Đường dẫn truy cập

Bác kháng nghị án tử hình Hồ Duy Hải là khai tử Pháp chế xã hội chủ nghĩa (Kỳ 1)


Bà Nguyễn Thị Loan từ Long An ra Hà Nội, nhưng không được vào phòng xử án giám đốc thẩm con trai Hồ Duy Hải. Photo Luật khoa Tạp chí.
Bà Nguyễn Thị Loan từ Long An ra Hà Nội, nhưng không được vào phòng xử án giám đốc thẩm con trai Hồ Duy Hải. Photo Luật khoa Tạp chí.

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

Dẫn nhập

Đứng đầu các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật tố tụng hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là “Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự” được quy định tại Điều 7 (Chương II – Những nguyên tắc cơ bản) Bộ luật tố tụng hình sự. Theo nguyên tắc này, “Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định”.

Một trong những nhiệm vụ của Bộ luật tố tụng hình sự được quy định tại Điều 2 là “không làm oan người vô tội”. Một trong những biện pháp để thực hiện nhiệm vụ này là “thủ tục giám đốc thẩm” quy định tại Chương XXV. Thủ tục tố tụng này nhằm “xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án”. Các căn cứ để kháng nghị được quy định tại Điều 371, gồm: 1. Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; 2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; 3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Ngày 24/7/2019, Văn phòng Chủ tịch nước có Công văn 688/VPCTN-PL-m thông báo Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Viện trưởng VKSNDTC xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải. Bốn tháng sau, ngày 22/11/2019, Viên trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (gọi tắt là Viện trưởng VKSNDTC) Lê Minh Trí đã ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm cả hai bản án này (gọi tắt là Kháng nghị) (1).

Kháng nghị nêu: “Bản án sơ thẩm và phúc thẩm của tòa án hai cấp có nhiều nhận định chưa phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ; nhiều nội dung của vụ án cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn như chưa được làm rõ, cụ thể:… Các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như: bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu; không đưa một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án, cụ thể:… Những mâu thuẫn trong lời khai, những chứng cứ, những dấu vết tại hiện trường chưa được làm rõ cùng những thiếu sót, vi phạm nêu trên đã trực tiếp ảnh hưởng đến giá trị chứng minh của chứng cứ theo quy định của pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những căn cứ kết luận hành vi phạm tội của bị cáo”.

Như vậy, Kháng nghị đã đưa ra được ít nhất 2/3 căn cứ mà Điều 371 Bộ luật tố tụng hình sự đòi hỏi để được chấp nhận (Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án và có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án).

Ngày 5/5/2020, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (gọi tắt là Hội đồng thẩm phán), gồm 17 thành viên (2) do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ tọa, đã tiến hành phiên tòa giám đốc thẩm bản án tử hình Hồ Duy Hải trên cơ sở Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (gọi tắt là Kháng nghị).

Ngày 8/5, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã lấy biểu quyết của của Hội đồng Thẩm phán về 4 vấn đề để làm cơ sở cho Quyết định giám đốc thẩm. Nội dung các vấn đề này và kết quả biểu quyết như sau:

1.Vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không? 17/17 thành viên biểu quyết “Không thay đổi bản chất vụ án”.

2.Bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải có đúng người, đúng tội, đúng mức án hay không? 17/17 thành viên biểu quyết “Đúng người, đúng tội, đúng mức án”.

3.Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực, Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-VKSNDTC-V7 của VKSNDTC có đúng pháp luật hay không? 17/17 thành viên biểu quyết “Không đúng pháp luật”.

4.Chấp nhận kháng nghị, hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung hay không chấp nhận kháng nghị? 17/17 thành viên biểu quyết “Không chấp nhận kháng nghị”.

Trên cơ sở các biểu quyết đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình và 16 thành viên khác của Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ra Quyết định giám đốc thẩm “không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC, giữ nguyên bản án tử hình đối với bị cáo Hồ Duy Hải” (3).

Trước khi đi vào xem xét cụ thể liệu việc tổ chức phiên tòa giám đốc thẩm bản án tử hình Hồ Duy Hải cũng như Quyết định giám đốc thẩm đã tuân thủ hay làm trái “pháp chế xã hội chủ nghĩa”, mà ở đây là Bộ luật tố tụng hình sự, để tước đoạt một cách oan uổng mạng sống của một con người, tôi phải nói ngay rằng việc thiết kế bốn câu hỏi để Hội đồng thẩm phán biểu quyết là một sự lẩn thẩn nghiêm trọng, thậm chí là bừa bãi. Thực vậy, câu hỏi 3 (Kháng nghị có đúng pháp luật hay không) hoàn toàn trùng với câu hỏi 4 (chấp nhận hay không chấp chận Kháng nghị). Không lẽ Hội đồng thẩm phán lại có thể vừa công nhận Kháng nghị đúng pháp luật vừa không chấp nhận Kháng nghị, và ngược lại ?! Cũng như vậy, biểu quyết trả lời các câu hỏi 1 và 2, tức về nội dung của Kháng nghị, rồi mới xem xét Kháng nghị có đúng pháp luật hay không tại câu hỏi 3 thì rõ ràng là trái khoáy, khác nào “Đặt cái cày trước con trâu” hay “Sinh con rồi mới sinh cha/ Sinh cháu giữa nhà rồi mới sinh ông” như dân gian bao đời truyền miệng.

Lẽ dĩ nhiên một khi đã vạch ra cái dở của người khác thì bản thân mình phải tránh cái dở ấy. Vì vậy, tôi bắt đầu bằng việc xem xét chính cái khởi phát phiên tòa này: Kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC liệu có đúng pháp luật?

Kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC đúng pháp luật

Điều 107 Hiến pháp năm 2013 và Điều 1 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 đều quy định Viện kiểm sát nhân dân có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Việc Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật hoặc cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm nhằm điều tra lại vụ án khi có có căn cứ cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng đã không làm đúng và làm đủ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự chính là thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Cũng rõ ràng rằng kiểm sát hoạt động tư pháp phải được tiến hành trong khuôn khổ pháp luật

Như đã nói ở trong Dẫn nhập của bài viết này, để một kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được chấp nhận thì kháng nghị này phải nêu ra ít nhất một trong ba căn cứ được quy định tại Điều 371 Bộ Luật tố tụng hình sự (Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án và có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật). Với việc đưa ra được ít nhất 2/3 căn cứ mà Điều 371 Bộ luật tố tụng hình sự đòi hỏi để được chấp nhận, Kháng nghị là hoàn toàn đúng pháp luật.

Chắc hẳn do đã có chủ định buộc Hồ Duy Hải phải chết và thấy rằng không thể bác bỏ Kháng nghị trên cơ sở Điều 371 Bộ luật tố tụng hình sự nên Hội đồng thẩm phán tại biểu quyết về câu hỏi 3 đã nêu ra một lý do ngoài quy định của pháp luật: Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực nên Viện trưởng VKSNDTC không thể kháng nghị. Thực vậy, Bộ luật tố tụng hình sự không hề quy định rằng không được kháng nghị một khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của tử tù. Ngược lại, Bộ luật này cho phép kháng nghị ngay cả khi Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân giảm án tử hình của tử tù, thậm chí cả sau khi tử tù đã bị thi hành án. Khoản 2 Điều 379 (Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm) quy định: “Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ”. Để nói, Kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí hoàn toàn có cơ sở pháp luật. Đó là chưa nói chính Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị Viện trưởng VKSNDTC xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải (Công văn 688/VPCTN-PL-m ngày 24/7/2019 của Văn phòng Chủ tịch nước).

Cũng cần nói thêm Quyết định giám đốc thẩm cho rằng Viện trưởng VKSNDTC ra quyết định kháng nghị là "vi phạm pháp luật tố tụng hình sự và không đúng thẩm quyền" nhưng lại không chỉ ra được quy định nào của Bộ luật tố tụng hình sự bị Viện trưởng VKSNDTC vi phạm cũng như quy định pháp luật nào không cho Viện trưởng VKSNDTC thẩm quyền kháng nghị.

Căn cứ Điểm o, Khoản 1 Điều 4 Bộ luật tố tụng hình (Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án) việc Hội đồng thẩm phán nêu một lý do nằm ngoài Bộ luật tố tụng hình để không chấp nhận Kháng nghị rõ ràng là hành vi không thực hiện thủ tục quy định tại Bộ luật này và vì thế, là một vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Mà Hội đồng thẩm phán đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thì đương nhiên Quyết định giám đốc thẩm bản án tử hình Hồ Duy Hải phải bị hủy bỏ.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình tham gia xét xử giám đốc thẩm trái pháp luật

Khoản 3 Điều 49 (Các trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng) Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi có căn cứ rõ ràng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ”.

Khoản 1 Điều 53 (Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm) Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp: a) Trường hợp quy định tại Điều 49 của Bộ luật này; b) Họ cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau; c) Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án”.

Điều 21 (Bảo đảm sự vô tư của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng) Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản, người chứng kiến không được tham gia tố tụng nếu có lý do cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ”.

Căn cứ các quy định pháp luật trên của Bộ luật tố tụng hình sự, có lý do cho rằng có ít nhất một người trong thành phần Hội đồng thẩm phán có thể không vô tư trong khi xét lại bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm tử hình Hồ Duy Hải. Đó chính là Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình. Thực vậy, ngày 24 tháng 10 năm 2011, Nguyễn Hòa Bình lúc đó là Viện trưởng VKSNDTC đã ra quyết định không kháng nghị bản án phúc thẩm tử hình Hồ Duy Hải và tiếp đó ra văn bản đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải. Như vậy, việc Chánh án Nguyễn Hòa Bình tham gia xét xử giám đốc thẩm bản án tử hình Hồ Duy Hải, chứ đừng nói đến việc làm chủ tọa phiên tòa này, là trái quy định “bảo đảm sự vô tư trong khi làm nhiệm vụ”, điều này mặc nhiên vô hiệu hóa phiên tòa này cũng như Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán.

(Còn tiếp)

Chú thích

1. Vụ án Hồ Duy Hải: TOÀN VĂN KHÁNG NGHỊ GIÁM ĐỐC THẨM, xuandienhannom.blogspot.com, 8/5/2020.

2. Hội đồng thẩm phán TANDTC gồm: Nguyễn Hòa Bình (Chánh án TANDTC), Lê Hồng Quang (phó Chánh án TANDTC), Nguyễn Trí Tuệ (phó Chánh án TANDTC), Nguyễn Thúy Hiền (phó Chánh án TANDTC), Dương Văn Thăng (phó Chánh án TANDTC), Nguyễn Văn Du (phó Chánh án TANDTC), Bùi Ngọc Hòa, Tống Anh Hào, Nguyễn Văn Thuân, Đặng Xuân Đào, Chu Xuân Minh, Trần Văn Cò, Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Lương Ngọc Trâm, Đào Thị Xuân Lan, Lê Văn Minh, Nguyễn Văn Tiến - Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử - Cơ quan của Tòa án nhân dân tối cao, 8/5/2020.

3. 17/17 thành viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết không chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử - Cơ quan của Tòa án nhân dân tối cao, 8/5/2020.

Tác giả là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam.

XS
SM
MD
LG