Đường dẫn truy cập

Học giả Mỹ chia sẻ kinh nghiệm dạy về Chiến tranh Việt Nam


Người biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam tụ tập đông đảo trong cuộc biểu tình phản chiến lớn nhất trong lịch sử của Mỹ ở Washington, ngày 15 tháng 11, 1969. (AP Photo)
Người biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam tụ tập đông đảo trong cuộc biểu tình phản chiến lớn nhất trong lịch sử của Mỹ ở Washington, ngày 15 tháng 11, 1969. (AP Photo)

Một số học giả tề tựu về thủ đô Washington của Mỹ hôm 15/11 để chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy về một trong những cuộc chiến tốn kém nhất và để lại nhiều thương vong nhất của Mỹ: Chiến tranh Việt Nam.

Buổi hội luận là một phần trong loạt hội thảo nhìn lại phong trào đòi hòa bình sôi sục ở Mỹ nửa thế kỉ trước, đưa tới cuộc biểu tình phản chiến lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ tại thủ đô Washington vào ngày 15 tháng 11 năm 1969.

Vào thời điểm đó, hàng ngàn binh sĩ Mỹ đang được triệt thoái khỏi Việt Nam dưới chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” của chính quyền Tổng thống Richard Nixon sau khi lên đến đỉnh điểm hơn 540.000 người vào tháng 4 năm 1969. Nhưng việc đó không xoa dịu được sự bất mãn và tức giận của nhiều người Mỹ về cuộc chiến kéo dài ở Việt Nam trong khi đàm phán hòa bình với phe cộng sản lâm vào bế tắc.

Cuộc chiến kết thúc với người Mỹ vào năm 1973 sau khi Hiệp định Paris được kí kết vào tháng 1, mở đường cho một cuộc hưu chiến và những binh sĩ Mỹ cuối cùng được rút khỏi Việt Nam không lâu sau đó.

Tuần hội thảo, diễn ra từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 11 tại Washington, xoay quanh sự đóng góp của các nhà hoạt động ở Mỹ, trong đó có các binh sĩ và cựu chiến binh phản chiến, đấu tranh đòi chính quyền Nixon chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam trong những năm cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970.

Trong cuộc hội luận giữa các nhà sử học về việc giảng dạy về cuộc chiến, giáo sư Linda Yarr từ Đại học George Washington nhận định rằng sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, có một “nỗ lực thật sự” ở Mỹ để quên đi sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam. Kết quả là nó trở nên xa lạ đối với nhiều học sinh ở Mỹ.

Nhưng bà nói ngày nay các học giả có nhiều cơ hội nghiên cứu những nguồn sử liệu địa phương để mở rộng hiểu biết của mình và kiến thức đó cần được truyền đạt lại cho học sinh.

Giáo sư Carolyn Eisenberg từ Đại học Hoftra cho rằng có một số điều về Chiến tranh Việt Nam mà đến ngày này vẫn còn mang tính thời sự.

“Một trong số những điều mà học sinh sẽ học được là các nhà lãnh đạo của họ nói dối. Rất nhiều học sinh vẫn tin những gì mà những nhà lãnh đạo này nói. Điều thật sự quan trọng cần biết là họ đã nói dối nhiều tới mức nào,” bà nói.

Tuy nhiên, bà nói, điều quan trọng nhất và vẫn còn liên hệ tới thời đại đại ngày nay là phong trào hòa bình diễn ra trong một bộ phận thường dân và quan điểm bất đồng trong quân đội.

“Cuộc biểu tình này cuối cùng đã tác động tới chính sách,” bà nói. “Và đó là một điều thực sự quan trọng.”

Buổi hội luận của các học giả sử học tại Đại học George Washington, ngày 15 tháng 11, 2019.
Buổi hội luận của các học giả sử học tại Đại học George Washington, ngày 15 tháng 11, 2019.

Bà Nguyễn Minh Nguyệt, một nghiên cứu sinh vừa hoàn tất chương trình đạo tạo tiến sĩ lịch sử tại Đại học American ở Washington, cho biết bà vừa đứng lớp đầu tiên về Chiến tranh Việt Nam. Là một người Việt nói về cuộc chiến ở đất nước mình, bà nhấn mạnh điều quan trọng là tránh gây cho sinh viên ngộ nhận rằng bà đang tuyên truyền một chiều mà thay vào đó trình bày những chứng cứ và tài liệu lịch sử khách quan để họ có thể tự phân tích và đánh giá.

Tiến sĩ Nguyệt cho biết bà không thiết kế các buổi học theo mô thức “thầy giảng trò ghi” mà thường tổ chức các buổi thảo luận, trong đó bà dùng nhiều tư liệu để xem xét các khía cạnh khác nhau của cuộc chiến. Những tư liệu này bao gồm các tài liệu nguyên bản, các tác phẩm văn học hư cấu và phi hư cấu và kể cả phim ảnh.

“Tôi rất ngại và sợ việc sinh viên coi mình là một phát ngôn viên cho mọi quan điểm của người Việt Nam. Việc đó rất nguy hiểm,” bà nói. “Nếu như họ đã coi mình là người đại diện cho suy nghĩ của phía Việt Nam thì nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tất cả những cái khác mà mình nói.”

Gần nửa thế kỉ sau khi Chiến tranh Việt Nam chấm dứt, tiến sĩ Nguyệt nói giảng dạy để sinh viên Mỹ thấu hiểu cuộc chiến này là một thách thức vì nó đã phai mờ trong tâm thức của người dân Mỹ thời nay. Một trong những phương thức mà bà sử dụng để làm cho các bài học lịch sử sinh động hơn là kết nối với sinh viên bằng cảm xúc.

“Khi mà mình nói về tất cả những cái gì liên quan đến đạo đức hoặc vô đạo đức mà không có cảm xúc của con người trong đó thì tự nhiên chủ đề [thảo luận] trở nên rất khô khan. Mình phải cho phép sinh viên của mình khám phá toàn bộ mọi khía cạnh để cho họ thấy rằng nó liên quan đến họ ở mức bản năng cơ bản, có nghĩa là cảm xúc.”

Vì thế, tiến sĩ Nguyệt nói, bà cố gắng thúc đẩy sinh viên của bà thấu cảm và đặt mình vào thời điểm của cuộc chiến 50 năm về trước. Những cảm xúc mà họ trải nghiệm cho phép họ liên hệ tới những sự kiện ngày nay.

VOA Express

XS
SM
MD
LG