Một tổ chức quan sát tình hình thất tán cho biết trong năm 2016 có 31.1 triệu người bị thất tán ngay trong nước của họ do xung đột, bạo lực và thiên tai.
Hôm thứ Hai, Trung tâm Theo dõi Tình trạng Thất tán Nội địa IDMC thuộc Hội đồng Người tị nạn của Na Uy (NRC) đã phô biến phúc trình với con số thống kê gây sửng sốt như trên.
Ông Jan Egeland, Tổng thư ký NRC, nói rằng: "Trong năm 2016, cứ một giây thì có một người bị buộc phải bỏ nhà cửa ra đi lánh nạn. Những người thất tán nội địa hiện nay đã tăng gấp đôi số người tị nạn. Tình trạng này ngày càng khẩn cấp và nên đưa lại vào trong chương trình nghị sự toàn cầu."
Những người chạy sang nước khác tìm đường tị nạn để xin quy chế tị nạn hợp pháp nhằm có thể được hưởng một số quyền lợi và được quốc tế bảo vệ. Trong khi đó, người thất tán nội địa, hay còn được gọi là IDP, không có tư cách hợp pháp vì các IDP vẫn thuộc thẩm quyền của chính phủ ở nước họ và không xin được quyền lợi nào khác.
IDMC cho biết các cuộc xung đột vào năm ngoái đã khiến 6,9 triệu người thất tán nội bộ, trong đó có 2,6 triệu người đang bị thất tán ở vùng hạ Sahara của châu Phi.
Thiên tai, chủ yếu là thời tiết nguy hiểm như lũ lụt, bão, cháy rừng và điều kiện mùa đông khắc nghiệt là nguyên nhân buộc 24 triệu người phải di dời.
Ông Alexandra Bilak, Giám đốc của IDMC cho biết: "Mặc dù việc thất tán nội bộ là điểm xuất phát của nhiều chuyến đi tiếp theo, trước nay bị lu mờ do toàn cầu tập trung chú ý vào người tị nạn và người di cư. Chúng ta phải thừa nhận rằng nếu không có sự hỗ trợ và bảo vệ đúng mức, thì một người thất tán nội địa hôm nay có thể trở thành một người tị nạn, người xin qui chế tị nạn, hoặc người di cư quốc tế vào ngày mai."
Tuy nhiên, phúc trình cho biết, vào năm ngoái, nhiều viện trợ được cấp cho việc tái định cư người tị nạn hơn là cấp cho các quốc gia mà có khủng hoảng nổ ra.
Ông Bilak nói: "Trong phạm vi mà phúc trình Toàn cầu về Thất tán Nội địa phản ánh, trọng tâm là sự thờ ơ quốc tế, thiếu trách nhiệm giải trình và sự thất bại trong việc bảo vệ người dân của các quốc gia".