Đường dẫn truy cập

Hiến pháp mới của Thái Lan và vai trò của quân đội


Ảnh tư liệu - Các nhà lập pháp Thái lan làm việc tại Nghị trường ngày 29/11/2016
Ảnh tư liệu - Các nhà lập pháp Thái lan làm việc tại Nghị trường ngày 29/11/2016

Hiến pháp mới của Thái Lan vừa được Quốc vương Maha Vajiralongkorn ký, mở đường cho các cuộc bầu cử mới vào cuối năm 2018.

Buổi lễ ký ban hành hiến pháp được long trọng tổ chức hôm Thứ năm đánh dấu một nỗ lực mới nhằm đảm bảo một hiến pháp có tính lâu dài. Đây là bản hiến pháp thứ 20 của Thái Lan kể từ khi nước này trở thành một nền quân chủ lập hiến vào năm 1932; những hiến pháp trước đây đã bị hủy bỏ do nhiều năm biến động chính trị và đảo chánh quân sự.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về các vấn đề chính trị Thái Lan bày tỏ hoài nghi về triển vọng thành công của hiến pháp mới.

Văn kiện này được đưa ra gần ba năm sau khi quân đội chiếm quyền từ tay chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra hồi tháng 5/2014.

Từ năm 1932 tới nay, Thái Lan đã đối mặt với 21 vụ đảo chánh hoặc âm mưu đảo chánh; vụ đảo chánh năm 2006 đã lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh của bà Yingluck, đưa Thái Lan vào tình trạng căng thẳng chính trị trong suốt hơn một thập kỷ qua.

Cử tri Thái Lan đã chấp thuận hiến pháp mới trong một cuộc trưng cầu dân ý tổ chức hồi năm ngoái, văn kiện này sau đó được tu chính để xác định rõ hơn vai trò của quốc vương.

Thượng nghị sĩ của quân đội thông qua hiến pháp

250 thượng nghị sĩ do quân đội bổ nhiệm, và 500 đại diện dân cử tại Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua hiến pháp mới. Lưỡng viện quốc hội được trao quyền chọn thủ tướng.

Trong khi giới phân tích chính trị Thái Lan xem hiến pháp mới như một bước tiến, họ cảnh báo rằng trong bối cảnh quân đội kiểm soát Thượng viện, bất ổn chính trị có thể tiếp diễn.

Ông Titipol Pakdeewanich, một nhà khoa học chính trị thuộc Đại học Ubon Ratchathani, cho biết sau khi thông qua hiến pháp, quân đội sẽ xúc tiến các cuộc bầu cử.

Ông Titipol nói: "Với hiến pháp mới, chắc chắn là quân đội có thể duy trì quyền lực nhưng duy trì quyền lực thông qua một hiến pháp trong nội bộ Thái Lan đối với họ là vẫn chưa đủ. Đối với quân đội, tổ chức bầu cử là điều mà họ thực sự muốn hầu có thể nói chuyện với phương Tây và được công nhận hơn."

Vai trò không rõ ràng của các chính đảng

Nhà khoa học chính trị Thitinan Pongsudhirak trong một bài bình luận trên báo viết:

"Tin xấu ở đây là nguy cơ căng thẳng giữa quân và dân trong các cuộc bầu cử trong quá khứ sẽ xuất hiện trở lại, kèm theo tranh cãi bởi vì quân đội đã củng cố ảnh hưởng và quyền kiểm soát của họ trên các vấn đề chính trị Thái Lan."

Chuyên gia này lo sợ Thái Lan có thể lãng phí thêm "một thập kỷ nữa cho các cuộc xung đột và đối đầu, sau nhiều năm phân tán và trì trệ."

Chính phủ do tập đoàn quân sự cai trị đã áp đặt những biện pháp gắt gao hạn chế hoạt động của các đảng chính trị mà không đưa ra một thời biểu hay cơ cấu pháp lý rõ rệt, bao giờ họ lại được phép hoạt động tích cực trở lại trước các cuộc bầu cử mới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG