Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ tăng mạnh mục tiêu giảm phát thải tại thượng đỉnh khí hậu


Tổng Thống Joe Biden phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về Biến đổi Khí hậu, từ Tòa Bạch ốc, Washington, ngày thứ Năm 22/4/2021. (AP Photo/Evan Vucci)
Tổng Thống Joe Biden phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về Biến đổi Khí hậu, từ Tòa Bạch ốc, Washington, ngày thứ Năm 22/4/2021. (AP Photo/Evan Vucci)

Tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu có sự tham dự của các lãnh đạo thế giới, chính phủ của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm 22/4 cam kết sẽ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống phân nửa vào năm 2030, một mục tiêu mà Mỹ hy vọng sẽ hối thúc các nước lớn khác nâng tham vọng của họ trong cuộc chiến chống tăng nhiệt toàn cầu.

Hoa Kỳ, nước phát khí thải nhiều thứ nhì thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc, tìm cách khôi phục vị trí lãnh đạo thế giới trong cuộc chiến chống tăng nhiệt toàn cầu sau khi Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump rút Mỹ ra khỏi các nỗ lực quốc tế để cắt giảm lượng khí thải.

Tổng thống Biden trình làng mục tiêu mới của ông, cắt lượng khí thải từ 50% tới 52% so với mức năm chuẩn 2005 tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến có sự hiện diện của lãnh đạo 40 quốc gia, kể cả Trung Quốc, Nga và Ấn Độ.

Phát biểu từ Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Biden nói:

“Đây là thập kỷ chúng ta phải làm những quyết định khả dĩ có thể giúp thế giới tránh được những hậu quả tệ hại nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu.”

Thủ Tướng Yoshihide Suga tăng mục tiêu cắt giảm khí thải của Nhật Bản lên tới 46% vào năm 2030, từ 26% trước đó. Giới hoạt động bảo vệ môi trường đã mong ông Suga cam kết cắt ít nhất là 50% trong khi các doanh nghiệp vận động để thúc đẩy các chính sách quốc gia có lợi cho ngành sản xuất than.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau tăng mục tiêu của nước ông để cắt giảm khí thải từ 40 tới 45% vào năm 2030, so với mức năm 2005. Mục tiêu mà Canada đưa ra trước đó là 30%.

Mục tiêu mới về khí hậu của Hoa Kỳ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong kế hoạch rộng lớn hơn của Tổng thống Biden nhằm loại bỏ carbon khỏi nền kinh tế Mỹ vào năm 2050 - một nghị trình mà theo ông, có thể tạo ra hàng triệu công ăn việc làm lương cao, nhưng nhiều người theo Đảng Cộng hòa nói họ lo sợ sẽ tác hại tới nền kinh tế Mỹ.

Dự kiến Hoa Kỳ sẽ cắt giảm khí thải qua các nhà máy điện, xe hơi và các lĩnh vực khác của nền kinh tế, nhưng Tòa Bạch Ốc không đặt ra mục tiêu riêng cho mỗi ngành.

Mục tiêu do ông Biden đề ra cao gấp đôi so với cam kết của cựu Tổng thống Barack Obama khi ông đề nghị vào năm 2025, sẽ cắt giảm 26-28% lượng khí thải so với mức năm 2005.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG