Các cuộc biểu tình đã nổ ra tại Hong Kong sau khi Trung Quốc loan báo những cải cách bầu cử được kiểm soát chặt tại cựu thuộc địa của Anh. Thông tín viên VOA Shannon Van Sant tường trình rằng các nhà hoạt động dân chủ nói rằng động thái này của Bắc Kinh mở ra một kỷ nguyên mới của sự bất tuân dân sự trong thành phố.
Các nhà hoạt động dân chủ tổ chức những cuộc tụ họp lớn hôm Chủ nhật và thứ Hai tại Hong Kong để phản đối cải cách bầu cử mà chính phủ trung ương Trung Quốc đề xuất. Trung Quốc nói một ủy ban đề cử, có phần chắc do những người trung thành với Bắc Kinh hậu thuẫn, nên chọn ra các ứng viên làm nhà lãnh đạo của Hong Kong.
Chủ tịch Đảng Dân chủ Hong Kong Emily Lau nói rằng Trung Quốc đang nuốt lời hứa của mình về phổ thông đầu phiếu.
"Tôi nghĩ quyết định của Bắc Kinh thực sự tồi tệ, nhưng không có gì bất ngờ. Dù gì thì chúng tôi đang đương đầu với một chế độ độc tài."
Theo đề xuất của Trung Quốc, hơn một nửa số thành viên của một ủy ban đề cử sẽ chọn hai hoặc ba ứng viên tranh chức trưởng đặc khu hành chính. Ủy ban này sẽ tương tự như Ủy ban bầu cử hiện thời của Hong Kong, vốn đầy những người ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các nhà hoạt động nói điều này về cơ bản sẽ gạt những người ủng hộ dân chủ khỏi lá phiếu.
Ông Lý Phi, phát ngôn viên của Ủy ban Thường vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc, đọc bài phát biểu tại Hong Kong giải thích đề xuất này:
"Có sự chia rẽ và tranh cãi lớn trong xã hội Hong Kong về việc làm thế nào để thỏa mãn quy định của Luật Cơ bản liên quan đến việc bầu cử trưởng đặc khu hành chính bằng phổ thông đầu phiếu. Điều này đặc biệt đúng khi một số người đưa ra những đề xuất rõ ràng vi phạm Luật Cơ bản."
Bắc Kinh nói những tiêu chí để lựa chọn các ứng viên phải bao gồm "lòng yêu nước." Một bài xã luận đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo của nhà nước Trung Quốc cho biết "không ai có thái độ đối kháng" với Đảng Cộng sản nên được phép làm trưởng đặc khu hành chính.
Cuộc tranh luận về cải cách bầu cử đã khiến Hong Kong phân cực. Bà Regina Ip là lãnh đạo Đảng Tân Dân của Hong Kong và ủng hộ đề nghị của Bắc Kinh.
"Tôi có thể hiểu được sự thất vọng của những đồng nghiệp Đảng Dân chủ, bởi vì điều đó có nghĩa là cơ hội được đề cử của họ sẽ bị suy giảm. Nhưng việc họ không thể tham gia không nên là lý do để phủ quyết gói đề xuất này."
Đề xuất của Trung Quốc kế tiếp sẽ phải vượt qua Hội đồng Lập pháp của Hong Kong. Những nhà lập pháp Đảng Dân chủ đã tuyên bố sẽ phủ quyết.
Các cuộc biểu tình ủng hộ bầu cử trực tiếp đã lan ra khỏi Hong Kong đến Macau, nơi mà người dân lại bỏ phiếu cho nhà lãnh đạo đương nhiệm Fernando Chui trong một cuộc bầu cử không có đối thủ hồi cuối tuần qua.