Đường dẫn truy cập

Thêm hồ sơ giải mật: Thái độ của TT Kennedy về vụ đảo chánh TT Ngô Đình Diệm


Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

VOA: Theo một công bố mới về băng ghi âm và ghi chép của Tòa Bạch Ốc, Tổng thống John F. Kennedy ủng hộ việc lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm tại miền Nam Việt Nam vào cuối năm 1963 hơn là được ghi nhận trước đó. Việc lật đổ Tổng thống Diệm bằng một cuộc đảo chánh quân sự có ảnh hưởng lớn đến chính sách của Mỹ và sự can dự ngày càng tăng của Mỹ vào Việt Nam đã điễn ra cách đây 57 năm. Ngay cả bây giờ những quan điểm của Tổng thống Kennedy và một số phụ tá hàng đầu của ông về cuộc đảo chánh đã bị che phủ vì những tài liệu không đầy đủ đã khiến cho các học giả chú trọng nhiều hơn đến thái độ của những thuộc cấp của Tổng thống. Tuy nhiên vào lúc này, Văn khố An ninh Quốc gia, một viện nghiên cứu và thư viện độc lập phi chính phủ tại Trường Đại học George Washington ở Washington D.C., lần đầu tiên đưa ra những tài liệu của các văn khố Mỹ và Việt Nam mở rộng các cửa về sự kiện quan trọng này qua phần trình bày của hai tác giả Luke A. Nichter và John Prados qua bài viết “New Light in a Dark Corner: Evidence on the Diem Coup in South Vietnam, November 1963” (Ánh Sáng Mới Trong Góc Tối: Bằng Chứng Về Cuộc Đảo Chánh Ông Diệm tại Nam Việt Nam, tháng 11/1963)

***

Vào năm 1963, nửa đường trong cuộc dính líu của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách của chính quyền Kennedy cảm thấy tiến thoái lưỡng nan. Nam Việt Nam, một phần của nước Việt Nam trước kia, được Mỹ ủng hộ, vẫn còn đang dấn sâu vào cuộc nội chiến giữa chính phủ chống cộng được Mỹ hỗ trợ và du kích quân cộng sản được Bắc Việt đỡ đầu.

Chính phủ VNCH thời TT Ngô Đình Diệm dưới nhãn quan người Mỹ

Các lực lượng chính phủ dường như không biết làm cách nào đối phó với Mặt Trận Giải phóng Miền Nam. Quân đội và các cơ quan tình báo Mỹ tranh cãi về sự tiến triển của chiến tranh. Trong khi phủ nhận những nhận xét của báo chí là Hoa Kỳ đang sa lầy tại Việt Nam, chính quyền Kennedy nhận thức được những vấn đề trong chiến tranh và nỗ lực áp dụng mọi biện pháp để truyền sinh lực cho Việt Nam.

Một vấn đề lớn nằm tại Sài Gòn, thủ đô miền Nam, với ngay chính phủ Việt Nam. Đầy dẫy tham nhũng, mưu đồ chính trị, tranh chấp nội bộ liên tục, miền Nam Việt Nam thường xuyên bất đồng ý kiến với nhau.

Quan tâm chính của người Mỹ là cuộc chiến chống du kích Mặt trận Giải phóng Miền Nam, Nam Việt Nam hứa cộng tác nhưng thi hành rất ít. Còn có những khó khăn khác bắt nguồn từ cách thức chính phủ Việt Nam được thành lập lúc ban đầu, và phương cách Mỹ giúp tổ chức quân đội Nam Việt Nam trong những năm 1950, nhưng tất cả những yếu tố đó không trực tiếp quan hệ đến biến cố năm 1963.

Chính phủ Sài Gòn do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Ông là một nhà lãnh đạo độc tài, gia đình trị, đánh giá cao quyền lực hơn là các quan hệ với người dân Việt Nam hay tiến bộ trong cuộc chiến chống cộng sản. Ông Diệm lúc đầu lên cầm quyền bằng những phương tiện hợp pháp, ông được bổ nhiệm làm thủ tướng chính phủ có từ năm 1954, và sau đó ông củng cố quyền hành bằng một loạt các cuộc đảo chánh quân sự, bán đảo chánh, tái tổ chức chính phủ, trưng cầu dân ý và cuối cùng là một loạt các cuộc bầu cử tổng thống được dàn dựng.

