Đường dẫn truy cập

Thế nào là hợp tác quốc tế phòng chống tham nhũng


Thế nào là hợp tác quốc tế phòng chống tham nhũng
Thế nào là hợp tác quốc tế phòng chống tham nhũng

Trong thời gian qua, đã có nhiều vụ án tham nhũng tại Việt Nam có dính đến những yếu tố nước ngoài.

Đó là những vụ án tham nhũng lớn, như vụ án PMU 18 dính đến các hãng thầu Nhật Bản, vụ án PCI - Pacific Consultant Institute ở hành lang Đông Tây Sài Gòn mà bị cáo là Huỳnh Ngọc Sỹ cũng dính đến các viên chức Nhật Bản làm ăn tại Việt Nam, trong đó 3 viên chức Nhật đã bị tù, rồi vụ án in tiền polymer của hãng Securency ở Úc, trong đó một số viên chức Úc cũng đã bị tù. Rồi đến vụ Nexus Technologies ở Hoa Kỳ từng làm ăn với các hãng dầu khí quốc doanh của Vietnam VSP VietSoPetro, với hãng Hàng không Việt Nam và công ty T+T của Công an Việt Nam. Vụ này đã được xét xử tại tòa án Philadelphia Mỹ, trong đó 3 anh chị em người Mỹ gốc Việt Nguyễn Quốc Nam, Nguyễn Kim Anh và Nguyễn Quốc An đã bị kết án tù và bồi thường.

Dư luận trong nước đã có nhiều ý kiến lên tiếng trong một số phiên họp Quốc hội và trên báo chí, chất vấn các nhân viên chính phủ, như thủ tướng, phó thủ tướng, chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, tổng thanh tra chính phủ… về vụ Nexus Technologies mà báo chí Mỹ đăng tải công khai với nhiều chi tiết cụ thể, về tên các quan chức Việt Nam đã nhận đút lót, số tiền, nơi nhận tiền, ở ngân hàng Hồng Kông và thành phố Hồ Chí Minh …Tất cả các vị kể trên đều trả lời rằng chưa được phía Hoa Kỳ thông báo (!), rằng các công ty quốc doanh dầu khí, ngân hàng nhà nước, Bộ Công an … không có quan hệ gì (!) với hãng Nexus Technologies cả! Chủ tịch Hội đồng quản trị VietsoPetro Đinh La Thăng còn giả ngô giả ngọng: «Tôi không biết Nexus là cái chi chi!»

Thế là thế nào ? Vậy là tòa án Mỹ đã bịa đặt, dựng đứng lên vụ án tưởng tượng, báo chí Mỹ đăng tin thất thiệt nhằm vu cáo bôi nhọ các quan chức, công ty quốc doanh Việt Nam ư ? Nếu vậy nhà nước Việt Nam, chính quyền Việt Nam, các công ty quốc doanh VN có quyền kiện phía Mỹ về tội vu cáo ngiêm trọng và đòi cải chính, bồi thường danh dự.

Xin hãy khoan. Hãy nhìn lại cách xử sự của phía Việt Nam. Mời các bạn, các đại biểu quốc hội giở bộ Luật phòng chống tham nhũng hiện hành, được thông qua ngày 29-11-2005, có cả một Chương VII nhan đề: «Hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng», trong đó có 4 điều như sau:

Điều 83: - Nguyên tắc chung về hợp tác quốc tế: Nhà nước Việt Nam tham gia các chương trình, diễn đàn phòng, chống tham nhũng quốc tế và khu vực trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, bình đẳng và cùng có lợi.

Điều 84: - Nội dung hợp tác quốc tế: 1- Hợp tác tương trợ tư pháp về phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.2- Hợp tác về nghiên cứu khoa học, đào tạo, trao đổi thông tin, hỗ trợ tài chính, trợ giúp kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm trong phòng, chống tham nhũng.

Điều 85: - Cơ quan chủ trì hợp tác quốc tế: Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.

Điều 86 ; - Cơ quan tiếp nhận và xử lý các yêu cầu tương trợ tư pháp: Bộ Tư pháp là cơ quan tiếp nhận và xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp về phòng, chống tham nhũng.về phòng, chống tham nhũng.

Vậy các tổ chức Thanh tra Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp đã tích cực chống tham nhũng ra sao và đã quan tâm hợp tác với phía Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ ra sao trong các vụ án trên đây? và đã quan tâm thu hồi tiền tham nhũng đến đâu rồi? Các vị không biết gì về 4 Điều trên đây trong bộ Luật phòng chống tham nhũng ư?

Vậy tại sao báo chí Mỹ lại đưa tin là các quan tòa và luật sư Mỹ tham dự các phiên xử Nexus Technologies đều phàn nàn, cho rằng phía Nhà nước Việt Nam đã tỏ ra không hợp tác với phía Mỹ trong vụ án lớn này?

Trong vụ án Securency in tiền polymer ở Úc cũng vậy, phía Úc gửi tài liệu về cán Bộ Công an tên là Lương Ngọc Anh, về cha con ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mà sao phía Việt Nam vẫn không mảy may động tĩnh ?

Như vậy là sự thật đang lộ nguyên hình. Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ đang nêu gương sáng, thế nào là tích cực chống tham nhũng, khẩn trương và theo đúng luật, thế nào là bộ máy tư pháp làm việc có công tâm, xử án sau khi điều tra tường tận, có đủ bằng chứng qua các chuyển khoản ngân hàng còn lưu giữ, có luật sư bào chữa đầy đủ, rồi thông báo cho báo chí. Tất cả những kẻ phạm tội ở nước họ đã và đang ở tù.

Còn phía Việt Nam thì ra sao ? là chậm rải, lờ đờ, không chút mặn mà, không chút khẩn trương, chỉ ba hoa, mạnh mồm là «chống tham nhũng như chống giặc nội xâm». Là chính các quan chức có trách nhiệm hàng đầu chống tham nhũng «quên», «đãng trí», không hề áp dụng việc hợp tác quốc tế chống tham nhũng, bản thân mình vi phạm luật trước tiên. Còn những kẻ phạm tội đích thực, tòng phạm với những kẻ phạm pháp người Nhật, Úc và Mỹ đã và đang bị tù, thì vẫn ung dung ở ngoài vòng pháp luật. Thật oái oăm!

Có lẽ họ đang thực hiện lời dạy của phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng là truy tố bỏ tù hết các viên chức phạm pháp thì còn có ai để làm việc nước nữa!

Người dân mong rằng trong phiên họp Quốc hội sắp đến, các vụ PMU18, hành lang Đông Tây PCI, Securency, Nexus Technologies có nhân tố nước ngoài, sẽ được tường trình minh bạch trong mục báo cáo chống tham nhũng của chính phủ. Món nợ của đảng và nhà nước độc đảng về lời cam kết long trọng «chống tham nhũng như chống giặc» sẽ còn phải trả thật sòng phẳng cho toàn xã hội vào dịp Đại hội XI đang tới gần. Lẩn tránh là phạm pháp, là nhận trọng tội trước nhân dân, trước thế giới..

Một Nhà nước bênh che tham nhũng, một nhà nước chính mình thực hiện và nuôi dưỡng tham nhũng, còn tiếp tay cho tham nhũng lộng hành, phá cho tan nát tài sản và ngân sách quốc gia,,thường được phong là Nhà Nước Tham Nhũng, và căn bệnh kỳ lạ, ô nhục ấy được gọi đúng tên là tệ Tham Nhũng Nhà Nước – Corruption d’ État.

Một căn bệnh xấu xa của kẻ cai trị đất nước, một danh xưng chẳng mấy đẹp đẽ được trưng ra đúng vào dịp Đại lễ Ngàn năm Thăng Long, vào dịp Đại hội XI sắp đến.

  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG