Hội Nghề cá Việt Nam vừa có văn bản tố giác hành động “phi pháp” và “dã man” của tàu Trung Quốc khi đâm chìm một tàu cá của Việt Nam hôm 20/4 khiến 6 ngư dân Việt suýt mất mạng, đồng thời yêu cầu giới hữu trách gia tăng áp lực đòi Bắc Kinh phải “truy cứu trách nhiệm” và “bồi thường” cho những ngư dân đang đứng trước nguy cơ phá sản và nợ nần.
Trả lời phỏng vấn của VOA tối 23/4, TS. Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Nguyên thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, xác nhận hành động đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản cho ngư dân Việt Nam của phía Trung Quốc đã lặp đi lặp lại nhiều lần và đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, mặc dù Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối.
TS. Nguyễn Việt Thắng nói:
“Diễn biến đó cứ lặp đi lặp lại, không giảm sút gì mà đầu năm nay còn tăng lên. Vì vậy, chúng tôi cũng kiến nghị mạnh mẽ hơn, và về phía chính phủ, chúng tôi đề nghị các cơ quan chấp pháp phải tăng cường hiện diện hơn nữa, phải ngăn chặn trước, không để xảy ra chuyện trong vùng biển của Việt Nam mà tàu nước ngoài đi vào rồi lại còn đâm vào tàu của Việt Nam nữa. Đó là việc chúng tôi yêu cầu trong kiến nghị. Ngoài việc phản đối Trung Quốc, thì phía mình cũng phải có những nỗ lực nhất định nhằm hạn chế những chuyện đáng tiếc xảy ra”.
Theo báo cáo của Hội Nghề cá, vào khoảng 8 giờ ngày 20/4, tàu cá QNg 90332 của ông Nguyễn Tấn Ngọt, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đã bị 2 tàu Trung Quốc mang số hiệu 45103 và 46001 đâm chìm rồi bỏ đi khi họ đang đánh cá trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa mà hai nước cùng tuyên bố chủ quyền và hiện nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh.
Kể lại với báo giới ngay khi vừa đặt chân về tới đất liền đêm 22/4, chủ tàu Nguyễn Tấn Ngọc cho biết, tàu của ông đã bị “đứng máy” sau hơn 1 tiếng đồng hồ bị hai tàu Trung Quốc rượt đuổi.
5 người của phía Trung Quốc, mà ông Ngọt mô tả là “bọn lính”, trong trang phục đen, đã bắt ông và các thuyền viên phải viết ra họ tên, quê quán và lăn tay, rồi sau đó bỏ đi.
“Hai chiếc [tàu Trung Quốc] đều kẹp vô tàu tôi và va đụng liên tục nên tàu tôi bị dập đồng hồ và bể ván, nên tàu tôi từ từ bị đắm”, ngư dân Ngọt kể lại sự việc với báo chí.
6 ngư dân Việt Nam phải dùng bộ đàm để kêu cứu và được tàu cá của ông Nguyễn Chính cứu vớt kịp thời, khi tình trạng sức khỏe của họ đã “như gần chết”, Thanh Niên dẫn lời ngư dân Chính nói.
Trước đó, tàu của ông Nguyễn Chính cũng phải tháo chạy vì bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, dẫn đến mất liên lạc với tàu của ông Nguyễn Tấn Ngọt.
Trong văn bản báo cáo ngày 22/4, Hội Nghề cá lên án hành động “phi pháp, dã man” tiếp theo của Trung Quốc, gây thiệt hại lớn về tài sản và đe dọa tính mạng của ngư dân khi họ đang hành nghề trong khu vực biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho biết thêm:
“Để bảo vệ quyền lợi của bà con ngư dân, chúng tôi trước hết lên tiếng phản đối và yêu cầu Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu phía bên kia phải truy cứu trách nhiệm và bồi thường, yêu cầu chấm dứt việc lặp đi lặp lại nhiều lần việc cho tàu đâm và tàu cá Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam”.
Kể từ tháng Ba tới nay, đã có hơn 10 tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm va, cướp phá tài sản, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Nhiều ngư dân cho biết ngoài việc cướp bóc, phá hỏng máy móc, ngư cụ nhằm “triệt đường sống”, người Trung Quốc còn sử dụng vũ lực đối với ngư dân và ép họ phải chuyển toàn bộ hải sản đánh bắt được lên tàu của Trung Quốc, theo Tuổi Trẻ.
Giữa tháng trước, Bộ Ngoại giao đã phản đối quyết định cấm đánh bắt cá “đơn phương” của Trung Quốc ở Biển Đông, kéo dài từ ngày 1/5 tới 16/8.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho rằng lệnh cấm “xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế”.
Hiện chưa rõ hành động đâm tàu cá của ngư dân Việt Nam có liên quan tới quy định cấm đánh bắt cá này hay không.