Thính giả Nguyễn Minh Hải hỏi:
“Thưa Bác sĩ,
Tôi là Nguyễn Minh Hải, 46 tuổi, ở Sài Gòn
Xin bác sỹ vui lòng tư vấn cho tôi với những triệu chứng sau:
1) Các BS tại Bệnh Viện Đại Học Y dược TPHCM kết luận tôi bị RỐI LOẠN LO ÂU.
Các thuốc đã điều trị 1. SERTRALINE 50mg , Tôi cho rằng bệnh này là do nguyên nhân xã hội ( sức ép về công việc, lo toan về cuộc sống) nên tôi có thể tự điều trị được. Uống thuốc Sertraline còn cảm thấy khó chịu hơn là không uống.
2) Sau khi Test Điện Cơ thì các Bác sỹ ở VN kết luận tôi bị RỐI LOẠN VẬN MẠCH TETANY. ( Các thuốc đã điều trị : DAVYCA 75 mg . ELAVIL 25 mg, sau một thời gian điều trị uống Calcium thì dấu hiệu này đã giảm rõ rệt, các cơ chân tay không còn khó cử động nữa)
3) Từng sợi cơ trong từng bó cơ bị giật khắp cơ thể ,các BS chẩn đoán là bị GIẬT CƠ CRNN ở mọi lúc nên rất khó chịu. ( các BS đang cho tôi uống CALCIUM CARBONAT, MAGNESI )
Hiện tại huyết áp của tôi ổn định 120/80. Nhip tim từ 75- 90. tôi thường ngủ từ 24:00 đến 8 giờ sáng . Ăn uống không tốt như trước.
4) Tôi bị Viêm Gan B đã 30 năm nhưng chưa điều trị, các chức năng gan hiện nay vẫn ổn định, hình ảnh Gan chưa có gì bất thường.
5) Tôi đã Cắt túi mật ( do có sỏi )
6) Tôi bị viêm đại tràng (đang điều trị)
XIN BÁC SỸ CHO BIẾT BỆNH GIẬT CƠ CRNN là do nguyên nhân nào và có điều trị được không liệu bệnh này có dẫn đến ĐỘNG KINH hay ĐỘT QUỴ ( STROKE) không và xin tư vấn giùm tôi cách thức điều trị.
Xin cảm ơn Bác sĩ.
NGUYỄN MINH HẢI"
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Hội chứng rung giật cơ lành tính
Hôm nay chúng ta chỉ bàn đến một triệu chứng gọi là Benign fasciculation syndrome" (BFS), tạm dịch là “Hội chứng rung giật cơ lành tính", có thể tương đương với “Chứng giật cơ chưa rõ nguyên nhân" mà vị thính giả nhắc đến. Vì theo nguyên tắc, chúng ta không thể có ý kiến về một trường hợp cá biệt, và thêm nữa những thuật ngữ dùng ở VN hơi khác thuật ngữ tiếng Anh tại Mỹ, nếu đi vào chi tiết có thể gây hiểu lầm.
Về từ ngữ: fasciculation gốc chữ fascia, nghĩa là một chùm, một bó, ở đây, nói về một bó sợi cơ (fasciculus,a bundle of muscle fibers). Mỗi sợi cơ là một tế bào riêng rẻ, hình dài; có bắp cơ (muscle) chứa hàng ngàn sợi cơ, có bắp cơ chỉ có vài chục sợi cơ. Lúc có dòng điện từ các dây thần kinh kích thích, các sợi cơ sẽ co vào trong một thời gian rồi giãn ra.
Trong BFS, một nhóm sợi cơ co giật mà mình không kiểm soát được, chứ không phải toàn cơ bắp, ở những cơ bình thường mình cử động theo ý muốn. Những nơi thường xảy ra là mí mắt, cánh tay , cẳng chân , bàn chân; nhưng cũng có khi ở lưỡi, họng. Rung giật ngưng lúc mình cố tình cử động phần cơ bắp đó, nhưng lại tái diễn lúc mình giữ yên, có thể lan ra vùng bên cạnh, hoặc nhảy qua vùng khác (vd như từ dưới bàn chân, nhảy lên đầu, xuống bụng). Đặc biệt là các cơ không bị liệt, hay bị yếu đi.
