Đường dẫn truy cập

Hơn 40 nước thảo luận ở Bangkok để cải thiện sự ứng phó thiên tai


Khí hậu biến đổi làm mực nước biển tăng cao ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở lưu vực sông Mekông.
Khí hậu biến đổi làm mực nước biển tăng cao ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở lưu vực sông Mekông.
Theo ước tính của Liên hiệp quốc, 60% các thiên tai như bão lụt, động đất và các đợt nắng nóng trên thế giới xảy ra tại các nước Châu Á. Cơ quan thế giới này đã tổ chức một hội nghị ở Bangkok, qui tụ các đại diện của hơn 40 quốc gia, để thảo luận về những cách thức để giảm thiệt hại nhân mạng và kinh tế xuống tới mức tối thiểu. Từ thủ đô Thái Lan, thông tín viên Ron Corben của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Hơn 2.500 đại biểu của hơn 40 quốc gia đang tham dự Hội nghị 4 ngày về giảm thiểu rủi ro thiên tai trong lúc các chính phủ tìm cách dựa trên những kinh nghiệm của thập niên vừa qua để giảm thiểu mức thiệt hại nhân mạng của những vụ thiên tai.

Trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị, Đại tướng Thanasat Patimaprakorn, nhân vật đứng hàng thứ nhì trong chính quyền quân nhân Thái Lan, nói rằng thiệt hại kinh tế của những thiên tai ở Châu Á Thái bình dương đang trên đà gia tăng trong lúc khu vực này nắm giữ một vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

"Châu Á Thái bình dương là khu vực có nhiều rủi ro, là nơi đã gánh chịu phần lớn các thiên tai trong 10 năm qua. Hơn 10 thảm họa lớn đã xảy ra trong vùng này, gây ra vô số thiệt hại cho tính mạng và tài sản. Riêng về phần Thái Lan, chúng tôi đã gánh chịu hai thảm họa lớn, trong đó có trận sóng thần năm 2004 và trận lụt kinh hoàng năm 2011."

Trận lụt năm 2011 đã gây tử vong cho hơn 800 người với thiệt hại kinh tế vượt mức 45 tỉ đô la. Nhiều khu công nghiệp chính ở các tỉnh miền trung đã bị ngập nước, ảnh hưởng tới giây chuyền sản xuất của các ngành xe hơi và sản phẩm điện tử.

Hội nghị khu vực đang diễn ra là một phần của một loạt những thỏa thuận quốc tế đã đạt được sau trận động đất và sóng thần Ấn Độ dương năm 2004, giết chết hơn 230.000 người ở 14 nước khác nhau. Trận bão Nargis kinh hoàng năm 2008 ở Myanmar, tức Miến Điện, đã giết chết hơn 100.000 người. Tháng 11 năm ngoái, khoảng 6.000 người đã thiệt mạng khi bão Haiyan tàn phá nhiều cộng đồng dân cư ở Philippines.

Tuy nhiên, những nước khác, như Ấn Độ và Bangladesh – cũng là những nước thường xảy ra bão tố, đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc giảm thiểu số thương vong qua việc thiết lập những hệ thống cảnh báo sớm và cải thiện tình trạng sẵn sàng ứng phó.

Bà Margareta Wahlstrom, đại diện của Tổng thư ký Liên hiệp quốc về Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai, cho biết tiến bộ đã đạt được nhờ vào việc xây dựng khả năng ứng phó của các cộng đồng địa phương và những chiến dịch có hiệu quả để nâng cao nhận thức của công chúng.

"Chúng ta có thể nói rằng số người thiệt mạng đã giảm đi. Chúng ta có thể nói là tại một số quốc gia, sự thiệt hại kinh tế đã bắt đầu được kiểm soát. Chúng ta cũng biết là chúng ta đã có những hệ thống cảnh báo sớm tốt hơn. Nhưng chúng ta cũng biết là những hệ thống đó có thể được cải thiện thêm nữa. Chúng ta biết rằng nhiều nước đã chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với thảm họa và chúng ta biết rằng nhiều nước đã di tản dân chúng một cách có hiệu quả để cứu giúp sinh mạng trong lúc xảy ra khủng hoảng."

Bà Walhstrom đề cập tới những cuộc di tản qui mô lớn ở Philippines trước khi bão Haiyan ập vào hồi tháng 11, và ở Ấn Độ trước bão Phailin hồi tháng 10. Bà nói rằng đó là những thí dụ về những biện pháp có thể giảm thiểu số tử vong do thiên tai gây ra.

Bà Walhstrom cũng cho biết sự phát triển tốt hơn ở các cộng đồng - như cải thiện các hệ thống y tế, giáo dục và nâng cao thu nhập, đã trở thành “những nền tảng” để các cộng đồng có nhiều năng lực để ứng phó với thiên tai.

Hội nghị tuần này nhắm tới việc đúc kết một loạt kiến nghị mới về cải cách công tác lập pháp, phi tập trung hóa quyền hạn, lập ra những hệ thống cảnh báo sớm hữu hiệu hơn, và gia tăng quyền của phụ nữ, là những người thường dễ bị tổn thương nhất trong những khu vực có thiên tai.

Các đề nghị mà Hội nghị này đưa ra sẽ được xem xét tại Hội nghị Thế giới lần thứ ba của Liên hiệp quốc về Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai, tổ chức tại thành phố Sendai của Nhật Bản vào tháng 3 năm 2015.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG