Trước và sau Đại hội XI của Đảng Cộng Sản Việt Nam có hai sự kiện đáng chú ý. Một mặt, ông Đinh Thế Huynh, người đã từng là Tổng biên tập báo Nhân Dân, nay là ủy viên Bộ chính trị phụ trách mảng tư tưởng - văn hóa, đã thay mặt giới lãnh đạo đương quyền tuyên bố rằng "Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng". Mặt khác, báo chí trong nước đã đăng tải nhiều bài viết nói về vấn đề sửa đổi hiến pháp. Trong các bài viết này có hai bài được nhiều người chú ý bàn luận là bài trả lời phỏng vấn của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An về việc sửa hiến pháp và bài "Từ phúc quyết Hiến pháp đến trưng cầu chính sách” của Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Phương. Gần đây nhất, ngày 10-2-2011, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường tuyên bố: “Đây là thời điểm chín muồi để sửa đổi Hiến pháp 1992.”
Các nhà quan sát cho rằng việc bàn luận rộng rãi và cởi mở về việc nên sửa đổi hiến pháp như thế nào để người dân có thể thật sự là người làm chủ đất nước là một diễn tiến tích cực cho mục tiêu dân chủ hóa Việt Nam. Để tìm hiểu thêm về việc này, đài VOA đã tiếp xúc với ông Mai Thái Lĩnh, cựu Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Lạt (1989-1994), và được ông cho biết một số ý kiến như sau.
VOA: Xin ông cho biết sơ qua về những hoạt động của nhà chức trách VN liên quan tới vấn đề sửa đổi bản hiến pháp 1992, và theo ông, đâu là nguyên do làm cho việc này trở thành một việc bức thiết?
Mai Thái Lĩnh: Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, ông Nguyễn Văn An, người đã từng là ủy viên Bộ Chính trị ĐCSVN hai khóa (8 và 9), và là cựu Chủ tịch Quốc hội (2001-2006), đã phát biểu như sau: “Trước tiên tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta đã sửa đổi Hiến pháp nhiều lần rồi mà vẫn chưa đạt yêu cầu. Nếu tính từ năm 1946 đến 1992 là 46 năm, ta đã sửa đổi lớn 3 lần vào các năm 1959, 1980 và 1992. Đó là chưa kể nhiều lần chúng ta sửa đổi nhỏ khác.” Ông nhận xét: “… tôi cho rằng các lần sửa đổi Hiến pháp sau này có một vài vấn đề cốt lõi lại xa rời hoặc lại không rõ ràng bằng Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.”
Như vậy, có thể nói Đảng cộng sản Việt Nam đã làm ra tổng cộng 4 bản Hiến pháp, nhưng những bản hiến pháp về sau đều kém hơn bản Hiến pháp 1946, tức là bản Hiến pháp được hình thành vào lúc Mặt trận Việt Minh mới cướp được chính quyền nhưng quyền lực chính trị vẫn chưa hoàn toàn nằm trong tay Đảng cộng sản.
Nếu chỉ tính từ thời kỳ đổi mới kinh tế (1986), đến nay đã được 25 năm. Nhưng trong khi chủ trương đổi mới về mặt kinh tế, ngày càng gắn chặt với kinh tế thị trường thì về mặt ý thức hệ, Đảng vẫn không dám rời bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, và về chính trị vẫn khư khư ôm lấy độc quyền chính trị. Sự khập khiễng, lệch pha giữa kinh tế và chính trị - tư tưởng khiến cho hệ thống chính trị và hệ tư tưởng của Đảng CSVN đã và đang trở thành vật cản đối với nhu cầu bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước theo hướng bền vững.
Chính vì vậy mà yêu cầu sửa đổi Hiến pháp trở thành một trong những vấn đề bức thiết. Mặc dù các thành phần bảo thủ trong Đảng chỉ có ý định sửa đổi một số điều trong bản Hiến pháp 1992 theo kiểu “giật gấu vá vai”, rất nhiều đảng viên và trí thức – kể cả những người đã từng giữ cương vị lãnh đạo như ông Nguyễn Văn An, đều cảm thấy không thể dừng lại ở đấy mà phải tiến hành sửa chữa những vấn đề mấu chốt liên quan đến thể chế chính trị.
