Đường dẫn truy cập

Mỹ: Hiệp định hạt nhân Iran sẽ được thực thi bất chấp phản đối


Ông Colin Kahl, Cố vấn An ninh Quốc gia của Phó Tổng thống Biden.
Ông Colin Kahl, Cố vấn An ninh Quốc gia của Phó Tổng thống Biden.

Cố vấn An ninh Quốc gia của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm thứ Ba nói rằng bất chấp những nỗ lực cao nhất của phe đối lập nhằm "vô hiệu hóa" thỏa thuận hạt nhân với Iran, Hoa Kỳ sẽ tiến tới với hiệp ước này.

"Chúng tôi sẽ thực thi hiệp ước," ông Colin Kahl nói với ban tiếng Ba Tư của đài VOA. "Nếu Iran tuân thủ những cam kết của phía họ, chúng tôi sẽ tuân thủ những cam kết của phía chúng tôi, và tôi nghĩ rằng thực tế sẽ chứng minh hiệu quả tích cực."

Các đại biểu Cộng hòa trong Quốc hội cực lực phản đối thỏa thuận đạt được hồi tháng 7 giữa Iran và nhóm các cường quốc thế giới bao gồm Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Đức. Các nhà lập pháp có 60 ngày để xem xét hiệp ước và biểu quyết thông qua hoặc bác bỏ, nhưng phía Cộng hòa cho đến giờ không tranh thủ được đủ số phiếu ủng hộ cho nghị quyết bác bỏ hiệp ước.

Nhiều đại biểu Cộng hòa ra tranh cử trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc vào năm tới cũng tuyên bố sẽ tìm cách đổi hướng hoặc bãi bỏ hiệp ước này.

"Tôi nghĩ chúng tôi còn một năm rưỡi nữa trước khi tân tổng thống lên nhậm chức để cho thấy hai bên tuân thủ hiệp ước nhằm xây dựng sự tin tưởng cho thỏa thuận," ông Kahl nói. "Và sự tin tưởng vào thỏa thuận càng cao, thì khả năng đứng vững về chính trị của nó càng cao."

Đổi lại các hạn chế trong chương trình hạt nhân, Iran sẽ được tháo dỡ các biện pháp chế tài theo thỏa thuận này. Nhưng ông Kahl nhấn mạnh rằng các biện pháp chế tài sẽ được tháo dỡ đó là những biện pháp được áp dụng vì hoạt động hạt nhân của Iran.

Ông Kahl nói thêm: "Đối với những lệnh chế tài khác trong hồ sơ, cả về luật lẫn lệnh hành pháp, liên hệ đến những hành động vi phạm nhân quyền và khủng bố, thì những lệnh đó vẫn còn."

Trong khi đó, Iran chuẩn bị đón tiếp người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hiệp quốc, ông Yukiya Amano, sẽ đến Tehran trong tuần này. Cơ quan Liên hiệp quốc này sẽ làm nhiệm vụ giám sát thỏa thuận.

Người đứng đầu cơ quan hạt nhân của Iran, ông Ali Akbar Salehi chiều tối thứ Hai cho hay sau cuộc họp với ông Amano ở Vienna rằng giám đốc Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế, tức IAEA, sẽ đến Tehran. IAEA không xác nhận tin tức đó, mà chỉ nói rằng cuộc họp với Iran là về việc thực thi hiệp ước và việc ông Amano đi thăm Tehran vẫn đang còn xem xét.

Bên cạnh hiệp ước hạt nhân quốc tế, Iran hồi tháng 7 có một thỏa thuận khác với IAEA về một lộ đồ hướng đến giải quyết những câu hỏi tồn đọng lâu nay về khả năng quân sự có thể có trong chương trình hạt nhân của Iran.

Iran lâu nay luôn khẳng định không tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân, và quả quyết rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ nhắm muc tiêu hòa bình, chẳng hạn như để nghiên cứu y khoa và sản xuất điện năng.

IAEA sẽ đưa ra báo cáo về cuộc điều tra do cơ quan này thực hiện vào ngày 15 tháng 12, và chỉ sau khi Liên hiệp quốc hài lòng với các kết quả điều tra thì hiệp ước hạt nhân ký kết giữa Iran và 6 cường quốc mới được tiến hành, trong đó có việc dỡ bỏ các biện pháp chế tài.

VOA Express

XS
SM
MD
LG