Đường dẫn truy cập

7 ngày hòa đàm Syria sắp kết thúc mà không có tiến bộ nào


Đặc sứ Liên hiệp quốc và Liên đoàn Ả Rập Lakhdar Brahimi nói chuyện tại một cuộc họp báo ở Geneve
Đặc sứ Liên hiệp quốc và Liên đoàn Ả Rập Lakhdar Brahimi nói chuyện tại một cuộc họp báo ở Geneve
Vòng hòa đàm đầu tiên giữa chính phủ Syria và phe chống đối sắp kết thúc trong ngày hôm nay mà không có tiến bộ nào đối với các vấn đề then chốt. Theo tường thuật của thông tín viên William Gallo của đài VOA, việc đôi bên đồng ý họp lại trong khoảng 1 tuần lễ nữa có lẽ là thành quả duy nhất của vòng đàm phán kéo dài 7 ngày tại Geneve.

Nhà điều giải Liên hiệp quốc Lakhdar Brahimi cho biết ông hy vọng có được những cuộc điều đình có thực chất hơn trong vòng đàm phán kế tiếp và nhấn mạnh rằng vòng đàm phán kết thúc ngày thứ 6 này “chỉ là phần khởi đầu của tiến trình.”

Đôi bên đã tranh cãi với nhau một cách kịch liệt về việc những đề tài nào sẽ được mang ra thảo luận tại cuộc đàm phán được trông đợi từ lâu.

Chính phủ muốn bắt đầu với việc giải quyết vấn đề khủng bố. Hôm qua, họ đưa ra một nghị quyết kêu gọi chấm dứt việc tài trợ cho điều mà họ gọi là các “hoạt động khủng bố.”

Phe chống đối đã nhanh chóng bác bỏ nghị quyết mà họ mô tả là “nghị quyết một chiều”. Họ nói thêm rằng sẽ là một việc vô ích nếu tiến hành thảo luận mà không thành lập một chính phủ chuyển tiếp.

Để đáp lại, đại diện của chính phủ Damascus nói rằng các đại diện của phe chống đối bác bỏ nghị quyết về khủng bố bởi vì chính họ là những phần tử khủng bố.

Cuộc đàm phán không mang lại tiến bộ nào đáng kể cho vấn đề đưa hàng cứu trợ tới những khu vực bị tàn phá nặng nề nhất trong cuộc nội chiến Syria, một vấn đề mà nhiều người tin là có thể đạt được thỏa thuận một cách tương đối dễ dàng.

Đặc sứ Brahimi nói rằng ông vô cùng thất vọng trước việc Liên hiệp quốc chưa thể đưa hàng cứu trợ tới thành phố Homs, nơi đang do phe nổi dậy kiểm soát và bị các lực lượng chính phủ vây hãm. Đây là nơi mà nhiều người có thể sắp bị chết đói.

Ông Stephen Zunes, giáo sư môn Trung Đông học của Đại học San Francisco, nói với đài VOA rằng việc có được một tiến bộ, cho dù rất nhỏ, đối với vụ khủng hoảng nhân đạo ở Syria sẽ là một sự khởi đầu rất có ích. Giáo sư Zunes nhận định:

"Ngay cả đối với vấn đề này, cả đôi bên bên nào cũng ra sức giành ưu thế cho mình. Nhưng đây là một lãnh vực mà phe nổi dậy và chính phủ có thể hợp tác và góp phần tạo ra một mức độ tin tưởng để có thể tiến tới chỗ điều đình với nhau về những vấn đề có thực chất hơn."

Tuy việc đôi bên đồng ý họp lại được xem là một sự thành công nhưng giáo sư Zunes cho rằng không có nhiều hy vọng là sẽ có một sự đột phá trong tương lai gần. Ông nói:

"Trên cơ bản thì đây là một tình huống đôi bên cùng thua. Không bên nào có thể giành được thắng lợi về mặt quân sự. Sẽ có thêm nhiều người chết. Và đó là một thực tế không có lợi cho bên nào cả."

Cuộc xung đột Syria bắt đầu hồi tháng 3 năm 2011 với những cuộc biểu tình ôn hòa để phản đối chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Nhưng vụ phản kháng đã nhanh chóng trở thành một cuộc nội chiến mà Liên hiệp quốc nói đã gây tử vong cho hơn 100.000 người và làm cho gần 9 triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG