Sau nhiều tháng bất ổn kéo dài ở Hong Kong, một cuộc bầu cử với kết quả kỷ lục đã mang lại một chiến thắng lớn cho các ứng cử viên ủng hộ dân chủ, đồng thời đặt ra một vấn đề hóc búa cho Bắc Kinh, cũng như tạo thêm áp lực cho lãnh đạo thành phố, theo Reuters.
Trước cuộc tổng tuyển cử toàn thành phố hôm 24/11, các cuộc đụng độ cực đoan đã nổ ra giữa cảnh sát chống bạo động và những người biểu tình chống chính phủ, những người đã tự lập rào chắn tại một số trường đại học.
Tuy nhiên, hôm 24/11, giữa một khoảng thời gian tạm lắng hiếm hoi, gần ba triệu người - khoảng 3/4 cử tri đủ điều kiện - đã xếp hàng đi bỏ phiếu, thực hiện các quyền dân chủ của họ, với các ứng cử viên ủng hộ dân chủ cuối cùng đã giành được gần 400 trong tổng số 452 ghế.
“Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng hơn một triệu cử tri đã đến các điểm bỏ phiếu để gửi một thông điệp chính trị tới chính phủ, rằng họ vẫn ủng hộ những người biểu tình và họ không hài lòng với chính phủ,” ông Ma Ngok, nhà khoa học chính trị thuộc Đại học Chinese University, nói với Reuters.
“Chính phủ và phe thân Bắc Kinh luôn tuyên bố họ có được sự ủng hộ của công chúng,” ông Ma nói thêm. “Tuy nhiên, bây giờ, đây là một cú tát mạnh vào mặt họ vì công chúng đã cho thấy quan điểm thực sự của họ qua con số kỷ lục.”
Lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam cho biết trong một tuyên bố rằng bà tôn trọng kết quả này và rằng chính phủ của bà “sẽ lắng nghe quan điểm của công chúng với một suy nghĩ cởi mở và với sự suy xét nghiêm túc.” Tuy nhiên, bà không đưa ra thông tin cụ thể.
Lo Kin-hei, một ủy viên hội đồng dân chủ cấp quận được tái đắc cử, nói rằng cuộc bầu cử này thực tế là một cuộc “bỏ phiếu bất tín nhiệm” đối với nền chính trị hiện tại, bao gồm nhà lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam, và các quan chức chủ chốt của Trung Quốc như Zhang Xiaoming, người đứng đầu Văn phòng Hội đồng Nhà nước về các vấn đề Hong Kong và Ma Cao.
Theo Reuters, trong phe thân Bắc Kinh, đã xuất hiện những ứng cử viên sám hối và xin lỗi như các ứng cử viên thuộc đảng chính trị DAB, thậm chí nhà lãnh đạo của đảng này là ông Starry Lee cũng đã đề xuất từ chức.
Ông Stanley Ng Chau-pei, một đại biểu Hong Kong tham dự Đại hội Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc, có các thành viên công đoàn tham gia ứng cử, nói với các phóng viên rằng đó là một cuộc bầu cử “không công bằng.”
Ông Ng kêu gọi chính phủ phản ứng với các chính sách hiệu quả để “khắc phục sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội,” và các biện pháp hiệu quả để chấm dứt bạo lực.