vượt qua sợ hãi.”
Nhiều năm qua chính phủ Việt Nam liên tục trì hoãn trình quốc hội thông qua luật biểu tình vốn được người dân chờ đợi từ lâu mà theo giới luật sư và các nhà vận động, lý do là chính quyền lo sợ về sự an nguy của chế độ.