Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hôm 18/1 đã tổ chức lễ khởi động một dự án mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng của Việt Nam, theo thông báo của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội.
Dự án sẽ được triển khai trong 5 năm với ngân sách 36 triệu đôla và sẽ được triển khai trong 5 năm này được công bố trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris hồi tháng 8/2021.
Cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ ở Hà Nội nhận định rằng doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng là “những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, chiếm 40% GDP và 60% tổng số việc làm trong năm 2018”.
Tuy nhiên, theo phía Mỹ, những doanh nghiệp này “phải đối mặt với nhiều rào cản và hạn chế làm cản trở khả năng tăng trưởng liên tục và bền vững, trong đó có các vấn đề như công nghệ mới, thiết lập mạng lưới, liên kết thị trường và thiếu tiếp cận với các cơ hội về đào tạo quản lý và nâng cao kỹ năng”.
Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock được trích lời nói tại sự kiện rằng “dự án mới này là một nỗ lực quan trọng của USAID nhằm giúp Việt Nam tận dụng được tinh thần khởi nghiệp của các doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng động của khu vực tư nhân Việt Nam để trở thành một khu vực có thể cạnh tranh trên toàn cầu và đem lại cơ hội công bằng hơn cho tất cả”.
Theo đại sứ quán Hoa Kỳ, bà Yastishock cũng đánh giá cao quan hệ đối tác lâu dài giữa Bộ KH&ĐT và USAID, đồng thời kêu gọi các bên liên quan chính, từ các nhà hoạch định chính sách cho đến các đối tác khu vực tư nhân, hãy “chung tay hợp tác” với USAID và Bộ KH&ĐT nhằm đạt được những mục tiêu đầy tham vọng của dự án.
Dự án Tăng cường Năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân do USAID tài trợ được cho là “sẽ góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế toàn diện và bao trùm thông qua cải tiến các phương thức kinh doanh, đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ, cải cách chính sách và tăng cường tiếp cận thị trường”.
Phía Mỹ cho biết rằng dự án “sẽ thúc đẩy các giải pháp do địa phương dẫn dắt và làm chủ để tận dụng lợi thế sức mạnh của đội ngũ nhân tài Việt Nam, bao gồm việc quảng bá các sản phẩm, dịch vụ và công nghệ do Việt Nam sản xuất (“Made by Vietnam”), cũng như các giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam”.
Trong thời gian thực hiện, tin cho hay, dự án đặt mục tiêu hỗ trợ 5.000 doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng, trong đó có 240 doanh nghiệp tham gia thành công vào các thị trường trong nước, khu vực và quốc tế; 60 doanh nghiệp tiên phong sẽ thành công trong việc tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng và định vị các thương hiệu “Made by Vietnam” của các doanh nghiệp này trên thị trường khu vực và toàn cầu.
Vnexpress dẫn lời ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nói tại buổi lễ khởi động dự án rằng khu vực kinh tế tư nhân “đang ngày càng phát triển mạnh về số lượng, chất lượng, bình đẳng hơn với các thành phần kinh tế khác và khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế”.
Tuy nhiên, theo báo điện tử này, ông Hùng nói rằng “năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế như quy mô nhỏ với chỉ 4% doanh nghiệp vừa và lớn, 96% là nhỏ và siêu nhỏ, thiếu vắng lực lượng tiên phong”.