Những quả bom được sử dụng trong một cuộc không kích của liên minh do Ả-rập Saudi dẫn đầu nhắm vào một khu chợ ở Yemen làm thiệt mạng ít nhất 100 người vào ngày 15 tháng 3 là do Mỹ cung cấp, theo một báo cáo của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) công bố hôm thứ Năm.
Số người chết bao gồm 25 trẻ em, theo tổ chức này. 47 người cũng bị thương trong vụ không kích, khiến nó trở thành vụ không kích gây chết chóc nhiều nhất trong cuộc chiến kéo dài một năm qua ở Yemen, "minh họa một cách bi thảm cho lý do vì sao các nước phải ngừng bán vũ khí cho Ả-rập Saudi," Priyanka Motaparthy, nhà nghiên cứu những trường hợp khẩn cấp của HRW nói.
Những nhà điều tra của tổ chức nhân quyền này đã đến địa điểm của vụ không kích ở tỉnh Hajja, hiện đang thuộc quyền kiểm soát của phiến quân người Houthi theo phái Hồi giáo Shia. Những mảnh bom sót lại được tìm thấy được cho là thuộc loại bom vệ tinh điều hướng GBU-31 bao gồm những linh kiện do Mỹ cung cấp. Kết quả này giống với kết quả của kênh tin tức ITV của Anh trong một cuộc điều tra mà họ thực hiện vào ngày 26 tháng 3.
Báo cáo này được công bố cùng lúc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang công du ở Bahrain. Ông Kerry từ chối đưa ra bình luận, nói rằng: "Tôi không có bất kỳ thông tin vững chắc nào, bất kỳ tài liệu ghi nhận nào liên quan đến vũ khí nào có thể đã được sử dụng."
Dù các quan chức Ả-rập Saudi nói rằng đa số những người thương vong trong vụ tấn công này là phiến quân Houthi, HRW nói vụ tấn công "khiến thường dân mất mạng nhiều một cách bất xứng, vi phạm luật pháp chiến tranh. Vụ tấn công phi pháp như vậy khi được thực hiện một cách cố tình hoặc liều lĩnh là tội ác chiến tranh," tổ chức nhân quyền này nói.
HRW cũng nói rằng nếu Mỹ, Anh và Pháp tiếp tục cung cấp vũ khí cho một nước Ả-rập Saudi không tuân thủ luật pháp thì họ có thể bị bắt chịu trách nhiệm đồng lõa trong những vụ không kích bất hợp pháp.
Nhiều tổ chức nhân quyền đã chỉ trích liên minh do Ả-rập Saudi dẫn đầu ở Yemen. Liên Hiệp Quốc cho biết 60 phần trăm trong số 3.200 thường dân thiệt mạng trong cuộc xung đột này là kết quả của những cuộc không kích trúng những khu chợ, trạm y tế và bệnh viện.
Phiến quân người Houthi được Iran hậu thuẫn chiếm cứ thủ đô Sanaa của Yemen vào tháng 9 năm 2014, và cuộc chiến theo sau đó đã khiến 80 phần trăm đất nước hết sức cần thức ăn, khiến Yemen trở thành quốc gia nghèo nhất thế giới Ả-rập, theo Liên Hiệp Quốc.