Đường dẫn truy cập

Hội nghị lớn về đời sống hoang dã tập trung bàn về tê giác, voi


Ảnh tư liệu - Một con voi ở công viên quốc gia Samburu, Kenya.
Ảnh tư liệu - Một con voi ở công viên quốc gia Samburu, Kenya.

Voi, loài động vật khổng lồ, và tê giác, một con vật nhút nhát, ẩn dật của châu Phi là chủ đề chính được thảo luận trong hội nghị năm nay ở Johannesburg quy tụ các thành viên của hiệp ước bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu. Có phần chắc sẽ diễn ra một trận tranh cãi khốc liệt về liệu có nên cho phép, hay là nên cấm buôn bán ngà voi và sừng tê giác. Các thành viên đã ký Công ước CITES cũng sẽ xem xét các biện pháp nên áp dụng đối với hàng chục ngàn loài khác, ít được biết đến hơn.

Các chiến tuyến đã được vạch ra khi hơn 3.000 đại biểu gặp nhau ở Johannesburg để quyết định về các quy định và biện pháp để bảo vệ các loài động và thực vật dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.

Các thành viên của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng nhóm họp mỗi 2-3 năm một lần để xem xét lại hiệp ước đã tồn tại 41 năm nay, chứa các điều khoản về hơn 5.600 loài động vật và 30.000 loài thực vật.

Nhưng năm nay, có hai loài chiếm trọng tâm của các cuộc thảo luận: đó là tê giác và voi. Khi cuộc họp bắt đầu hôm 24/9, hàng trăm người biểu tình tập trung ở Johannesburg để phản đối một đề xuất của Zimbabwe và Namibia về việc hợp pháp hoá việc mua bán ngà voi. Nước Swaziland nhỏ bé đã đề xuất cho phép mua bán hợp pháp sừng tê giác.

Nước chủ nhà Nam Phi ủng hộ cả hai đề xuất và lập luận rằng mua bán hợp pháp các mặt hàng đó có thể mang lại lợi ích cho những nỗ lực bảo tồn và giúp nền kinh tế. Họ vấp phải sự phản đối gay gắt từ phần lớn trong số 183 thành viên CITES.

Shubert Mwarabu là một nhà vận động vì loài voi. Ông là người Tanzania. Ông đã đến Johannesburg để nêu ra 3 yêu sách của nước mình: đó là việc bắt giữ và truy tố tất cả những ai mua bán ngà voi, và nước ông phải làm việc chặt chẽ với Trung Quốc để đóng cửa thị trường ngà voi. Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đóng cửa thị trường ngà voi trong nước của họ vào cuối năm nay.

Yêu sách thứ ba đang gây tranh cãi.

Ông nói: "Chúng tôi muốn thấy kho ngà voi của Tanzania phải bị tiêu hủy công khai, chúng tôi tin rằng đó là kho lớn nhất thế giới ... Sự tồn tại của các thị trường ngà voi hợp pháp – cứ cho rằng đó là các thị trường ngà voi hợp pháp – các hồ sơ trước đây cho thấy rằng một khi người ta cho phép được mua đứt bán đoạn, một số nước nhỏ đã sử dụng điều đó để tuồn ra ngà voi từ kho dự trữ của họ. "

Nhưng một số nhà vận động vì các loài hoang dã nói việc mua bán hợp pháp chỉ là vấn đề phụ. Đó là lý do tại sao Richard Thomas thuộc mạng lưới giám sát các loài hoang dã toàn cầu TRAFFIC cho biết tổ chức của ông không đứng về phía một trong hai bên. Ông nói:

"Quả thực, tôi đang không đứng về bên nào, bởi vì chúng tôi tin rằng đó không thực sự là vấn đề chính trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng săn trộm. Ở giai đoạn này, không nên đặt ra việc có hay không cho phép mua bán ngà voi hợp pháp, mà phải bàn về việc giải quyết nạn săn bắn trộm và kiểm soát chặt chẽ việc mua bán ngà voi bất hợp pháp. Và điều này chỉ có thể đạt được nhờ sự hợp tác quốc tế".

Các thành viên sẽ họp trong 12 ngày, và tổng thư ký John Scanlon của CITES dự báo sẽ có cuộc tranh luận căng thẳng nhưng trên hết sẽ có hiệu quả.

Ông nêu ra niềm đam mê của cả hai đất nước yêu thể thao điên cuồng là Nam Phi và đất nước ông, Australia. Và ông so sánh cuộc thảo luận sắp tới với một trận đấu bóng bầu dục nhiều va chạm.

Ông nói: "Mọi người thi đấu hết mình, và họ thi đấu để giành chiến thắng".

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG