Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Ân xá Quốc tế, và Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam ngay lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc và phóng thích blogger nổi tiếng Nguyễn Lân Thắng.
“Nhà cầm quyền Việt Nam chà đạp lên nhân quyền một cách có hệ thống bằng cách trừng phạt những người viết blog dũng cảm như ông Nguyễn Lân Thắng chỉ vì họ đã bày tỏ quan điểm của mình về chính quyền,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của HRW cho biết trong một thông báo hôm 11/4.
“Chính phủ các quốc gia hữu quan, bao gồm các đối tác thương mại ở Châu Âu, Bắc Mỹ, Australia và Nhật Bản cần lên án tình trạng đàn áp tự do ngôn luận và kêu gọi phóng thích Nguyễn Lân Thắng”, ông Roberston kêu gọi một ngày trước khi diễn ra phiên tòa xử kín ông Thắng ở Hà Nội.
Hôm 10/4, Ân xá Quốc tế nói rằng việc xét xử ông Thắng cho thấy chính phủ Việt Nam đang làm xấu vị trí của mình trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bằng cách vi phạm quyền con người của người dân.
Bà Ming Yu Hah, Phó giám đốc phụ trách vận động khu vực của Ân xá Quốc tế, cho biết trong một thông báo:
“Trong hơn một thập niên qua, ông Nguyễn Lân Thắng đã thực hiện công việc quan trọng là ghi lại các cuộc biểu tình và vi phạm nhân quyền ở Việt Nam bất chấp bầu không khí trừng phạt ngày càng tồi tệ nhắm vào những người chỉ trích nhà nước.
“Các hoạt động và báo cáo ôn hòa của ông nên được hoan nghênh như một phần của cuộc tranh luận công khai hợp pháp, nhưng thay vào đó ông đang phải đối mặt với nhiều năm tù”.
Đại diện của Ân xá Quốc tế nêu nhận định: “Việt Nam tiếp tục làm xấu vị trí của mình trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bằng cách vi phạm nhân quyền của người dân. Cần hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông Nguyễn Lân Thắng và cùng với tất cả các nhà báo, nhà hoạt động và nhà phê bình nhà nước khác đang bị bỏ tù theo Điều 117, ông nên được trả tự do ngay lập tức”.
Hôm 10/4, Uỷ ban bảo vệ Ký giả (CPJ) đưa ra lời kêu gọi tương tự.
VOA đã liên lạc Tòa án Nhân dân Hà Nội, nơi ông Thắng sẽ được xử kín ngày 12/4, và gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị hai cơ quan này cho ý kiến về lời kêu gọi của HRW và của các nhóm nhân quyền khác, nhưng chưa được phản hồi.
Công an Hà Nội bắt giữ ông Nguyễn Lân Thắng, 48 tuổi, người thường lên tiếng phản biện về các diễn biến chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam, vào ngày 5/7/2022 và cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” theo Điều 117, khoản 1 của Bộ luật hình sự. Ông phải đối mặt với mức án có thể lên tới 12 năm tù giam.
Bà Lê Bích Vượng, vợ của ông Thắng, nói với VOA rằng chồng bà vô tội:
“Theo đánh giá của tôi thì anh Thắng không có tội. Trong quá trình anh Thắng gặp luật sư, anh cũng phủ nhận việc anh “tàng trữ các tài liệu chống nhà nước”.
“Thực ra các quyển sách thu được ở nhà tôi đa phần là của tôi, một số quyển khác trong kết luận điều tra không công bố, tuy nhiên trong đó nói có hai quyển sách của Phạm Đoan Trang với lời đề tặng cho anh Thắng. Đồng thời, một số video, clip trả lời phỏng vấn các đài nước ngoài, anh Thắng cũng nói rằng việc anh trả lời phỏng vấn các đài nước ngoài đấy không vi phạm pháp luật và anh không chống nhà nước”.
Nhà báo Phạm Đoan Trang, bị bắt vào tháng 10/2020, hiện đang thụ án 9 năm tù cũng với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”.
Sau khi Nguyễn Lân Thắng bị bắt, chính quyền giam giữ không cho ông liên lạc với bên ngoài suốt hơn 7 tháng. Mãi đến ngày 16/2/2023, luật sư bào chữa mới được gặp ông lần đầu tiên. Hiện gia đình ông vẫn chưa được phép thăm gặp.
Luật sư Lê Văn Luân, một trong những người bào chữa cho ông Nguyễn Lân Thắng, hôm 10/4 nói với VOA rằng ông Thắng cho rằng ông vô tội.
“Ông khẳng định không có mục đích chống nhà nước, chống chính quyền”, luật sư Luân nói.
Ông Nguyễn Lân Thắng bắt đầu hoạt động từ đầu thập niên 2000 qua việc tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Ông phản ứng lại với động thái trấn áp thẳng tay nhằm vào các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bằng cách “mở rộng phạm vi hoạt động sang các lĩnh vực khác như bênh vực dân oan, chống cướp bóc đất đai, bảo vệ tự do tôn giáo, bảo vệ quyền con người, phổ biến pháp luật...”, theo HRW.
Ông công khai ủng hộ việc hoạt động ôn hòa, ghi rõ rằng ông mong muốn đấu tranh “vì một thế hệ trẻ Việt Nam ngày mai: hiểu biết, tôn trọng, không cuồng tín, không bạo lực...”
Trong nhiều năm, nhà cầm quyền Việt Nam nhiều lần sách nhiễu, đe dọa và đàn áp ông. Ông từng bị câu lưu tùy tiện, thẩm vấn, quản chế tại gia và cấm xuất cảnh.
“Việt Nam hiện là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, nên hồ sơ tồi tệ về nhân quyền của quốc gia này lại càng đặc biệt đáng xấu hổ hơn,” ông Robertson nói. “Chính quyền Việt Nam nên phóng thích Nguyễn Lân Thắng và bất kỳ ai đang bị giam giữ chỉ vì ôn hòa thực thi các quyền dân sự và chính trị cơ bản của mình.”
Cả gia đình và luật sư bào chữa nói với VOA rằng họ “rất bất ngờ” về quyết định xử kín của tòa. Luật sư Luân bày tỏ mong muốn “làm rõ về cơ sở” của quyết định này trong phiên tòa ngày 12/4.
Diễn đàn