Việt Nam không ngả về phía Mỹ để làm khó cho Trung Quốc, một học giả về quan hệ Việt-Trung nói với tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc, trong khi tờ báo này cảnh báo phương Tây rằng họ không thể nào chia rẽ quan hệ Trung-Việt.
Việt Nam vừa gần như cùng lúc đón tiếp Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình, lãnh đạo hai cường quốc được cho là có ảnh hưởng lớn nhất đến chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Mặc dù quan hệ Việt-Trung vẫn vướng mắc với tranh chấp trên Biển Đông và đôi khi bùng phát thành căng thẳng, Hà Nội lâu nay vẫn duy trì chính sách ngoại giao “Ba Không”, tức là không liên minh quân sự với bất cứ cường quốc nào, không cho quân đội nước ngoài đặt căn cứ trên lãnh thổ của mình, và không cùng một nước khác chống lại nước thứ ba.
Tuy nhiên, chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây dường như đã khiến Trung Quốc không yên tâm. Tờ Hoàn cầu Thời báo, tờ báo nổi tiếng với lập trường diều hâu của Trung Quốc, đã hỏi Tiến sỹ Vũ Cao Phan, cố vấn của Hội hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc về vấn đề này.
Trả lời câu hỏi có phải Việt Nam dựa vào Trung Quốc để tìm lợi ích kinh tế, trong khi tìm kiếm sự bảo đảm an ninh từ phía Mỹ hay không, Tiến sỹ Phan nói: “Việt Nam không bao giờ tìm kiếm sự bảo vệ an ninh từ bất cứ nước nào, và cũng chưa bao giờ ưu tiên Mỹ hơn so với Trung Quốc hay ngược lại. Quan hệ giữa Việt Nam với hai nước này là cân bằng”.
Ông Phan cũng bác bỏ quan điểm cho rằng Việt Nam tranh thủ Trung Quốc về mặt kinh tế vì trong giao thương Việt Nam có thặng dư với Mỹ nhưng lại thâm hụt lớn với Trung Quốc.
Tờ báo này cũng đặt vấn đề là nếu Đảng Cộng sản hiện đang lãnh đạo Việt Nam nghiêng quá mức về phía Mỹ thì Đảng này sẽ mất tính chính danh đối với đảng viên và người dân trong nước. Tuy nhiên, ông Phan cho rằng phía Trung Quốc đã suy nghĩ quá sâu xa về việc này và nhấn mạnh một lần nữa rằng Việt Nam sẽ không ngả về phía Mỹ hay bất cứ nước nào khác.
“Là một quốc gia xã hội chủ nghĩa, Việt Nam sẽ không để việc phát triển quan hệ với Mỹ ảnh hưởng (đến đường lối chủ nghĩa xã hội). Hơn nữa, cho dù Việt Nam và Trung Quốc đều đi theo con đường chủ nghĩa xã hội, giữa hai nước vẫn có những khác biệt,” ông nói.
Hoàn cầu Thời báo cũng nhấn mạnh mối quan hệ của hai đảng đồng chí cầm quyền ở hai nước. Tờ báo này hỏi ông Phan về ‘lợi ích chung’ của hai đảng và vai trò của hai Đảng cộng sản trong việc xử lý quan hệ hai nước.
Tiến sỹ Vũ Cao Phan trả lời rằng nếu quan hệ giữa hai nước gặp khúc mắc thì hai Đảng sẽ can thiệp để điều chỉnh bằng cách trao đổi phái đoàn hay gửi đặc sứ liên lạc với Đảng bạn.
Về tranh chấp trên Biển Đông, tờ báo này kêu gọi hai nước rút ra bài học từ việc xử lý thành công biên giới trên bộ. Ông Phan cho rằng bài học rút ra là cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều có nhượng bộ lẫn nhau trong vấn đề biên giới trên bộ mà công chúng hai nước đều không được biết (để tránh ảnh hưởng tiêu cực từ tinh thần dân tộc).
“Hai nước có nhiều yếu tố và phong tục giống nhau và trước đây đã từng giúp đỡ lẫn nhau. Bây giờ và mai sau, Việt Nam và Trung Quốc cần phải cố gắng cùng tồn tại hòa bình như anh em,” ông nói.
“Cá nhân tôi tin rằng hai nước nên bình tĩnh, ngồi vào bàn đàm phán một cách công bằng. Hai nước đều phải nhượng bộ lẫn nhau và nhẫn nại. Xác định cái nào là ưu tiên hàng đầu còn cái nào chỉ xếp hàng thứ yếu là yếu tố tiên quyết trong các cuộc đàm phán.”
Nhận định về quan hệ hai nước sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Phan cho rằng “đang ấm lên” nhưng tình hình Biển Đông hiện “chỉ là tạm thời yên tĩnh trước khi có giông bão”.
