Đường dẫn truy cập

Hội nghị Trung ương 6 bàn vấn đề ‘cấp bách’, ‘nhạy cảm’


Phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6, ngày 4/10/2017. (Ảnh chụp từ Infonet.vn)
Phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6, ngày 4/10/2017. (Ảnh chụp từ Infonet.vn)

Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 4/10 khai mạc hội nghị trung ương 6 với trọng tâm giải quyết nhiều vấn đề ‘cấp bách’ và ‘nhạy cảm.’

Truyền thông trong nước loan tin gần 200 lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam đã tập hợp ở thủ đô Hà Nội bắt đầu hội nghị kéo dài một tuần để giải quyết nhiều vấn đề “rộng lớn,” vừa “cơ bản” vừa “cấp bách” và “nhạy cảm” trong đó có bàn việc “tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn.”

Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà báo độc lập Quang Hữu Minh nhận định rằng, dù phiên khai mạc do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì không đề cập cụ thể nhưng hội nghị nói ‘tinh gọn’ có nghĩa là sẽ gộp hai chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước thành một:

“Tôi kỳ vọng kỳ này Hội nghị Trung ương 6 sẽ tiến hành nhất thể hóa. Đảng đã bàn nhất thể hóa hai chức danh này lâu rồi, và cũng đã nhắc lại ở Hội nghị Trung ương 4 và 5.”

Trong suốt thập niên qua, có một vài lần Hà Nội đã nêu lên vấn đề nhất thể hóa. Hiện nay một số địa phương đang thí điểm mô hình nhất thể hóa ở cấp huyện, và cấp tỉnh. Theo báo Nhân dân, có nơi nhận được 95% sự ‘đồng tình’ của người dân, ví dụ như ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

Gần đây nhất, vào tháng 6 vừa qua, tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có bài trên trang Tia Sáng đề nghị giải pháp "nhất thể hóa" ở cấp quốc gia để lập ra chức tổng thống.

Trong bài "Nhất thể hóa theo mô hình tổng thống lưỡng tính," ông Dũng đề cập đến các nguyên tắc chung về hai thể chế mà quốc tế gọi là tổng thống chế và mô hình đại nghị. Ông cũng đề nghị người đứng đầu nhà nước là tổng thống. Tuy nhiên, bài báo này nay không còn truy cập được nữa.

Ông Minh phân tích các mặt tích cực của việc nhất thể hóa:

“Trước nhất là khắc phục trình trạng lãng phí tiền thuế của dân. Các sự trùng lắp về ban bệ của Đảng cũng giảm đi. Thứ hai là tập trung về một người lãnh đạo nên hình thành cơ chế quy trách nhiệm rõ hơn – giảm việc đổ thừa qua lại giữa bí thư và chủ tịch. Nhất thể hóa cũng giúp dễ dàng đổi mới chính trị hơn, vì độc tài cá nhân dù sao cũng dễ thay đổi hơn độc tài tập thể. Đó là 3 cái lợi mà nhất thể hóa có thể mang lại tức thì.”

Dù không nêu trong phiên khai mạc, nhưng việc thảo luận hình thức kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư thành ủy Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ diễn ra trong hội nghị này, ông Minh cho biết thêm:

“Đương nhiên Hội nghị Trung ương 6 sẽ tiến hành kỷ luật giống như đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, nhưng Đảng muốn rằng việc này không ồn ào quá trong dư luận sau một thời gian quá ồn ào và gây nên hiệu ứng ngược – bản thân người bị kỷ luật cũng không phục, còn dư luận thì cho rằng đây là cuộc thanh trừng phe phái chứ không phải chống tham nhũng. Trong phát biểu diễn văn khai mạc, ông Tổng bí thư không đề cập đến để sự việc giảm nhẹ đi, nhưng chắc chắn phải có xử lý.”

Hôm 29/9 Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị Bộ Chính trị, ban chấp hành trung ương xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Xuân Anh, do “kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe hơi do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng hai căn nhà của doanh nghiệp.”

Từ Hà Nội, blogger Lê Anh Hùng chia sẻ nhận định của ông về hội nghị này:

“Theo quan sát của tôi, bầu không khí đang hết sức phức tạp và căng thẳng, các vụ bắt bớ, án tham nhũng… cho thấy việc đấu đá nội bộ đang lên cao trào. Sắp tới chắc sẽ có nhiều diễn biến quan trọng bên trong dàn lãnh đạo Việt Nam.”

Các nhà quan sát cũng bàn đến khả năng hội nghị sẽ bầu bổ sung ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 5/2017 ông Đinh La Thăng bị kỷ luật cảnh cáo, cách chức ủy viên Bộ Chính trị khiến số ủy viên Bộ Chính trị giảm từ 19 xuống còn 18 người trong cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng.

Truyền thông quốc tế nhận định rằng Đảng Cộng sản do ông Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo đang tạo thêm sức mạnh và thắng thế kể từ khi cơ quan an ninh Việt Nam thâu tóm thêm quyền lực từ cuộc đấu đá nội bộ hồi năm ngoái khi ấy cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị hất cẳng. Cụ thể là các quan chức dưới quyền của ông Dũng lần lượt ra đi như trường hợp ông Đinh La Thăng.

Tuy nhiên, trong một bài viết gửi cho VOA gần đây, nhà báo Phạm Chí Dũng ở thành phố Hồ Chí Minh nhận định rằng đảng của ông Trọng chỉ có thể “diệt ruồi” nhỏ cỡ như Nguyễn Xuân Anh, chứ có thể chẳng đụng được “con hổ” nào.

Hội nghị Trung ương 6 bàn vấn đề ‘cấp bách’, ‘nhạy cảm’
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:12 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG