Nhà lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam trực diện với công chúng Hong Kong với thái độ khiêm cung, nhưng có thể sẽ không đạt được kết quả mà bà mong muốn.
Hãng tin AP tường thuật rằng đối mặt với một cử tọa có thái độ thù nghịch tại cuộc đối thoại mở với công chúng hôm thứ Năm 26/9,, bà Lam đã lặng lẽ chịu đựng hết đòn này sang đòn khác giữa lúc nhiều người trút cơn phẫn nộ của họ về việc bà từ chối nhượng bộ để chấm dứt hơn ba tháng biểu tình chống chính phủ đã gây chấn động vùng lãnh thổ bán tự trị của Trung Quốc.
Kết thúc đối thoại, bà Lam ở lại trong tòa nhà thêm bốn tiếng nữa để tránh đối đầu với những người biểu tình tức giận bên ngoài. Bà chỉ ra khỏi tòa nhà sau khi hầu hết đám đông đã giải tán.
Nhưng các nhà phân tích nhận định, hy vọng của Trưởng đặc khu Lam sẽ tạo được thiện chí qua việc tương tác với cộng đồng và xoa dịu những căng thẳng trước các cuộc biểu tình vào cuối tuần này vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh 1 tháng 10 của Trung Quốc, khó có thể thành công.
"Bà Carrie Lam đã thể hiện phần nào sự chân thành của bà", Willy Lam, giáo sư trợ giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Trung Quốc Hong Kong, nói. "Bà Lam đã ngồi suốt hơn hai tiếng đồng hồ và ít nhất tỏ ra sẵn sàng lắng nghe các quan điểm hoàn toàn khác biệt với bà. Bà ấy có can đảm đối mặt với những người phản đối nhưng làm như vậy vẫn chưa đủ."
Trong cuộc đối thoại mở, bà Lam cam kết sẽ làm việc để lấy lại niềm tin của công chúng và nhận trách nhiệm đã gây ra những hậu quả chính trị với dự luật dẫn độ. Tuy nhiên, bà không đưa ra bất kỳ hành động cụ thể nào, ngoài những lời hứa sẽ lắng nghe và giải quyết những vấn đề xã hội gốc rễ, như thiếu nhà ở giá rẻ, mà chính phủ của bà tin là đã góp phần đưa đến các cuộc biểu tình.
Bà Lam duy trì lập trường trước yêu sách của người biểu tình đòi mở một cuộc điều tra độc lập về các hành vi mà họ cho là tàn bạo của cảnh sát đối với người biểu tình, đòi trả tự do vô điều kiện cho hơn 1.500 người bị giam giữ kể từ khi bắt đầu các cuộc biểu tình hồi tháng Sáu. Bà cũng làm ngơ yêu sách của họ, đòi bầu cử trực tiếp để chọn các nhà lãnh đạo Hong Kong.
Cho đến nay, nhượng bộ duy nhất của bà Carrie Lam là lời hứa sẽ rút lại hoàn toàn dự luật dẫn độ, một động thái mà nếu được đưa ra hồi tháng 6, đã có thể làm giảm căng thẳng, nhưng sẽ không xoa dịu được ai vì được loan báo vào tháng 9.
Một cuộc biểu tình lớn khác do Mặt trận Nhân quyền Dân sự tổ chức vào ngày thứ Bảy này để đánh dấu 5 năm Cách mạng Dù Vàng, khi người biểu tình chiếm các trục lộ lớn của Hong Kong trong suốt 79 ngày hồi năm 2014, đòi phổ thông đầu phiếu. Phong trào đó kết thúc mà không đạt được nhượng bộ nào từ chính quyền Hong Kong.
Người biểu tình cũng đang tổ chức các cuộc biểu tình "chống độc tài" tại Hong Kong và nhiều thành phố trên khắp thế giới vào ngày Chủ nhật để phản đối chế độ toàn trị của Trung Quốc.
Mặt trận cũng đang lên kế hoạch để mở một cuộc tuần hành lớn khác vào ngày 1 tháng 10, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chạm trán đẫm máu, sẽ gây bối rối cho Đảng Cộng sản cầm quyền tại Trung Quốc giữa lúc họ đang đánh dấu năm thứ 70 ngày lên nắm quyền với các lễ hội đình đám ở Bắc Kinh. Chính phủ Hong Kong đã giảm quy mô của các lễ lạc mừng Quốc khánh bằng cách hủy bỏ màn bắn pháo hoa hàng năm, và dời vào trong một sự kiện lẽ ra được tổ chức ở ngoài trời.
Phản ứng đối với cuộc đối thoại mở của trưởng đặc Khu Lam nói chung, là tiêu cực trên các phương tiện truyền thông xã hội. Theo nhận định của ông Phil Chan, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Chính sách An ninh và Phát triển ở Stockholm, thì lãnh đạo Hong Kong khó đạt được mục đích khi mở đối thoại, là xoa dịu mức độ phẫn nộ của những người sẽ tham gia các cuộc biểu tình trong những ngày tới.