VOA: Với tư cách là một người tranh đấu cho dân chủ VN, ông nghĩ gì về những ý kiến của hai ông Nguyễn Văn An và Nguyễn Sỹ Phương, trong đó có những đề xuất mà một số người cho là sẽ góp phần đáng kể để thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa, nếu được thực hiện?
Mai Thái Lĩnh: Những ý kiến của ông Nguyễn Văn An thông qua một số bài trả lời phỏng vấn có ý nghĩa tích cực ở chỗ đã nêu lên một sự thật: Hiến pháp phải được sửa đổi một cách căn bản chứ không thể chỉ sửa đổi một cách lặt vặt hay chỉ dừng lại ở một số chi tiết nhỏ nhặt. Và để có thể sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, cần phải để cho nhân dân – nhất là giới trí thức, được đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi Hiến pháp, chứ không thể coi đó chỉ là công việc riêng của một số chuyên gia và các nhà lãnh đạo Đảng.
Đặc biệt đáng lưu ý là ý kiến của ông Nguyễn Văn An khi ông cho rằng đây là lỗi hệ thống. Mặc dù ông An đã tìm cách diễn đạt một cách khéo léo để cho vừa với cái khuôn của tư duy chính thống, người đọc cũng dễ dàng hiểu được: nói “lỗi hệ thống” có nghĩa là những khuyết, nhược điểm đó thuộc về bản chất của chế độ cộng sản chứ không chỉ là những “bệnh ngoài da”, những hiện tượng nhất thời.
Ông An cũng đặc biệt nhấn mạnh đến quyền lập hiến của nhân dân. Nói cách khác, Hiến pháp phải thể hiện ý chí của người dân chứ không phải chỉ thể hiện ý chí của một thiểu số đang nắm quyền.
Trong số những trí thức ủng hộ tích cực đề xuất của ông Nguyễn Văn An, đáng chú ý là những ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Phương ở Cộng hòa Liên bang Đức. Tuy nhiên, nếu lùi lại một chút về mặt thời gian, chúng ta có thể thấy những ý kiến này xuất phát từ việc nghiên cứu và đánh giá lại bản Hiến pháp năm 1946 – thể hiện trong các bài viết của một số tác giả như Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, v.v... đã phổ biến trên báo chí từ năm 2005 đến nay.
VOA: Theo ông, những ý tưởng của hai vị đó có những tương đồng, tương phản như thế nào với những ý kiến, mong muốn của giới tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ VN?
Mai Thái Lĩnh: Tôi không có tham vọng phát biểu thay cho tất cả những người hiện đang đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Ở đây tôi chỉ nêu ý kiến của cá nhân, và cũng có thể là của một số người gần gũi về mặt quan điểm:
Trước hết, ông Nguyễn Văn An – và cả Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Phương, đã có một quan niệm chưa thật khoa học khi cho rằng “quyền lập hiến là của nhân dân, Quốc hội chỉ là cơ quan được ủy quyền, không thể làm thay hoàn toàn cho nhân dân”. Do lập luận như thế cho nên cả hai ông đều cho rằng sau khi được Quốc hội thông qua, dự luật sửa đổi Hiến pháp nhất thiết phải được đưa ra cho nhân dân phúc quyết. Thật ra, ý kiến này xuất phát từ bản Hiến pháp 1946, trong đó quy định mọi sự sửa đổi Hiến pháp đều phải được nhân dân “phúc quyết”, nghĩa là phải đưa ra “trưng cầu dân ý”.
Trong thực tế, nếu tìm hiểu các quốc gia có nền dân chủ thành thục, lâu đời, đáng cho chúng ta học tập, thì có nhiều cách khác nhau để sửa đổi Hiến pháp:
- Ở một số quốc gia, quy trình sửa đổi Hiến pháp thường chỉ giới hạn trong các cơ quan lập pháp. Như ở Hoa Kỳ, dự luật sửa đổi Hiến pháp phải được thông qua tại Thượng viện và Hạ viện với đa số tuyệt đối (2/3). Vì Hoa Kỳ là một nước liên bang cho nên sau khi thông qua tại hai viện của Quốc hội, dự luật sửa đổi Hiến pháp sẽ được đưa về các tiểu bang để thông qua. Nếu được đa số tiểu bang thông qua (quy định ở Hoa Kỳ là ba phần tư số tiểu bang, nghĩa là 38 bang) thì dự luật sửa đổi sẽ có hiệu lực. Có hai cách để thông qua tại tiểu bang: hoặc do cơ quan lập pháp của tiểu bang thông qua, hoặc thông qua tại các hội nghị phê chuẩn (ratifying conventions). Từ trước đến nay, chỉ có tu chính án số 21 (21st Amendment) được phê chuẩn bằng các hội nghị phê chuẩn cấp tiểu bang, còn tất cả tu chính án khác đều do các cơ quan lập pháp cấp tiểu bang phê chuẩn.
- Ngay tại nước Đức là nơi mà Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Phương nêu dẫn chứng, việc sửa đổi Hiến pháp cũng không cần phải trưng cầu dân ý. Ông Phương dẫn chứng điều 146. Nhưng điều 146 của Luật cơ bản (Basic Law - tên gọi của Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức) chỉ nói rằng Hiến pháp hiện hành (tức Hiến pháp 1949 sửa đổi) “sẽ hết hiệu lực vào ngày ban hành một hiến pháp được nhân dân Đức thừa nhận bằng một quyết định hoàn toàn tự do.” Như vậy, điều 146 chỉ mở đường cho một bản Hiến pháp mới sẽ hình thành trong tương lai, và bản Hiến pháp mới có thể sẽ được nhân dân Đức “phúc quyết” bằng một cuộc trưng cầu dân ý. Cho đến nay, việc sửa đổi Hiến pháp ở Đức vẫn dựa theo điều 79 của Luật cơ bản, nghĩa là dự luật sửa đổi Hiến pháp chỉ cần thông qua tại Nghị viện Liên bang (Bundestag, Federal Diet) và tại Hội đồng Liên bang (Bundesrat, Federal Council). Sau khi đã được 2/3 số thành viên của Nghị viện Liên bang (tức Quốc hội Đức) biểu quyết tán thành và đạt được 2/3 số phiếu tại Hội đồng Liên bang, dự luật sửa đổi sẽ có hiệu lực. Để đề phòng việc thay đổi Hiến pháp theo hướng độc tài, điều 79 có quy định một số vấn đề quan trọng không được phép sửa đổi.
- Ở một số quốc gia khác (như Hà Lan và một số nước Bắc Âu) việc sửa đổi Hiến pháp phải đạt được hai đa số kế tiếp nhau (successive majorities), có nghĩa là dự luật sửa đổi phải được thông qua hai lần liên tiếp với nội dung giống nhau, và giữa hai lần thông qua này phải có một cuộc tổng tuyển cử. Nói cách khác, việc sửa đổi Hiến pháp phải được hai khóa Quốc hội khác nhau thông qua.
- Chỉ có một số nước quy định “tất cả các sửa đổi Hiến pháp đều phải đưa ra trưng cầu dân ý”, trong đó có thể kể: Thụy Sĩ, Úc, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc (Nam Hàn), v.v... Ngay cả ở Pháp, mặc dù theo quy định dự luật sửa đổi phải đưa ra trưng cầu dân ý, nhưng Tổng thống vẫn có thể đưa dự luật ra cho hai viện của Nghị viện (Parlement) thông qua, dưới hình thức “đại hội” (congrès, tức là Thượng viện và Hạ viện họp chung), không cần phải tổ chức trưng cầu dân ý. Trong trường hợp này, dự luật sửa đổi phải đạt được đa số 3/5.
Tóm lại, không phải Hiến pháp của nước nào cũng buộc phải trưng cầu dân ý mỗi khi sửa đổi Hiến pháp. Trong thực tế, nhiều quốc gia không áp dụng phương thức trưng cầu dân ý vẫn bảo đảm được tính chất dân chủ của Hiến pháp, không để xảy ra hiện tượng Quốc hội hay một thế lực chính trị nào khác lạm dụng quyền lập hiến.
Như vậy, việc lạm dụng quyền lập hiến không bắt nguồn từ nguyên nhân nhân dân không được quyền phúc quyết Hiến pháp mà do những nguyên nhân khác.
VOA: Theo ông, quyền lập hiến ở Việt Nam có bị lạm dụng không?
Mai Thái Lĩnh: Quyền lập hiến của nhân dân Việt Nam đã bị lạm dụng, và theo tôi, tình trạng này phát sinh từ hai nguyên do:
(a) Quốc hội ở nước ta từ trước đến nay chưa thật sự là Quốc hội của dân mà chỉ là Quốc hội của Đảng, nói một cách chính xác là Quốc hội do Đảng lựa chọn. Do chỗ nhân dân chưa có quyền tự do để có thể tự ứng cử và bầu ra Quốc hội đại diện cho quyền lợi chính đáng của mình, nếu chỉ đổ lỗi cho “Quốc hội” một cách chung chung thì điều đó đồng nghĩa với việc chối bỏ trách nhiệm của Đảng cộng sản Việt Nam, đồng thời dễ gây ra sự ngộ nhận cho rằng lỗi hoàn toàn thuộc về phía nhân dân, trong khi nhân dân mới chính là người bị hại.
(b) Quốc hội của nước ta từ trước đến nay đều hoạt động dưới sự chỉ huy của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đáng lẽ chỉ làm công việc điều hành các hoạt động của Quốc hội nhằm bảo đảm và phát huy quyền và trách nhiệm của tất cả các đại biểu một cách bình đẳng, lại thay mặt cho Quốc hội để quyết định rất nhiều việc trọng đại. Có thể nói Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tước đoạt quyền của tất cả các đại biểu. Cho nên nếu nói đến trách nhiệm lạm dụng quyền lập hiến của nhân dân thì chính các Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các khóa phải chịu trách nhiệm, chứ không phải toàn thể Quốc hội.
Ở các quốc gia dân chủ, Quốc hội không thể tước đoạt quyền lập hiến của nhân dân, bởi lẽ nếu Quốc hội khóa này làm sai thì nhân dân sẽ có cơ hội bầu ra một Quốc hội mới và Quốc hội khóa sau sẽ sửa chữa sai lầm của Quốc hội khóa trước. Ở nước ta, nhân dân không được quyền chọn Quốc hội, do đó cũng không có quyền thay thế Quốc hội, vì vậy sai lầm tiếp tục đẻ ra sai lầm, làm nảy sinh tình trạng lạm dụng quyền lập hiến hay tước bỏ quyền lập hiến của nhân dân.
VOA: Trong bài viết đăng trên trang Bauxite Việt Nam hồi tháng 9 năm ngoái, ông Nguyễn Sỹ Phương nói: “Phúc quyết chính là dân chủ trực tiếp, hình thức cao nhất của dân chủ; áp dụng đối với Hiến pháp là bước đi đầu tiên khẳng định nguyên lý đó.” Ông nghĩ sao về nhận định này?
Mai Thái Lĩnh: Điều này thật ra chỉ đúng về phương diện lý thuyết. Trong thực tế, các hình thức dân chủ trực tiếp chỉ có kết quả tốt trong hoàn cảnh các quyền căn bản của con người và của công dân được bảo đảm. Còn trong các chế độ độc tài hay dân chủ giả hiệu, khi mà những quyền cơ bản tối thiểu như quyền bày tỏ chính kiến hay quyền ra báo tư nhân vẫn còn bị ngăn cấm, đe dọa thì việc áp dụng các hình thức dân chủ trực tiếp (như trưng cầu dân ý) rất dễ trở thành những màn kịch nhằm che đậy bản chất phản dân chủ của chế độ.
Trong quá khứ, các nhà độc tài có tầm cỡ như Hitler và Mussolini đều là những bậc thầy trong việc sử dụng trưng cầu dân ý để thực hiện các ý đồ thâu tóm quyền lực. Vào năm 1934, sau khi Tổng thống Hindenburg mất, Hitler đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để sáp nhập hai chức vụ Tổng thống và Thủ tướng Đức. Trong cuộc trưng cầu dân ý này, 95% cử tri đã tham gia bỏ phiếu, dẫn đến kết quả gần 90% số phiếu biểu quyết tán thành, tạo điều kiện cho Hitler nắm trọn quyền lực chính trị.
Gần đây, tại Ai cập, mặc dù tất cả các sửa đổi Hiến pháp đều phải thông qua trưng cầu dân ý, Hosni Mubarak và đảng của ông ta vẫn có thể khống chế toàn bộ hệ thống chính trị. Kể từ khi Mubarak nắm quyền Tổng thống (năm 1981), ông ta đã tái trúng cử ba lần vào các năm 1987, 1993 và 1999, tất cả đều thông qua các cuộc trưng cầu dân ý mà ông ta là ứng cử viên duy nhất do Quốc hội giới thiệu. Do áp lực trong nước và quốc tế, vào tháng 2 năm 2005, Mubarak đã yêu cầu Quốc hội sửa đổi điều 76 để cho phép bầu cử Tổng thống với nhiều ứng cử viên, nhưng nhiều điều kiện khắt khe đã được đặt ra để gây khó khăn cho những ứng cử viên trong hay ngoài đảng cầm quyền. Điều khoản sửa đổi này vẫn được cử tri Ai cập “phúc quyết” vào tháng 5 và sau đó, trong kỳ bầu cử tổ chức vào đầu tháng 9 năm 2005, Mubarak lại thắng cử một nhiệm kỳ nữa. Điều đó cho thấy “quyền phúc quyết Hiến pháp” đứng đơn độc không thể giúp cho nhân dân Ai Cập trở thành người làm chủ, trong thực tế lại trở thành một hình thức hoa mỹ để phụ họa cho trò hề chính trị của nhà độc tài Mubarak.
Như vậy, trưng cầu dân ý chỉ có giá trị trong hoàn cảnh người dân có được các quyền tự do căn bản (tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và báo chí, tự do hội họp và lập hội,...). Hơn thế nữa, trưng cầu dân ý còn gắn liền với quyền tự do ứng cử và bầu cử. Ở bất cứ nơi nào quyền tự do ứng cử và bầu cử bị hạn chế, trưng cầu dân ý cũng sẽ trở thành giả dối, không phản ánh đúng ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Tóm lại, theo tôi, sửa đổi Hiến pháp là một dịp rất tốt để nâng cao dân trí. Giới trí thức và tầng lớp thanh niên cần tham gia vào việc tìm hiểu, thảo luận, phê bình để hoàn chỉnh Hiến pháp. Thế nhưng, một khi các quyền tự do căn bản chưa được thực thi, quyền tự do ứng cử - bầu cử còn bị hạn chế thì nhân dân sẽ không có được một Quốc hội thật sự đại diện cho mình, và như vậy sẽ không thể có được một Hiến pháp tốt. Trong hoàn cảnh đó, việc tiến hành “phúc quyết Hiến pháp” rất dễ trở thành một thứ hình thức dân chủ giả hiệu nhằm “hợp pháp hóa” và chỉ làm đẹp thêm cho một chế độ dân chủ phi-tự do (illiberal democracy).
Nói một cách dễ hiểu hơn: một chế độ độc tài mà khéo che đậy hoàn toàn có khả năng đánh lừa nhân dân và giành thắng lợi trong một cuộc trưng cầu dân ý có bề ngoài rất dân chủ nhưng nội dung lại hoàn toàn phản dân chủ. Vì thế, chúng ta cần phải hết sức cảnh giác!
VOA: Chân thành cám ơn ông đã dành thời giờ cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này.