Ông Diệm gọi Nam Việt Nam là một nước Cộng hòa và ông giữ chức vụ Tổng thống, nhưng ông cấm các đảng phái chính trị, ngoài đảng của ông và từ chối cho phép đối lập hợp pháp. Từ năm 1954 trở về sau, Hoa Kỳ thúc đẩy ông Diệm cải cách chính trị, và ông Diệm liên tục hứa cải cách nhưng không bao giờ thi hành.

Đường lối lãnh đạo độc tài của ông Diệm không làm dân chúng Nam Việt Nam hài lòng và dân chúng càng ngày càng không thích ông Diệm. Một cuộc đảo chánh quân sự chống ông Diệm vào tháng 11 năm 1960 nhưng ông thoát hiểm do có chia rẽ trong giới lãnh đạo quân đội. Ông Diệm khai thác việc này để tạo ra các phe phái chống đối lẫn nhau giúp ông vẫn tại vị.

Vào tháng 2 năm 1962, hai phi công bất mãn thả bom dinh Độc lập nhằm giết ông Diệm và có lãnh đạo mới nhưng lúc đó ông không có mặt tại khu vực bị đánh bom. Ông Diệm tái phối trí lại các sĩ quan để cải thiện an ninh cho ông nhưng ông vẫn không cải tổ chính trị.

Chính quyền tổng thống Kennedy từ năm 1961 đến năm 1963 liên tục gia tăng mức viện trợ quân sự cho Sài Gòn, tài trợ việc gia tăng các lực lượng vũ trang Việt Nam. Quân đội Mỹ và tình báo quân đội Mỹ, chú trọng đến việc cải thiện, đến tỉ số lớn mạnh giữa chính phủ và du kích tiếp sau việc gia tăng lực lượng và cho rằng cuộc chiến thành công. Các nhà ngoại giao và các giới chức viện trợ bi quan hơn. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ CIA được lệnh đánh giá tình báo vào mùa xuân năm 1963, đã cho phép quan điểm của họ bị quân đội tác động và đưa ra một đánh giá về tình báo quốc gia, hạ giảm việc ông Diệm yếu kém về chính trị. Tổng thống Kennedy nghe những cảnh cáo từ các giới chức Bộ Ngoại giao và những hình ảnh màu hồng của quân đội, và cảm thấy an tâm về những đánh giá của CIA.

Cảm tưởng của Tòa Bạch Ốc bị tiêu tan bắt đầu vào ngày 8/5 khi lực lượng an ninh Nam Việt Nam, hành động theo lệnh của một trong những anh em của ông Diệm bắn vào một đám đông Phật tử tuần hành kỷ niệm Phật Đản 2527 năm. Lý lẻ để giải tán cuộc tuần hành này không quan trọng hơn việc các Phật tử bất chấp một lệnh cấm treo cờ Phật Giáo ngoài cờ Nam Việt Nam. Một người anh của ông Diệm là Giám mục Công Giáo La Mã trong cùng khu vực tại Nam Việt Nam đã treo cờ mà không bị trừng phạt chỉ vài tuần trước khi ông được thăng chức trong giáo hội. Người Phật tử có thể được khuyến khích bằng hành động này nên nghĩ rằng hành động của họ cũng được cho phép như vậy. Việc đàn áp cuộc tuần hành của Phật tử tại cố đô Huế đã tạo nên một cuộc khủng hoảng chính trị có tên là “cuộc khủng hoảng Phật Giáo” bùng nổ tại Sài Gòn trong suốt mùa hè và mùa thu năm 1963.

Tuy nhiên hai anh em ông Diệm liên hệ đến cuộc đàn áp tại Huế không phải là vấn đề chính của lãnh đạo tại Sài Gòn. Ông Ngô Đình Nhu ngồi trong Dinh Độc lập với tư cách là cố vấn, người lôi kéo công luận, phái viên và người giật giây của chính phủ Sài Gòn. Ông Ngô Đình Nhu được người dân Nam Việt Nam xem là mối đe dọa hơn ông Diệm. Ông điều khiển đảng của ông Diệm, một số cơ quan tình báo, và Lực lượng Đặc biệt được thành lập theo một trong những chương trình viện trợ của Mỹ.

Ông Nhu có một quan điểm rất tiêu cực về những rắc rối do Phật Giáo gây ra. Ông Diệm đối phó với cuộc khủng hoảng Phật Giáo. Có lúc ông bác bỏ những chuyện đã xảy ra và hứa cải cách chính trị và tôn giáo và thương thuyết về một tạm ước với các Phật tử được thực hiện tại Sài Gòn. Tuy nhiên ông Nhu khuyến cáo nhà lãnh đạo Nam Việt Nam rút lại thỏa thuận và một lần nữa ông không ban hành những nhượng bộ về chính trị như đã thỏa thuận.

Những cuộc biểu tình của Phật Giáo đến Sài Gòn vào cuối tháng 5 và hầu như trở thành hàng ngày. Vào ngày 11/6 chống đối chính phủ đạt một mức độ mới sau khi một nhà sư tự thiêu tại ngả tư một đường phố đông người như là cao điểm của cuộc biểu tình. Hình ảnh cuộc tự thiêu làm cả thế giới kinh hoàng và lảm cho cuộc khủng hoảng Phật Giáo trở thành một vấn đề tại Mỹ đối với tổng thống Kennedy, hiện phải đối phó với những vấn đề gay go trong việc viện trợ kinh tế và quân sự cho một chính phủ rõ ràng vi phạm nhân quyền đối với người dân của họ.

CIA thêm vào một phụ lục trong bản đánh giá tình báo trước đây về viễn ảnh chính trị của ông Diệm, và tình báo Bộ Ngoại giao đưa ra một phúc trình tiên đoán những rắc rối chính tại Sài Gòn.

Tình hình tồi tệ thêm của Tổng thống Diệm khiến ông phải tuyên bố thiết quân luật vào tháng 8/1963 và vào ngày 21/8, dùng quyền hạn thiết quân luật để bố ráp chùa chiền của những nhóm đứng đằng sau các cuộc biểu tình. Ông Nhu tiến hành cuộc bố ráp như thể là các chỉ huy quân đội đứng đằng sau những cuộc bố ráp đó và sử dụng lực lượng do CIA tài trợ để thực hiện cuộc bố ráp.

Đảo chánh quân sự

Theo tài liệu của Thư viện Tổng thống John F. Kennedy và của Cơ quan An ninh Quốc gia thì Giám đốc CIA lúc bấy giờ là John A. McCone đã thuyết trình cho Tổng thống Kennedy trong vòng 24 giờ sau khi một tướng lãnh quân đội Miền Nam Việt Nam tiếp xúc với nhân viên tình báo Mỹ Lucien Conein tại Sài Gòn. Tướng Trần Văn Đôn nói với ông Conein vào ngày 8/7/1963 là có những kế hoạch của quân đội lật đổ Tổng thống Diệm, nhưng ông không cho biết ngày giờ rõ rệt, chỉ nói là trong vòng 10 ngày. Ông cho biết là tất cả tướng lãnh, trừ một hay hai người, đồng ý với kế hoạch đảo chánh. Tướng Đôn nói thêm là quân đội cần phải hành động để ngăn Việt Cộng lợi dụng cuộc khủng hoảng Phật Giáo đang tiếp diễn. Ngoài ra ông McCone còn nói là còn có một âm mưu khác do Bác sĩ Trần Kim Tuyến, cựu giám đốc mật vụ của ông Diệm dự trù thực hiện vào ngày 10/7 với sự hợp tác của một số thành phần trong quân đội. Nhưng cuối cùng ông Tuyến được cử làm đại sứ Việt Nam tại Ai Cập. Trong một bản ghi nhớ gởi Tổng Thống Kennedy ngay trước phiên họp 4 giờ chiều ngày 27/8/1963, ông Michael V. Forrestal, phụ tá hàng đầu của Cố vấn An ninh Quốc gia, McGeorge Bundy, nói có báo cáo về một âm mưu đảo chánh do ông Trần Quốc Bửu, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao công Việt Nam, đưa Tướng Dương Văn Minh lên làm Tổng thống nếu thành công.

