Đường dẫn truy cập

Hỏi đáp Y học: Nóng trong người như lửa đốt (Burning Pain)


Bác sĩ Hồ Văn Hiền.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền.

Bà Nguyễn Thị Thang, 67 tuổi, ở Sài Gòn, hỏi:

"Tôi bị nóng trong người như có lửa đốt đã 3 tháng nay. Có khi thì nóng từ đầu xuống vai, rồi lan đi khắp nơi trong người. Có khi tôi cảm thấy nóng ở dưới chân. Có khi cảm thấy nóng ở ngực. Trong cơ thể tôi nó nóng ở bất cứ nơi đâu, chứ không phải một chỗ. Mà nó không thể hiện trên nhiệt kế. Đo không có độ. Da vẫn mát bình thường. Trong một ngày tôi có thể không bị nóng chừng một, hai tiếng thôi, còn lại là nóng mà tôi không thể nào chịu nổi.

Tôi có đi điều trị, có xét nghiệm máu, chụp X quang, phim phổi, có đo điện tim, siêu âm mà bác sĩ không tìm được bệnh của tôi.

Xin hỏi Bác sĩ có phải tôi đã nhiễm phải chất gì đó?

Mỗi lần nóng như vậy, huyết áp của tôi tăng từ 114 đến 117. Nó dày vò tôi rất khổ sở.

Tôi đi Nhật nhiều lần trong năm. Lần nào cũng đi chụp X quang, phim phổi.

Tôi có phải bị nhiễm phóng xạ không? Triệu chứng nhiễm phóng xạ ra sao? Và như vậy tôi đi điều trị nơi đâu? Và làm sao để người ta biết khám [chữa] các nóng như lửa đốt trong người của tôi?”

Xin cảm ơn Bác sĩ."

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Hỏi đáp Y học: Nóng trong người như lửa đốt
please wait

No media source currently available

0:00 0:21:42 0:00
Tải xuống

Nóng trong người như lửa đốt (Burning Pain)

Tôi xin đưa ra một số nhận xét chỉ hoàn toàn có tính cách thông tin. Đây là một triệu chứng ít khi được y giới bàn đến, vì khá chủ quan, khám thông thường không tìm thấy gì cụ thể, nhưng bệnh nhân thì rất khổ sở và có thể cảm thấy bác sĩ không hiểu mình.

Ở đây bệnh nhân cảm thấy mình bị nóng ở nhiều chỗ khác nhau, lúc chỗ này , lúc chỗ khác, nhưng nhiệt độ cơ thể không tăng, và da bên ngoài vẫn nguyên vẹn, không có mẫn đỏ hay mề đay, không có mụn nước. Như vậy có thể loại bỏ các trường hợp như bệnh "giời ăn" (shingles, herpes zoster), da nóng, đau ở một vùng do dây thần kinh ở đó bị viêm vì siêu vi herpes nằm sẵn trong cơ thể, do trước đây bệnh nhân bị bệnh trái rạ (thuỷ đậu). Một số người bị rễ dây thần kinh bị kẹp, đè lúc nó chiu ra từ cột sống, do cột sống bị bệnh (ví dụ như đĩa đệm giữa các đốt sống thoát vị, "xì" ra ngoài đè lên dây thần kinh [herniated intervertebral disc]). Một số người bệnh tiểu đường làm hư hại các dây thần kinh ngoại biên (diabetic peripheral neuropathy), có thể làm họ đau, tê, hay buốt những vùng da dưới chân. Tuy nhiên, các trường hợp kể trên có lẽ không áp dụng ở đây, vì cách xuất hiện đến rồi đi chỗ khác, vì tình hình sức khoẻ chung của bệnh nhân tốt, và nhất là bác sĩ trong và ngoài nước (nhất là ở Nhật) đã tìm tòi mà không thấy gì.

Sau đây chúng ta sẽ bàn đến cảm giác "nóng" trong người mà người bệnh không có vấn đề sức khoẻ gì khác về thể chất. Nóng hay "hot" trong tiếng Anh là một từ khá mơ hồ, có thể là như ngồi gần lửa, có thể như bị phỏng (burning sensation), có thể như bị rát, nhưng nói chung là những cảm giác thuộc loại báo động cho chúng ta biết có gì đe dọa chúng ta. Da của chúng ta có những bộ phận cảm biến (sensor) nhiều loại khác nhau (như đau, nóng, áp suất), liên lạc với cột sau của tủy sống qua các dây thần kinh, được các neuron trong tủy sống (dorsal horn of the spinal cord) kết nối với một bộ phận gọi là thalamus, nằm dưới não bộ, phía sau đôi mắt. Thalamus là nơi thu nhận tất cả các tín hiệu từ ngoại biên về.Thalamus lại liên lạc tiếp với một vùng có cơ năng cao hơn về ý thức, vỏ não thùy vách phía bên đầu (somatosensory cortex of the parietal lobe). Các cơ quan phía trên này (thalamus và cortex) đồng thời sẽ xem xét xem tín hiệu nào là quan trọng, tín hiệu nào không, nếu không quan trọng sẽ cho những impulse trở ngược xuống (descending fibers from the brain) ức chế các tín hiệu báo nguy đó. Cho nên, cái đau, nóng, nhức nhối là một tín hiệu đã được qua nhiều lớp kiểm duyệt, diễn dịch của não bộ (pain modulation) trước khi trở thành cái "đau, nóng" mà chúng ta cảm nhận một cách có ý thức. Cho nên, lúc nào chúng ta cũng có những tín hiệu nóng, lạnh, đụng chạm từ ngoài, nhưng chúng ta vẫn không để ý, và không cảm giác gì vì các cơ quan trên não bộ xem là không đáng để báo động. Hay một người từng tập luyện tham thiền có thể kiểm soát nhiều ít cảm giác khó chịu, đau đớn từ ngoài vào. Ngược lại, trong một số trường hợp, do rối loạn trong một mắc xích nào đó của quá trình từ da vào võ não này, một kích thích nhẹ, vô hại, không đáng kể có thể được não bộ diễn dịch thành một cơn đau buốt, nóng bỏng khó chịu trong phần ý thức của chúng ta.

Ví dụ, người bị chứng “rối loạn lo âu” (anxiety disorder) đặt cơ thể mình vào tình trạng căng thẳng, bị stress. Máu bị ưu tiên dùng cho phản ứng "đánh hoặc tránh" (fight or flight) nên da họ có thể bị khó chịu, nhạy cảm hơn bình thường vì máu cung cấp cho da giảm bớt, các cảm biến ngoại biên (peripheral sensors) trở nên rất nhạy cảm nên có thể gởi tín hiệu báo động về thần kinh trung ương nhiều hơn và cấp tính hơn là thực tế. Tại thần kinh trung ương (central nervous system), não bộ không được nghỉ ngơi đầy đủ bởi đối phó với stress liên miên nên cũng có khuynh hướng khuyết đại quá mức các tín hiệu này. Kết quả là bệnh nhân thấy đau thấy nóng trong lúc thực tế không gì đáng kể xảy ra (central pain).

Sơ lược là như vậy, và kiến thức về lãnh vực này trong y khoa còn rất sơ sài, nhưng để chúng ta thấy rằng đau, nóng có thể là một hiện tượng rất phức tạp, rất tùy thuộc về phần tinh thần, tâm lý (“mind’) của chúng ta, không phải lúc nào cũng căn cứ trên thực tế vật lý.

Về nhiễm độc phóng xạ (radiation sickness, radiation poisoning), đối với bệnh nhân trung bình, có lẽ đây là một điều xa xôi bác sĩ có lẽ không xét tới, trừ trường hợp các nhân vật quan trọng hay những người làm việc trong môi trường nguy cơ cao như nhà máy nguyên tử, các phương tiện dùng phóng xạ tại nhà máy, nhà thương. Các bệnh nhân như vậy nếu thử nghiệm sẽ không bình thường. Tuy nhiên chụp quang tuyến nhiều lần nếu không có chỉ định rõ rệt (chỉ "cho chắc ăn") là một điều không nên làm vì phơi nhiễm với quang tuyến X (nhất là CT) không tốt cho cơ thể.

Người đặt câu hỏi có vẻ lo âu rất nhiều về sức khoẻ của mình. Tuy nỗi lo này có lý do vì đây là một triệu chứng mà các bác sĩ hay lơ là vì không hiểu rõ, chúng ta nên ý thức là lo âu quá mức tự nó cũng có thể gây ra những bệnh loại này, và có thể làm bệnh nặng thêm, theo vòng luẩn quẩn. Những dấu hiệu của rối loạn lo âu (anxiety disorder) thường thấy: cảm giác bứt rứt (nervous), không yên tâm; khó ngủ, không ngừng lo được; lo nhiều chuyện khác nhau cùng một lúc; không thoải mái, thư giãn được; khó ngồi yên một chỗ (restless); khó chịu, cáu kỉnh (irritable); lo sợ, làm như một chuyện gì ghê gớm sắp xảy đến.

Những biện pháp giản dị:

- Tìm hiểu thêm về ảnh hưởng của tinh thần trên triệu chứng đau, nóng.
- Nếu bác sĩ đã xác định một cách thuyết phục là không có bệnh nguy hiểm và chỉ do mình lo lắng mà ra, áp dụng các biện pháp thư giãn như thiền, đọc kinh, cầu nguyện, yoga,
- Massage, vận động thể thao thể dục;
- Ăn uống gỉan dị, tránh các chất kích thích như trà, cà phê, thuốc lá, rượu, ăn rau, trái cây tươi, giảm thịt đỏ, ăn đậu nành nhiều hơn (các chất hormone thực vật phytoestrogen có thể có ích cho phụ nữ lớn tuổi), uống vitamin nếu thấy cần.
- Tránh áo quần, giày dép quá chật, không vừa, tránh nơi quá nóng hoặc quá lạnh.
- Tránh các tình huống gây stress như bực mình, cãi vã, lái xe lúc đông người.
- Nếu có thể, nên đi khám bác sĩ thần kinh (neurologist), tâm lý (psychologist) hay tâm thần (psychiatrist). Nếu thấy thích hợp, bác sĩ có thể dùng một số thuốc an thần như clonazepam (Klonopin), thuốc chống co giật như gabapentin, có thể giúp ích trong một số trường hợp đau đi đôi với bệnh lo âu hay viêm các dây thần kinh.

Xin nhắc lại là các nhận xét trên đây về một vấn đề rất phức tạp và khó, hoàn toàn có mục đích thông tin mà thôi, có thể thay đồi theo các tiến bộ khám phá mới.

Chúc bệnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

-------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.

Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của quý vị.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG