Trong tuần này Thổ Nhĩ Kỳ là nước chủ nhà của một hội nghị thượng đỉnh nhân đạo giữa lúc có cuộc khủng hoảng người tị nạn tệ hại nhất thế giới và nạn bất bình đẳng trên toàn cầu mỗi ngày một tăng. Liên Hiệp Quốc đã triệu tập hội nghị tại Istanbul để cải tổ hệ thống đáp ứng khẩn cấp của thế giới. Theo tường thuật của thông tín viên Zlatica Hoke, hơn 120 quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh.
Có gần 60 triệu người phải rời bỏ nhà cửa trên toàn thế giới do bạo động, nghèo khó và thiên tai. Tuy nhiên vẫn có hàng triệu người ở tại nhà cũng cần được trợ giúp để sống còn.
Ông Herve Verhoosel, đại diện Liên Hiệp Quốc tại hội nghị nhân đạo thế giới, nói: “Hiện nay chúng ta đang ở trong tình trạng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc, với hơn 130 triệu người trên thế giới cần được cứu trợ. Ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc quyết định là đã đến lúc tất cả các quốc gia liên hệ, thành viên Liên hiệp quốc, lãnh vực tư và các tổ chức phi chính phủ cùng ngồi lại với nhau để xem chúng ta có thể giúp đỡ tốt hơn cho 130 triệu người đang cần sự giúp đỡ hay không.”
Thổ Nhĩ Kỳ là nơi tạm trú của số người tị nạn đông đảo nhất trên thế giới, trong đó có 2,7 triệu người Syria. Tuy nhiên, vẫn còn có những trại tị nạn lớn tại Kenya, Ethiopie, Jor-dan, Ấn Độ và những nơi khác. Nhiều người tại các phần đất châu Phi và châu Á đang phải đối mặt với nạn đói vì hạn hán kỷ lục tại những nơi này.
Ngày 22 tháng 5, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi các tín hữu cầu nguyện để hội nghị thượng đỉnh thành công: “Hãy cầu nguyện cho những người tham dự hội nghị này để họ hoàn toàn cam kết cho mục đích nhân đạo chính là cứu mạng mỗi người, không có ngoại lệ nào cả, nhất là những người vô tội và không có phương tiện tự vệ.”
Nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo trong tháng trước đã đi thăm di dân trên đảo Lesbos thuộc Hy Lạp để thu hút sự chú ý của thế giới đến nổi thống khổ của những người tị nạn.
Các tổ chức nhân đạo đang kêu gọi thành lập một hệ thống phân phối cứu trợ nhân đạo thường trực toàn cầu.
Ông Salil Shetty thuộc tổ chức Ân xá Quốc tế nói: “Chúng ta không thể nào có sự đáp ứng không ngớt thay đổi từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác. Chúng ta cần một hệ thống phân phối thường trực, căn cứ trên việc chia sẻ trách nhiệm trên thế giới. Tôi nghĩ đây là lời kêu gọi của chúng ta đối với các chính phủ. Đây là lời kêu gọi của mọi người đối với các chính phủ và họ phải lắng nghe.”
Hôm 19/5, Hội Ân xá Quốc tế công bố kết quả của một cuộc thăm dò cho thấy hầu hết dân chúng trên thế giới đều chào đón người tị nạn, với Trung Quốc, Đức và Anh đứng đầu danh sách. Theo cuộc thăm dò, Nga là quốc gia ít chấp nhận người tị nạn nhất. Nga không tham dự hội nghị thượng đỉnh Istanbul và không chấp nhận sự ràng buộc của những quyết định của hội nghị này.