Đường dẫn truy cập

Hội Nghề cá bác bỏ chuyện đưa ngư dân ra làm ‘lá chắn sống’


Ngư dân ngồi trên thuyền ở Đà Nẵng, Việt Nam.
Ngư dân ngồi trên thuyền ở Đà Nẵng, Việt Nam.
Một giới chức thuộc Hội nghề cá Việt Nam mới lên tiếng phản bác các thông tin cho rằng việc kêu gọi các ngư dân ra bám biển trong tình hình căng thẳng ở biển Đông không khác nào biến họ thành ‘bia đỡ đạn’.

Ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng, nói với VOA Việt Ngữ hôm 11/6 rằng Hội của ông ‘không bao giờ xúi dân vào nơi hòn tên mũi đạn và nhân dân cũng không dại gì đi làm chuyện đó’. Ông Lĩnh nói:

“Trong khi mà đi biển thì chúng tôi đã chỉ dẫn cho ngư dân rằng là mình đi làm ăn, mình bảo vệ tổ quốc bằng cái sự hiện diện của mình trên vùng biển của tổ quốc, chứ không phải là mình đem cái tính mạng của mình, hoặc đem cái tài sản của mình ra mình đâm va, mình tranh chấp với Trung Quốc. Tuyệt đối chúng tôi không làm như vậy. Theo hướng dẫn của chúng tôi, nếu thấy họ [Trung Quốc] là phải chạy, chạy xong, tránh xong rồi nếu mà họ bỏ đi thì mình lại quay lại cái đó mình làm ăn. Mình không bao giờ gây gổ và khiêu khích họ. Họ đâm va như vậy, họ cố ý họ làm như vậy để họ triệt tiêu hai chuyện, một là họ làm cho phương tiện đánh bắt của mình bị hư hỏng, tức là làm cho mình mất của. Hai là họ triệt tiêu cái ý chí bám giữ vùng biển truyền thống của mình, để họ thực hiện cái ý đồ họ độc chiếm vùng biển đó một cách bất hợp pháp.”
Chúng tôi chỉ dẫn cho ngư dân rằng là mình đi làm ăn, bảo vệ tổ quốc bằng cái sự hiện diện của mình trên vùng biển của tổ quốc, chứ không phải là mình đem tính mạng của mình, hoặc đem tài sản của mình ra mình đâm va, tranh chấp với Trung Quốc.
Ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng.

Ông Lĩnh lên tiếng như vậy vài ngày sau khi Đài truyền hình Việt Nam công bố một đoạn video quay cảnh tàu của Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng hôm 26/5.

Đoạn phim cho thấy một chiếc tàu lớn của Trung Quốc truy đuổi hai tàu cá nhỏ hơn nhiều của Việt Nam rồi sau đó đâm chìm một chiếc dưới sự chứng kiến của các tàu cá khác của ngư dân Việt Nam.

Giới chức của Hội nghề cá Đà Nẵng cho hay rằng các ngư dân gặp nạn ‘hiện vẫn chưa tìm được việc làm mới’ và dù họ đã nhận được một số hỗ trợ từ cộng đồng, ‘vẫn chưa đủ để đóng lại một con tàu mới’.

Trong các cuộc phỏng vấn với ban Việt Ngữ, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, các giới chức nghề cá của Việt Nam cho hay, họ vẫn luôn kêu gọi ngư dân tiếp tục duy trì sự hiện diện trên biển để khẳng định chủ quyền.
Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần Hoàng Sa, ngày 29/5/2014. Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần Hoàng Sa, ngày 29/5/2014.
Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần Hoàng Sa, ngày 29/5/2014. Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần Hoàng Sa, ngày 29/5/2014.

Nhưng cũng không ít người cho rằng những lời kêu gọi đó ‘đẩy ngư dân vào chỗ nguy hiểm’.

Khi được hỏi, Việt Nam làm sao để có thể bảo vệ các ngư dân trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục đối đầu nhau ở biển Đông, ông Lĩnh nói:

“Biển thì nó bao la. Không thể có chuyện mình đi đánh cá thì rồi trong đó có lực lượng luôn luôn đứng một bên để bảo vệ. Để bảo vệ của Việt Nam thì Việt Nam cũng có lực lượng chuyên ngành ví dụ như cảnh sát biển rồi kiểm ngư và thậm chí là có hải quân nữa. Nhưng cái việc họ làm như vậy là họ bảo vệ bờ cõi và bảo vệ an ninh chung, trong đó có ngư dân. Trước hết là chúng tôi phải tự bảo vệ mình bằng cách là chúng tôi tổ chức thành tổ đội, tức là đi đông với nhau, không phải đi một mình, để mà giúp đỡ nhau, cấp cứu kịp thời, chứ còn biểu rằng là phải có tàu để bảo vệ mình đi đánh cá theo kiểu họ kèm cặp mình thì có lẽ không có chuyện đó. Ngay trong đất liền cũng không thể”.

Trước khi xảy ra sự việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào khu vực mà Việt Nam nói là thềm lục địa của mình, hồi tháng Ba, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nói rằng cần phải hỗ trợ tối đa cho hơn 1 triệu ngư dân Việt Nam ‘giữ vững chủ quyền’.

Và tới hôm 9/6, Quốc hội Việt Nam thống nhất chi 16.000 tỷ đồng để đầu tư cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân.

Trả lời VOA Việt Ngữ hôm 11/6, Đại tá Nguyễn Quang Trung, Chỉ huy trưởng, Cảnh sát biển Vùng 2 ở khu vực miền Trung Việt Nam, nói rằng lực lượng của ông đang hỗ trợ các ngư phủ.

“Chúng tôi có biện pháp tăng cường lực lượng chấp pháp để hỗ trợ cho ngư dân duy trì và thực thi nhiệm vụ trên biển, đặc biệt là để cho nhân dân an tâm làm việc. Tất nhiên cũng có những phần lực lượng mình còn ít thôi, nhưng mà từ từ, nói chung cơ bản được rồi, hiện nay là chỗ dựa để nhân dân thực hiện rồi”.

Mới đây, ông Dũng đã quyết định chủ trương đóng tàu cá vỏ thép thay thế tàu vỏ gỗ cho 3.000 tàu cá đầu tiên trong tổng số hơn 130.000 chiếc trên cả nước.

Trong khi đó, thuyền trưởng tàu cá bị Trung Quốc đâm chìm nói với VOA Việt Ngữ rằng ông sẽ ‘tiếp tục ra khơi, bám biển để giữ chủ quyền biển đảo cho thế hệ sau này con cháu nó noi theo’.
XS
SM
MD
LG