Các triệu chứng khác:
-mệt mõi
-đau nhức cơ bắp
-lo âu
-yếu , mau mệt, co rút bắp thịt,
-cảm thấy nghẹn họng (globus sensation, như có cục gì trong họng)
-ngứa
-rung tay chân (tremor)
-tăng các phản xạ gân xương (hyperreflexia)
Nguyên nhân: Chưa hiểu rõ, có thể ở các sợi cơ, các tế bào thần kinh vận động hay nơi tiếp xúc giữa tế bào thần kinh và cơ. Có thể do thiếu magnesium, thiếu calcium do thiếu vitamin D. Một số thuốc: Benadryl dùng lâu dài, morphine lúc cai thuốc có thể gây ra co giật bó sợi cơ.
Định bịnh BFS:
Căn cứ trên triệu chứng lâm sàn. Bác sĩ cần chắc chắn là các cơ không bị liệt hay yếu. Cần loại bỏ trường hợp thiếu Calci, Magnesium, vitamin D, liên hệ tới việc dùng thuốc.
BFS khác với những trường hợp mà fasciculation có thể là thành phần một số bịnh làm bại liệt mà nguyên nhân nằm ở các tế bào thần kinh vận động của tuỷ sống (MND : motor neuron disease). Như bịnh ALS (amyotrophic lateral sclerosis) cũng có fasciculation nhưng triệu chứng chính là các cơ bị teo và bắt đầu ở hai chân bị yếu, hay đi vấp ngã; bịnh nhân chỉ sống được vài năm. Trong cơ điện đồ (EMG) của ALS, có dấu hiệu dây thần kinh bị hư hại, có thể có fasciculation trong EMG (nhưng không đặc thù cho bịnh này), do đó dể gây lẫn lộn giữa benign fasciculation syndrome (bịnh hiền, EMG bỉnh thường) và ALS.
Chữa trị:
-Giảm stress; chữa rối loạn lo âu. Hai thuốc bịnh nhân từng dùng trong nhóm này: Sertralin [Zoloft]), amitryptyline (Elavil)
-Một số thuốc dùng chữa bịnh rung vô căn (essential tremor) : beta blocker, thuốc chống co giật (anticonvulsivant) cũng được dùng cho BFS.
- Propanolol là thuốc ngăn chặn tác dụng kích thích của loại neurotransmitters như adrenaline (chất tiết tuyến thượng thận). Phản ứng phụ: mệt mõi, nghẹt mũi, tim đập chậm, không dùng cho người bị suyễn.
- Primidone, là một thuốc chống động kinh. Có thể làm buồn ngủ, lờ đờ, buồn nôn, mất thăng bằng.
- Gabapentin (Neurontin) chủ trị động kinh. Một thuốc bịnh nhân từng dùng trong nhóm này: (pregabalin [Dayvica])
-Tránh cà phê, thuốc lá.
-Sống lành mạnh điều độ; tập thể thao, thể dục, thiền, đọc kinh, yoga; ngủ đủ giờ, tránh thức khuya, ăn ngủ bất thường, stress.
Dự hậu:
Đa số bịnh nhân thuyên giảm với thời gian. Chữa bịnh lo âu (anxiety) là yếu tố quan trọng nhất.
Có khi bịnh nhân tự khỏi bịnh (spontaneous remission). Nếu bác sĩ không chắc chắn là bịnh BFS mà có thể có dấu hiệu của các bịnh tế bào thần kinh vận động (motor neuron disease) (như teo cơ, liệt, yếu cơ), bác sĩ sẽ cần theo dõi bịnh nhân theo định kỳ, bịnh nhân cần cho bs biết nếu thấy triệu chứng nặng thêm, hay có triệu chứng mới xuất hiện; với thời gian có thể sẽ kết luận dứt khoát hơn. Theo những tài liệu tôi tìm được, không thấy có liên hệ giữa chứng động kinh và đột quỵ với bịnh BFS.
Những nhận xét trên đầy hoàn toàn tổng quát, trong mục đích thông tin. Bịnh nhân cần được bác sĩ khám và hướng dẫn.
Chúc bịnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 2 tháng 5 năm 2017
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ vietnamese@voanews.com.