Trong khi đó, trong lúc ông Tập Cận Bình còn đang ở Việt Nam, hôm 12/11, cũng tờ Hoàn cầu Thời báo cảnh báo phương Tây “đừng có mơ mà chia rẽ mối quan hệ Trung-Việt’.
“Do lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ đều có chuyến thăm Việt Nam cùng một lúc nên điều này càng củng cố quan điểm cho rằng Việt Nam đang cố gắng tìm cân bằng giữa hai cường quốc lớn,” bài xã luận viết, “Truyền thông Mỹ và phương Tây lâu nay vẫn tích cực bám vào lập luận rằng cuộc chiến giữa Việt Nam và Mỹ chỉ kéo dài có một thập kỷ trong khi căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã diễn ra hàng ngàn năm qua.”
Tuy nhiên, tờ báo này cho rằng mối quan hệ Trung-Việt đã và đang phát triển ổn định trong những năm gần đây với việc Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và mối quan hệ giữa hai đảng cầm quyền đã được củng cố.
“Bắc Kinh và Hà Nội có tranh chấp chủ quyền trên biển nhưng hai nước đều đã chín chắn hơn trong xử lý tranh chấp. Tranh chấp lãnh thổ sẽ không gây ra tác động tiêu cực lên trao đổi song phương vốn đang ở xu thế đi lên,” tờ báo này nhận định.
Theo quan điểm của Hoàn cầu Thời báo thì mặc dù người dân Việt Nam có “tình cảm phức tạp” đối với Trung Quốc do những lý do lịch sử và địa chính trị nhưng chính quyền hai nước luôn ưu tiên mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Tờ báo này cũng nhắc đến việc hai nước cùng là “quốc gia xã hội chủ nghĩa” để làm cơ sở cho việc xử lý bất đồng: “Việc hai nước hợp tác để đối phó với thách thức bên ngoài là phù hợp với lợi ích cơ bản của hai nước.”
“Các cường quốc bên ngoài có thể dễ dàng dụ dỗ các nước đông nam Á, nhưng Việt Nam sẽ cân nhắc được, mất. Trung Quốc thật lòng muốn xây dựng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước đông nam Á và Việt Nam sẽ không liên minh với Mỹ để làm tổn hại mối quan hệ với Trung Quốc,” Hoàn cầu thời báo khẳng định.
“Các cường quốc bên ngoài hãy dừng mơ tưởng sẽ chen vào được quan hệ Việt-Trung. Tranh chấp giữa hai nước sẽ không thể nào hóa giải một sớm một chiều, nhưng hai nước đều cùng nhìn về đại cục.”
Chuyến đi Việt Nam là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19. Tại các cuộc tiếp xúc tại Hà Nội, ông Tập tuyên bố sẽ duy trì hòa bình và kiểm soát bất đồng trên Biển Đông cùng với Việt Nam.
Trước thềm chuyến thăm Việt Nam, trong một cử chỉ hiếm hoi của nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đăng một bài viết ký tên của ông trên báo Nhân dân của Việt Nam. Bài viết này đã ca ngợi mối quan hệ giữa hai nước là “tình hữu nghị sâu sắc hữu hảo đặc biệt”.
Ông Tập nhắc lại rằng hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (với kim ngạch 100 tỷ đô la Mỹ - lớn nhất trong các nước Asean), một trong những nhà đầu tư lớn nhất trong khi các công ty Trung Quốc cũng nằm trong số tạo việc làm nhiều nhất và đóng thuế nhiều nhất cho chính quyền sở tại. Khách du lịch đến từ Trung Quốc là nguồn du khách đông nhất ở Việt Nam hiện nay, còn phim ảnh và văn hóa Trung Quốc “được người dân Việt Nam ưa chuộng”.
Từ đó, ông đề xuất các phương hướng phát triển mối quan hệ song phương, bao gồm tin cậy chiến lược, tăng cường hợp tác, ngoại giao nhân dân, hợp tác đa phương và nhìn về đại cục.
Lịch sử từng chứng kiến mối quan hệ tưởng chừng ấm lên giữa quan hệ hai nước nhưng sau đó đã nhanh chóng chìm vào căng thẳng, thậm chí đối đầu.
Hồi cuối năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng sau khi trở thành tân Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đã dẫn một phái đoàn hùng hậu gồm nhiều ủy viên Bộ Chính trị đi thăm Trung Quốc. Trong chuyến thăm này, lãnh đạo hai nước đã đạt đồng thuận về những nguyên tắc chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển và thiết lập đường dây nóng giữa hai nhà lãnh đạo tối cao. Tuy nhiên, bất chấp những cử chỉ đấu dịu và hòa giải này, mối quan hệ hai nước đã trở nên xấu đi chưa từng có trong nhiều năm khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng Năm năm 2014.