Kênh News7 của đài Chosun TV ở Hàn Quốc đưa tin tối hôm 9/12 về vụ các học sinh bao vây và xô xát với cô giáo ở tỉnh Tuyên Quang mới xảy ra cách đây chưa lâu và gây rúng động dư luận Việt Nam.
Tin này mở đầu với một nữ người dẫn bản tin đứng trước hình nền gồm quốc kỳ Việt Nam nổi bật bên cạnh ảnh chụp một học sinh đang đối đầu với cô giáo, và người dẫn nói rằng đã xảy ra sự việc hàng chục học sinh bắt nạt giáo viên trong một lớp học cấp 2 ở Việt Nam được ghi lại bằng video và gây sốc.
Đoạn tin dài khoảng 1 phút 30 giây mô tả rằng giáo viên đã ngất xỉu sau khi bị học sinh ném các đồ vật và giày dép vào người. Trước đó, học sinh đã dồn cô giáo vào một góc tường, và sau vụ việc xảy ra hôm 29/11, hai bên đưa ra những lời kể trái ngược nhau khi trình bày về vụ này, theo tin của kênh News7 ở Hàn Quốc.
Đài truyền hình ở Hàn Quốc nói rằng xã hội Việt Nam đã chấn động về đoạn video được tung lên mạng xã hội ghi lại sự việc ở một trường cấp hai ở miền bắc.
Trích lại đoạn video, News7 tường thuật rằng khi cô giáo giơ điện thoại lên quay video các học sinh, một trong số họ đã nằm xuống sàn và hét lên rằng bị giáo viên đánh.
Tiếp theo, kênh này nói rằng các học sinh đã đóng các cửa lớp học lại và cùng nhau lên tiếng đe dọa vì giáo viên không cho nghỉ học giữa chừng. Họ đã xỉa xói, chế nhạo giáo viên và thậm chí còn ném đồ vật và giày dép vào người cô giáo. Cuối cùng, cô giáo đã ngã xuống sàn.
Trong phần cuối của tin, đài Hàn Quốc nói rằng các phụ huynh học sinh đưa ra lập luận rằng bọn trẻ hành động như vậy cốt chỉ trả đũa cho việc giáo viên đã bạo hành chúng.
Vẫn theo News7, đã xuất hiện một video khác cho thấy giáo viên vung giày với các học sinh. Tuy nhiên, giáo viên nói rằng các học sinh có nhiều vấn đề và cho hay đã báo cáo tình hình với hiệu trưởng nhưng sự việc không được giải quyết.
Các cơ quan có thẩm quyền trong ngành giáo dục Việt Nam đã mở một cuộc điều tra, đài truyền hình Hàn Quốc cho biết và không đưa ra bình luận riêng của đài.
Đoạn tin kể trên nằm trong phần gần cuối của chương trình thời sự dài gần 45 phút trên kênh News7, phát hồi 19h ngày 9/12, thu hút gần 123.000 lượt người xem, theo quan sát của VOA.
Theo tìm hiểu của VOA, các đoạn video về vụ bạo lực học đường ở Tuyên Quang được tung lên mạng xã hội hôm 4/12, cho công chúng biết về những diễn biến gây sốc đã xảy ra hôm 29/11 tại trường Trung học Cơ sở Văn Phú ở huyện Sơn Dương.
Truyền thông Việt Nam đưa tin rằng vào ngày hôm đó, cô giáo có tên viết tắt là P.T.H., 38 tuổi, dạy môn âm nhạc tại một lớp 7 trong trường và đã nhắc nhở một số học sinh không vào lớp nhưng họ không nghe lời mà thay vào đó đã phản ứng lại.
Tiếp đến, trong giờ học, một vài học sinh xin ra ngoài nhưng cô H. không cho phép. Sau đó, giữa cô và học sinh nảy sinh mâu thuẫn.
Hết giờ dạy tại lớp 7, cô H. sang dạy trong một lớp 6. Một số học sinh lớp 7 đã sang lớp 6 và có những hành xử gây chấn động như đã thấy trong các video, truyền thông Việt Nam tường thuật.
Từ 30/11 đến 2/12, chính quyền huyện Sơn Dương và một loạt cơ quan có thẩm quyền của ngành giáo dục và công an đã yêu cầu “kiểm tra, xác minh, làm rõ trách nhiệm của giáo viên, học sinh và đề xuất biện pháp xử lý”, các bản tin trong nước cho biết.
Hôm 7/12, Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Dương ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ và công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Duy Sáng, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú, để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh, làm rõ công tác điều hành, quản lý giáo viên, học sinh trong nhà trường.
Theo quan sát của VOA, nhiều người bày tỏ trên mạng xã hội rằng họ “vô cùng thất vọng”, “buồn bã” và cả “phẫn nộ” về vụ việc, tiếp sau nhiều vụ khác đã xảy ra ở các trường học. Những vụ này kết hợp lại với nhau cho thấy nền giáo dục và đạo đức Việt Nam xuống cấp nghiêm trọng, họ nhận xét.
Nhiều lời bình luận trên mạng xã hội quy trách nhiệm trước hết là cho ngành giáo dục và sau đó là các bậc cha mẹ. Họ cảnh báo rằng một khi học sinh dám đánh thầy cô thì các em sẽ chẳng chừa ai ra nữa và đó là một mối nguy lớn. Họ kêu gọi phải có một cuộc kiểm điểm và cải tổ sâu sắc ngành giáo dục.
VOA cố gắng liên lạc với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam để tìm hiểu quan điểm của họ nhưng không có hồi đáp.
Diễn đàn