Thính giả Quan Tâm từ Việt Nam hỏi như sau:
“Kính thưa Bác sĩ,
Tôi có người con 28 tuổi bị khối u trong đầu, sau mang tai trái, làm điếc hoàn toàn tai trái, cùng với mắt trái bị giảm thị lực.
Theo kết quả chụp MRI thì khối u lớn nhanh so với vài tháng trước.
Tôi muốn đưa con tôi đi Singapore điều trị hoặc mổ. Nhờ quí Bác sĩ tư vấn tôi nên đi đến bệnh viện nào? Trước khi đi có phải khám lại để lấy kết quả lâm sàng hay không? Nếu có thì khám ở bệnh viện nào ở Sài Gòn.
Mấy tháng qua khám ở bệnh viện Việt Đức.
Rất mong được hồi đáp của quí đài qua email này trong thời gian sớm nhất.
Xin cám ơn."
Bác sĩ Hồ Văn Hiền:
Khối u thần kinh thính giác (acoustic neuroma, vestibular schwannoma)
Tôi xin nhắc lại như thường lệ là chúng ta không định bệnh cho cá nhân trên diễn đàn này. Tuy nhiên để cùng học hỏi và để định hướng cho câu trả lời câu hỏi của thính giả, chúng ta sẽ bàn chung về một loại u trong đầu có thể thường thấy trong trường hợp tương tự.
Một bệnh nhân 28 tuổi (khác với trẻ em), bị bướu trong xương sọ sau mang tai, và gây điếc và giảm thị lực có thể làm cho bác sĩ nghĩ đến một loại u bướu hiền (không phải ung thư) gọi là acoustic neuroma hay Schwannoma.
Nguyên nhân:
Nguyên nhân có lẽ do trục trặc một di thể nằm trên nhiễm thể số 22. Gen này kiểm soát sự sản xuất một protein cần thiết cho hoạt động bình thường của các Schwann cells, trong công việc bao bọc che chở các sợi dây thần kinh.
Nếu có bướu dây thần kinh số 8 (bilateral vestibular schwannomas) cả hai bên phải và trái, phải xem như là một bệnh neurofibromatosis type 2 ( NF2; bệnh u thần kinh sợi) có thể truyền qua con cái theo luật di truyền (gen trội/ autosomal dominant gene.) Trong bệnh NF2, cha hay mẹ mắc bệnh thì 50% con của họ có khả năng mắc bệnh.
Khái niệm về cơ thể học và bệnh học:
Tai chúng ta đi từ ngoài vào sâu trong có 3 phần: phần tai ngoài (external ear) gồm vành tai (auricle) và ống tai (ear canal) cho đến màng nhĩ (tympanic membrane), phía sau màng nhĩ là phần tai giữa (middle ear) chứa 3 cái xương nhỏ đề truyền sóng âm thanh vào phần thứ 3 sâu nhất là tai trong. Tai trong (inner ear) còn gọi là “mê đạo” (labyrinth) vì nó gồm nhiều ống chứa đầy một chất dịch nối liền với nhau. Mê đạo thu nhận những tín hiệu về âm thanh (thính giác), từ bộ phận gọi là gọi là con ốc [cochlea]). Những tín hiệu về phương hướng, vị trí cơ thể đến từ phần của mê đạo gọi là tiền đình (vestibule). Những tín hiệu này được truyền qua não bộ bằng dây thần kinh số 8 (8th cranial nerve, vestibulocochlear nerve).
Trong acoustic neuroma (acoustic là âm thanh, âm thanh học, neuroma có nghĩa là u/ bướu tế bào thần kinh), bướu thành hình từ những tế bào Schwann (Schwann cell) của thần kinh số 8. Schwann cells là những tế bào bao bọc các sợi (fibers) của tế bào thần kinh, tương tự như lớp plastic cách điện bao bọc các dây điện). Lúc lớn lên nhiều, bướu sẽ đè lên dây thần kinh này và làm cho bệnh nhân điếc hay giảm thính lực (hearing loss) và chóng mặt (vertigo) do tác dụng lên hệ tiền đình (vestibule) phụ trách về cảm nhận phương hướng và vị trí, di chuyển của đầu. Đến một lúc nào đó, bướu sẽ tác động, đè lên các phần não kế cận như làm mắt mờ, và nặng hơn nữa ảnh hưởng đến cơ năng cần thiết cho sự sống ("vital functions", như thở, ăn uống, tim đập), có nghĩa là đe doạ sự sống mặc dù bướu không phải là ung thư.
Trị liệu gồm:
1) Chờ đợi, can thiệp lúc cần vì bướu mọc chậm. 6-12 tháng một lần, bs cho chụp hình MRI và thử thính lực (hearing test) xem bệnh tiến triển như thế nào.
2) Xạ trị (irradiation);
3) Brain stereotactic Radiosurgery
Vd: Gamma Knife Radiosurgery dùng chừng 200 tia gamma hội tụ vào bướu cần phá huỷ, do đó không cần phải cắt thịt xương để tiếp cận với u bướu. Có thể phải đợi hàng tháng, năm mới thấy kết quả vì u bướu bị huỷ diệt từ từ. Không áp dụng cho u quá lớn.
4) Phẫu thuật (surgical removal):
Bác sĩ có thể lấy toàn bộ u, hoặc một phần, để bảo toàn dây thần kinh số 7 (TK 7 tổn thương có thể làm liệt một bên mặt, dây TK số 8 phụ trách nghe và thăng bằng) hoặc tránh tổn thương các phần não bộ bên cạnh.
Biến chứng :
- Liệt một bên mặt
- Chóng mặt, ù tai, mất thăng bằng
- Rỉ nước tuỷ sống (leaking cerebrospinal fluid) chảy máu ở vết thương, nhiễm trùng, viêm màng óc.
Trên đây chúng ta xét đến một loại u bướu (acoustic neuroma) có thể có những triệu chứng giống bệnh nhân đang nêu ra ở đây. Tôi cố gắng đi vào chi tiết để chúng ta cùng học hỏi, đồng thời để làm quen với các khái niệm, từ ngữ y khoa bằng tiếng Anh, chuẩn bị cho bệnh nhân và người thân có những kiến thức cơ bản về những gì bác sĩ ở Singapore có thể muốn biết và bàn luận trước khi chữa trị cho bệnh nhân.
Tất nhiên, chỉ có các vị bác sĩ đang chữa trị mới biết đích xác trường hợp cá biệt này.
1. Nên chuẩn bị tiền bạc cho những tốn kém phụ trội nếu các biến chứng bất ngờ xảy ra. Hỏi kỹ là những bệnh viện phí có bao trả cho các biến chứng nếu xảy ra hay không.
2. Nên tìm hiểu người đứng giải phẫu xem họ có kinh nghiệm trong lãnh vực loại u bướu của bệnh nhân hay không (ví dụ chữa ung thư thì khác cách chữa bướu hiền, có thể là bác sĩ thần kinh giải phẫu, nhưng cũng có thể cần bác sĩ chuyên về tai)
3. Nên đem theo tất cả hồ sơ hiện có (nhất là MRI là yếu tố định bệnh quan trọng nhất).
4. Nên đem theo địa chỉ liên lạc các bác sĩ đã chữa cho bệnh nhân, trong trường hợp lúc đến Singapore chúng ta cần những tin tức thêm nữa.
5. Nếu bệnh nhân ổn định, có lẽ nên làm những thử nghiệm kế tiếp nơi mình sắp đến để chữa trị.
6. Tuy nhiên, trước khi bệnh nhân lên máy bay, nên nhờ bác sĩ khám xem có vấn đề gì về an toàn lúc đi máy bay hay không.
7. Tôi không biết về tình trạng y khoa ngành giải phẫu thần kinh. Bác sĩ ở Việt Nam có thể biết nhiều hơn về vấn đề này.
8. Tuy nhiên, tìm hiểu trên mạng, tôi nghĩ những nơi đây có vẻ đáng tin cậy:
1) Singapore General Hospital, Department of Neurosurgery:
Overseas referral Phone +6563265656 (8am-7pm)
2) Singapore Brain-Spine-Nerves Center, Mt Elizabeth Medical Center in Singapore.
Practice Address :
Singapore Brain Spine Nerves Centre
3) Mt Elizabeth
#15-03 Mt Elizabeth Medical Centre
Singapore 228510
Telephone : +65 6835 4325
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ văn Hiền
----------------------------------------
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Qúy vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.
Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của qúy vị.