Sau một cuộc bầu cử mang nặng tính sắc tộc và tôn giáo, thủ đô Jakarta cuối cùng đã có tân đô trưởng, và Indonesia phải đối mặt với một thực tế là người Hồi giáo đã “lấn sân” vào chính trường một cách chưa có tiền lệ tại đất nước Indonesia hiện đại.
Ông Anies Baswedan, một hiệu trưởng trường đại học và cựu Bộ trưởng Giáo dục-Văn hóa, đã đánh bại đối thủ, Basuki “Ahok” Tjahaja Purnama, một tín đồ Thiên Chúa giáo gốc Hoa đã trở thành quyền đô trưởng sau khi cấp trên của ông, Joko “Jokowi” Widodo, đắc cử tổng thống hồi năm 2014.
Ông Ahok rất được lòng dân cho tới tháng 9 năm 2016, khi ông dẫn Kinh Koran trong một bài diễn văn cho chiến dịch vận động tại khu vực đánh cá Ngàn Đảo. Những tín đồ Hồi giáo cực đoan đã dùng một video clip về bài phát biểu này để buộc ông vào tội phỉ báng tôn giáo.
Sau khi tuyên bố chiến thắng, ông Baswedan cam kết sẽ làm việc vì công lý cho tất cả mọi người.
Ông nói: “Cam kết nhất quán của chúng tôi là tập trung vào công lý xã hội, điều đó có nghĩa là chúng tôi muốn chấm dứt những vấn nạn đang lan tràn ở Jakarta, như tình trạng bất bình đẳng”.
Một nhóm trước đây bị gạt sang bên lề xã hội được biết đến dưới tên Mặt trận Bảo vệ Hồi giáo (FPI) đã tổ chức hai cuộc biểu tình rầm rộ ở Jakarta, kêu gọi phải bỏ tù, thậm chí giết chết ông Ahok.
Mặc dù 87% người Indonesia là tín đồ Hồi giáo, chính phủ nước này về mặt chính thức vẫn theo chủ nghĩa thế tục. Hiến pháp Indonesia bảo vệ 6 tôn giáo. Không như nước láng giềng Malaysia, Indonesia không dành một vị thế đặc biệt nào cho đạo Hồi.
Ông Baswedan trước đây được biết đến là một người có lập trường trung dung, ôn hòa. Nhưng ông đã liên minh với FPI và các thành phần tôn giáo cực đoan trong suốt chiến dịch vận động của ông.