Trích xuất công điện “tối mật” ngày 9 tháng Bảy, 1963: “Nam Việt Nam vẫn tiếp tục cứng đầu đối với vấn đề Phật Giao chưa thể giải quyết và một âm mưu đảo chánh ngày càng gia tăng chắc chắn.”
Trích xuất công điện “tối mật” ngày 9 tháng Bảy, 1963: “Nam Việt Nam vẫn tiếp tục cứng đầu đối với vấn đề Phật Giao chưa thể giải quyết và một âm mưu đảo chánh ngày càng gia tăng chắc chắn.”

https://nsarchive2.gwu.edu/NSAEBB/NSAEBB101/vn01.pdf

Về phần Mỹ, Tổng thống Kennedy quyết định thay đại sứ Mỹ tại Sài Gòn là Frederick E. Nolting và cử ông Henry Cabot Lodge thay thế. Ngày 18/8/1963, đại sứ Cabot Lodge gặp Tổng Thống Kennedy tại Phòng Bầu dục Tòa Bạch Ốc. Tổng thống Kennedy bày tỏ ý kiến là cần phải làm một chuyện gì đó đối với ông Diệm nhưng ông chưa chắc chắn là ngoài ông Diệm, Mỹ có thể ủng hộ ai tại Sài Gòn. Tổng thống Kennedy muốn ông Cabot Lodge đánh giá việc này. Trước khi đi Việt Nam ông Lodge đã có gặp ông bà Trần Văn Chương, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ và là bố mẹ của bà Trần Lệ Xuân, vợ ông Ngô Đình Nhu. Đại sứ Cabot Lodge đến Việt Nam trình ủy nhiệm thư lên Tổng thống Diệm ngày 26/8/1963.

Tại Tòa Bạch Ốc, trong 3 ngày 26, 27 và 28 tháng 8/1963, Tổng thống Kennedy họp với các phụ tá, cố vấn, Hội đồng An ninh quốc gia, giới chức cao cấp Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Cơ quan Trung ương tình báo để thảo luận về yêu cầu đảo chánh tại Việt Nam.

Vào lúc này, Đại sứ Cabot Lodge tại Sài Gòn đã nhận được điện văn của ông Roger Hilsman, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Viễn Đông Sự vụ thường được gọi là DepTel 243 để trả lời cuộc tiếp xúc giữa Tướng Trần Văn Dôn và giới chức CIA cao cấp tại Sài Gòn Lucien Conein ngày 23/8, nêu rõ lập trường của chánh phủ Mỹ là loại bỏ ông Ngô Đình Nhu và nếu ông Diệm từ chối thì ông Diệm cũng sẽ chịu chung số phận.

Công điện tối mật của Bộ Ngoại Giao Mỹ yêu cầu “có hành động lập tức,” có đoạn “bây giờ thì đã rõ có phải quân đội đề nghị lệnh thiết quân luật hay ông Nhu nhử họ vào cái bẫy ấy…”
Công điện tối mật của Bộ Ngoại Giao Mỹ yêu cầu “có hành động lập tức,” có đoạn “bây giờ thì đã rõ có phải quân đội đề nghị lệnh thiết quân luật hay ông Nhu nhử họ vào cái bẫy ấy…”

