Đó là câu khẳng định của người Hong Kong mà cả thế giới thấy xuất hiện trong những cuộc biểu tình hiện nay. Nó nằm trên những tấm biểu ngữ, trên những tờ giấy cầm tay, trên hàng vạn tiếng hô đồng thanh, trên những bức tường, những phát biểu của người trẻ tuổi: “Hong Kong is not China”.
Thế giới giật mình nhận ra một thực tế mà từ rất lâu họ không để ý tới. Với đại đa số người nước ngoài khi tiếp cận với một người hay một nhóm nói tiếng Trung, có lẽ ngay lập tức họ nghĩ rằng những người này đến từ đại lục, từ một quốc gia rộng lớn cộng sản, quốc gia mà không ít thì nhiều họ từng nghe qua. Không ít thì nhiều họ cũng từng có thành kiến với cách ứng xử thiếu văn hóa đang tràn lan trên mọi ngõ ngách của các thành phố khắp thế giới khi họ du lịch hay học tập, công tác. Thành kiến ấy bồi đắp thêm câu chuyện “Người Trung Hoa xấu xí” của Bá Dương từng gây chấn động thế giới người Hoa kể cả tại đại lục. Thành kiến ấy cộng với chính sách bá đạo của nhà nước Trung Quốc góp phần giúp thế giới thấy rõ hơn một Trung Quốc vừa giàu có lại vừa thiếu văn hóa, vừa mạnh mẽ lại vừa tham vọng, và quan trọng nhất là sự tàn nhẫn của chính quyền không giới hạn.
Người dân Đài Loan và Hong Kong rất giống nhau ở điểm cùng sống trong môi trường dân chủ, cùng bị đe dọa bởi bóng ma đại lục nhưng cái khác nhau lớn nhất là chính phủ Đài Loan không phụ thuộc vào Bắc Kinh như Hong Kong. Đây là lý cớ để xảy ra những cuộc biểu tình tập trung hàng triệu người, một hình ảnh làm chấn động thế giới trong vài tháng nay. Hong Kong lo sợ sẽ bị Bắc Kinh trói tay qua Luật Dẫn độ và từ đó cơn hồng thủy tràn xuống đường kéo theo các yêu sách khác.
“Hong Kong is not China” có lẽ là câu slogan khiến Bắc Kinh lo ngại nhất. Nó dẫn dắt Hong Kong tránh xa đại lục và vì vậy không thể là “Một quốc gia hai chế độ” được nữa. Thật ra câu nói này không phải chỉ mới xuất hiện khi các cuộc biểu tình hiện tại xảy ra mà nó đã có từ năm 2015 sau khi phong trào dù vàng nổ ra tại Hong Kong. Trên website Quazt đăng một bộ sưu tập mang tên “Hong Kong is not China” gồm 24 hình minh họa mô tả sự khác biệt giữa Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, bao gồm các chủ đề: thói quen văn hóa, kỷ luật, ngôn ngữ và các vấn đề chính trị - xã hội như cấu trúc tư pháp, an toàn thực phẩm kể cả sự kiểm duyệt.
Những khác biệt về chính thể, tự do thông tin và truyền thông có lẽ mọi người đều biết nhưng yếu tố văn hóa khác biệt đã làm cho người Hong Kong khác rất xa người Trung Quốc đại lục. Trong bảng minh họa tác giả đã vẽ một cặp hình ảnh đối chọi nhau về cách ứng xử nơi công cộng của hai cộng đồng. Hình ảnh thứ nhất mô tả một chiếc ghế dài dành riêng cho người tàn tật và người già, trong khi bức ảnh thứ nhất một người Trung Quốc tháo giày nằm ngủ trên đó thì bức ảnh thứ hai một người Hong Kong đứng cạnh chiếc ghế mặc dù không có ai ngồi. Bức ảnh kế là một một bồn cầu công cộng, cái có ghi chữ Trung Quốc thì có dấu chân đạp trên miệng bồn cầu còn cái ghi của Hong Kong thì sạch trơn.
Một điều thú vị nữa mà họa sĩ nhấn mạnh, trong tất cả các yếu tố giữa Trung Quốc và Hong Kong chỉ duy nhất một thứ giống nhau đó là công an Trung Quốc và cảnh sát Hong Kong. Mặc dù công an thì được minh họa rất “phản cảm” đứng nghiêm theo hình chữ “S” trong khi cảnh sát Hong Kong rất thẳng thớm trong tư thế chào kính. Hai chữ “giống nhau” miêu tả cả hai được chỉ huy từ đại lục và vì vậy anh cảnh sát Hong Kong có nghiêm chỉnh thế nào thì cũng là tay chân của Bắc Kinh mà thôi.
Người Hong Kong không những tuyên bố ý nguyện của mình bằng lời nói mà họ còn hành động. Những cuộc biểu tình từ năm 2014 của phong trào dù vàng được báo chí cả thế giới nể phục vì sự nghiêm túc của người dân trước tài sản chung của Hong Kong. Ý thức giữ vệ sinh chung và trật tự khi xuống đường đã khiến họ khác hẳn với hình ảnh xô bồ, chụp giật của du khách Trung Quốc khi ra nước ngoài trong tư thế du lịch.
Hình ảnh gần đây nhất của hàng trăm ngàn người tự động giãn ra khi một chiếc xe cứu thương cần mở đường khiến cả thế giới Tây phương sững sờ. Những cái cúi đầu của người biểu tình trước hành khách trong phi trường quốc tế Hong Kong xin lỗi vì đã gây ra phiền toái cho hành khách, những toán sinh viên thức suốt đêm dọn rác sau khi đoàn người biểu tình về nhà đã làm thành kiến của thế giới về “Người Trung Hoa xấu xí” tan biến.
Trong khi đó cùng một hành động biểu tình để chống lại người dân Hong Kong thì Trung Quốc lại tỏ ra vẫn tiếp tục xấu xí như hàng chục năm qua. Những du học sinh Trung Quốc tại Úc tràn xuống đường biểu tình với hành vi thô lỗ khiến cư dân của Úc lắc đầu chán nản. Hai tập thể cùng nói tiếng Hoa nhưng khác nhau một trời một vực, nhưng cũng nhờ vậy thế giới biết thêm về người Hong Kong, một cộng đồng bé nhỏ nhưng có quá nhiều con người tài năng lẫn phẩm hạnh đã đứng lên đòi lại căn cước của mình đã bị chính quyền Trung Quốc làm cho ô uế.
Dĩ nhiên Hong Kong cũng có những người than phiền nồi cơm của mình bị người biểu tình phá vỡ như “thầy giáo” Vũ Khắc Ngọc tại Việt Nam, nhưng xem ra những than vãn ấy nhanh chóng được người Hong Kong vỗ về và an ủi bằng những hành động thuyết phục qua sự hy sinh dấn thân của những người trẻ và các thầy cô giáo của họ.
Người Hong Kong thật sự vĩ đại nói theo cách mà người Cộng sản thường dùng. Cái vĩ đại ấy phát sinh không phải vì một chủ thuyết hay một vĩ nhân nào mà nó vĩ đại bởi sự sợ hãi chế độ cộng sản đã trở thành ám ảnh.