https://nsarchive2.gwu.edu/NSAEBB/NSAEBB101/vn02.pdf

Cuộc thảo luận trong 3 ngày cuối tháng 8 xoay quanh vấn đề liệu có xác nhận những chỉ thị trong điện văn của ông Hilsman hay không. Tại các cuộc thảo luận này có hai phe rõ rệt. Các ông Hilsman, Averell Hariman, thứ trưởng ngoại giao phụ trách chính trị sự vụ và viên chức Hội đồng An ninh Quốc gia Michael Forestall đồng ý vụ đảo chánh, trong khi một số người chống đối đứng về phía cựu đại sứ Nolting. Chống đối về phía quân đội có Đại tướng Maxwell Taylor, chủ tịch Ủy ban Tham mưu Hỗn hợp và Tướng Krulak. Ngoài ra phe chống đối còn có Giám đốc CIA John McCone và William Colby, Trưởng ban Viễn Đông của CIA. Tổng thống Kennedy đóng vai điều hợp các cuộc thảo luận. Ông cũng xem Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara và em ông, Bộ trưởng Tư pháp Robert F. Kennedy, là những người chống đối khác.

Các giới chức Mỹ cũng bất đồng ý kiến về người lãnh đạo sau khi hai ông Diệm, Nhu bị lật đổ. Không như cựu Đại sứ Nolting cho rằng không có ứng cử viên nào cả thì Văn phòng Tình báo và Nghiên cứu Bộ Ngoại giao (INR) đưa ra một danh sách dài và nhấn mạnh rằng “Chúng tôi tin là Việt Nam không phải đối mặt với bất cứ sự thiếu vắng nào về người lãnh đạo hữu hiệu không Cộng Sản.” Ông Thomas L. Hughes, giám đốc INR ngày nay vẫn tự hào về danh sách các chuyên gia của ông tập họp vào năm 1963.

Công điện mật 25 tháng 10, 1963: Danh sách các nhân vật dân sự được xem là có thể thay thế tổng thống Ngô Đình Diệm hậu đảo chánh.
Công điện mật 25 tháng 10, 1963: Danh sách các nhân vật dân sự được xem là có thể thay thế tổng thống Ngô Đình Diệm hậu đảo chánh.

https://nsarchive2.gwu.edu/NSAEBB/NSAEBB101/vn16.pdf

Ngày kế tiếp, INR soạn thảo một tài liệu về “vấn đề ông Nhu” trong đó các nhà phân tích nói rằng theo nhận xét của người miền Nam Việt Nam thì ông Nhu đã trở nên một quyền lực chế ngự tại Sài Gòn, hành xử “một ảnh hưởng bất di bất dịch, không đếm xỉa gì đến ông Diệm”.

Trong một phúc trình đề ngày 24/7/1963 về một cuộc gặp với ông Ngô Đình Nhu, văn phòng trưởng CIA tại Sài Gòn, John Richarson, nói ông Nhu cho rằng các Phật tử tuyên truyền cho cộng sản và che dấu cán bộ cộng sản trong số các nhà sư tại một số chùa quan trọng nhất. Ông Nhu cũng bắt đầu tiếp xúc hàng tuần với các tướng lãnh Quân đội Việt Nam Cộng hòa (ARVN) và nói về cuộc đảo chánh-và ông nói với CIA rằng đây là một cuộc “phân tích tâm lý” nhằm làm cho các sĩ quan này tiết lộ ý định của họ. Phúc trình ông Richardson đưa ra nhận xét là ông Nhu đang chuẩn bị cho một cuộc đảo chánh trong một trường hợp nào đó chống lại ông Diệm và ông là người lãnh đạo cuộc đảo chánh.

Báo của của CIA ngày 24 tháng Bảy, 1963 trong đó đề cập đến các nhận định của ông Ngô Đình Nhu về vấn đề Việt Cộng xâm nhập Phật Giáo.
Báo của của CIA ngày 24 tháng Bảy, 1963 trong đó đề cập đến các nhận định của ông Ngô Đình Nhu về vấn đề Việt Cộng xâm nhập Phật Giáo.

https://nsarchive.gwu.edu/dc.html?doc=7279414-National-Security-Archive-Doc-01-CIA-Information

Những người thân cận với Tổng thống Kennedy kết luận là ông Nhu phải ra đi và nếu ông Diệm từ chối loại bỏ ông Nhu thì ông Diệm cũng sẽ phải ra đi.

Qua đến tháng 9, tháng 10, Washington tìm cách nêu lên lập trường bằng cách cứu xét việc di tản công dân Mỹ, rút quân và ngưng viện trợ của CIA cho lực lựơng đặc biệt Việt Nam. Tổng thống Kennedy muốn hiểu tình hình cặn kẻ hơn nên đã cử nhiều toán nghiên cứu đến Sài Gòn, trong đó có ông Huntington Seldon của CIA, bộ trưởng Robert McNamara, Tướng Maxwell Taylor, Tướng Krulak và ông Joseph Mendenhall. Tất cả các toán này tường trình cho Tổng thống Kennedy, xác nhận những điều INR đã viết trong tài liệu “vấn đế ông Nhu”.

Vào ngày 15/9 Ngoại trưởng Dean Rusk gởi điện cảnh báo đại sứ Cabot Lodge là vụ đảo chánh nêu trong điện tín của ông Hilsman “hoàn toàn ngưng lại” và không nên có nỗ lực nào để khơi động bất cứ âm mưu đảo chính nào. Chưa có quyết định nào được Washington đưa ra. Cùng lúc đó đại sứ Cabot Lodge dính líu đến một vụ tranh chấp với CIA về việc thay đổi người đứng đầu CIA tại Sài Gòn. Trong khung cảnh này, Tướng Trần Thiện Khiêm yêu cầu có cuộc gặp với CIA. Cuộc tiếp xúc và cuộc họp sau đó báo cho Mỹ biết là ông Nhu đang tìm cách tiếp xúc với Hà Nội và nhắc lại kế hoạch đảo chánh vẫn còn và thông báo với CIA là quân đội đang chờ ông Diệm trả lời đòi hỏi của quân đội có chân trong nội các.

Vào ngày 5/10, Tướng Dương Văn Minh gặp ông Conein với tư cách là người cầm đầu cuộc đảo chính nhắc lại lời yêu cầu vào tháng 8 là Mỹ bày tỏ sự ủng hộ cuộc đảo chánh và đảm bảo với nhân viên CIA là cuộc đảo chánh sẽ xảy ra trong tương lai gần và phác họa một vài giải pháp đảo chánh. Tướng Minh nói giải pháp “dễ nhất” là ám sát hai người em của ông Diệm và vẫn giữ ông Diệm là một người lãnh đạo không thực quyền.

Sau đó, Tòa Đại sứ Mỹ và văn phòng CIA ở Sài Gòn đóng vai trò tích cực hơn trong tư cách quan sát viên của việc đảo chánh tại Miền Nam Việt Nam. Từ đó có thêm nhiều cuộc tiếp xúc với các tướng lãnh Việt Nam.

Theo tài liệu của CIA, từ ngày 23/8 đến 23/10/1963, các tướng lãnh Việt Nam đã gặp nhân viên CIA tất cả 21 lần để chuyển đạt tin tức về cuộc đảo chánh và dò xét thái độ của Mỹ đối với đảo chánh. Phần lớn những cuộc họp này chỉ có một hay hai tướng đại diện trong đó có các tướng Trần Văn Đôn, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Khánh, Tôn Thất Đính, Lê Văn Kim và Dương Văn Minh. Riêng lần gặp ngày 29/8, ngoài các tướng lãnh còn có một người không thuộc giới quân nhân là ông Bùi Diễm, thuộc Đảng Đại Việt, tháp tùng Tướng Lê Văn Kim trong cuộc tiếp xúc với phía Mỹ.

Một hồ sơ giải mật được giải mật liên quan đến tài liệu vụ ám sát tổng thống Kennedy.
Một hồ sơ giải mật được giải mật liên quan đến tài liệu vụ ám sát tổng thống Kennedy.

https://nsarchive.gwu.edu/dc.html?doc=7279426-National-Security-Archive-Doc-13-CIA-Memo

Ngày 29/10/1963, Tổng thống Kennedy triệu tập một phiên họp với các cố vấn có sự tham dự của Phó Tổng thống Johnson, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara, Tướng Tay lor và Tướng Krulak để duyệt lại một lần nữa về việc có nên hay không nên ủng hộ đảo chánh của các tướng lãnh Việt Nam. Trong phiên họp này ngoại trưởng Dean Rush lo ngại về khả năng giao tranh kéo dài giữa hai phe ủng hộ và chống đảo chánh có thể làm nhiều người chết. Một lo ngại khác nữa của ông là trường hợp một hay cả hai bên đều kêu gọi Mỹ ủng hộ thì phải giải quyết ra sao. Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy thì cho rằng về quan điểm của Mỹ thì cuộc đảo chánh không có ý nghĩa vì đặt tương lai cả Việt Nam và của Đông Nam Á vào tay những người Mỹ không biết rõ. Mỹ chỉ biết ông Diệm là một người tranh đấu và sẽ tranh đấu đến cùng. Ông kết luận là Mỹ phải đóng một vai trò chính trong việc tìm hiểu kế hoạch của phe đảo chính ra sao và ảnh hưởng để cuộc đảo chánh có nên diễn ra hay không. Ông chỉ ra rằng dù Mỹ có làm hay không làm thì Mỹ vẫn bị đổ lỗi cho kết quả. Tổng thống Kennedy khuyến cáo là phe đảo chánh nên được có ưu thế về quân sự. Tổng thống giao cho Đại sứ Cabot Lodge tìm hiểu xem lập trường của các đơn vị quân đội chính đối với cuộc đảo chính như thế nào.

Cuộc đảo chánh thực sự bùng nổ ngày 1/11/1963 và anh em ông Diệm Nhu bị giết ngày 2/11/1963. Trước đó, vào lúc 4 giờ rưỡi chiều ngày 1/11/1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm gọi cho Đại sứ Cabot Lodge yêu cầu cho biết về thái độ của Mỹ đối với cuộc đảo chánh. Đại sứ Lodge trả lời là ông có nghe tiếng súng nổ, nhưng ông không biết rõ các sự kiện và không có thông tin đầy đủ để trả lời. Vả lại tại Washington là 4 giờ rưỡi sáng nên chính phủ Mỹ không thể nào có quan điểm chính thức vào lúc này. Ông Cabot Lodge bày tỏ sự lo ngại về an toàn của tổng thống Diệm và hỏi thêm là tổng thống có biết phe đảo chánh đề nghị hai anh em ông ra nước ngoài nếu ông từ chức hay không thì ông Diệm trả lời không biết. Ông Cabot Lodge kết thúc câu chuyện bằng cách hứa là ông sẽ làm đủ mọi cách có thể được để bảo đảm an toàn cho ông Diệm nếu ông Diệm gọi cho ông.

Tài liệu ghi lại cuộc nói chuyện của TT Ngô Đình Diệm và Đại Sứ Cabot Lodge, 1 tháng 11, 1963, ngày đảo chánh: “4 giờ 30 chiều ngày 1 tháng 11, 1963, phủ Tổng thống liên lạc tư dinh chúng tôi. TT Diệm đòi nói chuyện với đại sứ [Lodge]”.
Tài liệu ghi lại cuộc nói chuyện của TT Ngô Đình Diệm và Đại Sứ Cabot Lodge, 1 tháng 11, 1963, ngày đảo chánh: “4 giờ 30 chiều ngày 1 tháng 11, 1963, phủ Tổng thống liên lạc tư dinh chúng tôi. TT Diệm đòi nói chuyện với đại sứ [Lodge]”.

https://nsarchive2.gwu.edu/NSAEBB/NSAEBB101/vn23.pdf

Tại Washington, khi nhận được tin này, tổng thống Kennedy không tin là hai ông Diệm Nhu tự tử vì cả hai là tín đồ Công Giáo.

Báo cáo của CIA gởi về Washington nói rằng họ tin hai anh em Diệm Nhu bị giết thay vì tự tử như một số tin. Đại sứ Cabot Lodge lái xe chạy vòng quanh Sài Gòn và được hoan hô. Không có chỉ dấu cho thấy có tình cảm chống Mỹ. CIA cho rằng việc chống nổi dậy sẽ gặp trở ngại tạm thời vì ấp chiến lược và chương trình bán quân sự do ông Nhu điều hành bị giải tán.

VOA Express

XS
SM
MD
LG