Đường dẫn truy cập

HRW kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà hoạt động Lê Trọng Hùng


Nhà hoạt động Lê Trọng Hùng. Photo HRW
Nhà hoạt động Lê Trọng Hùng. Photo HRW

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà hoạt động Lê Trọng Hùng. Cùng lúc, gia đình ông viết thỉnh nguyện thư gửi chính phủ Hoa Kỳ và các nước khác vận động để ông được gặp thân nhân và thăm khám sức khỏe.

Hôm 29/12, HRW kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam nên hủy bỏ mọi cáo buộc và phóng thích ngay lập tức ứng cử viên chính trị độc lập Lê Trọng Hùng.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Á châu của HRW, cho biết trong một tuyên bố: “Nhà cầm quyền Việt Nam nên phóng thích ông Hùng ngay lập tức và vô điều kiện thay vì truy tố ông ấy”.

Ông Lê Trọng Hùng, 41 tuổi, vận động tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập cho kỳ bầu cử Quốc hội khóa 15 vào tháng 5/2021.

Hai tháng trước khi cuộc bầu cử diễn ra, công an Hà Nội đã bắt giam ông Lê Trọng Hùng vào ngày 27/3, với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 117 (khoản 1) của Bộ luật hình sự. Một tòa án Hà Nội dự kiến sẽ mở phiên xử ông vào ngày 31/12. Ông đang phải đối mặt với bản án lên đến 12 năm tù.

“Việc bỏ tù các nhà hoạt động như ông Lê Trọng Hùng - người dám đứng ra tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập - cho thấy các cuộc bầu cử ở Việt Nam đã bị dàn dựng đến mức nào”, ông Robertson nói.

“Chính quyền Việt Nam tàn nhẫn trừng phạt bất kỳ ai dám thách thức mình, và ông Lê Trọng Hùng lại là một nạn nhân nữa của chính sách đàn áp ấy”, ông Robertson nói. “Khi mà giới lãnh đạo đất nước chưa cho phép bầu cử tự do và công bằng, thì Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn thoải mái làm gì tùy thích và dân chúng chỉ biết chịu trận mà thôi”.

Thỉnh nguyện thư của gia đình nhà hoạt động Lê Trọng Hùng.
Thỉnh nguyện thư của gia đình nhà hoạt động Lê Trọng Hùng.

Từ Hà Nội, bà Đỗ Lê Na, vợ của ông Hùng, cho VOA biết rằng gia đình vừa gửi thỉnh nguyện thư kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ, Liên hiệp Châu Âu (EU) và những quốc gia khác can thiệp cho trường hợp của chồng bà.

Bà nói:

“Họ đã bắt chồng tôi và giam trong vòng 9 tháng nay và phải đối diện với mức án tù rất cao và bất công”.

“Việc bất công này tôi không thể kêu đòi tại bất kỳ một cơ quan nào trong nước cả vì không ai đứng ra bảo vệ quyền lợi cho tôi, nên tôi phải kêu đòi và nhờ đến các tổ chức nhân quyền, các đại sứ quán, và chính phủ của các nước tiến bộ có quan tâm đến nhân quyền”.

“Hiện tại, sức khỏe của anh đang bị giảm sút nghiêm trọng do điều kiện giam giữ thiếu thốn, khắc nghiệt và có vấn đề về mắt cần được khám chữa kịp thời”, bà Đỗ Lê Na cho biết.

Thỉnh nguyện thư có đoạn viết: “Gia đình chúng tôi kêu gọi quý cơ quan và tổ chức quốc tế đặc trách lãnh vực nhân quyền hãy áp lực chính quyền Việt Nam để thứ nhất, cho anh Lê Trọng Hùng được gặp gia đình và thăm khám sức khỏe và thứ hai, trả tự do anh Hùng vô điều kiện”.

Bà Đỗ Lê Na bác bỏ cáo buộc của nhà chức trách, nói rằng chồng bà chỉ muốn giúp lên tiếng cho những người dân bị thiệt thòi trong những tranh chấp với chính quyền thông qua những chương trình phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội của ông. Ngoài ra ông cũng tặng các quyển hiến pháp cho người dân để giúp họ nâng cao hiểu biết về quyền và nghĩa vụ hiến định của họ.

HRW cho biết nhà cầm quyền cũng sách nhiễu cả gia đình ông Lê Trọng Hùng, cụ thể như họ triệu tập để thẩm vấn bà Đỗ Lê Na, là một người khiếm thị và phải chăm sóc hai con nhỏ.

Hồi đầu tháng 3, trong lúc nộp hồ sơ tự ứng cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV cũng là lúc ông Lê Trọng Hùng liên tục bị Cơ quan An ninh Điều tra thành phố Hà Nội gửi giấy triệu tập với lý do là có liên quan đến “nguồn tin về tội phạm của Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao”, ông Hùng nói với VOA khi đó.

Vào tháng 4, trang báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam, viết rằng “Không có chuyện cá nhân bị khởi tố do ‘tự ứng cử’”. Trang này cho rằng “đối tượng” Lê Trọng Hùng bị khởi tố và bắt tạm giam “vì đã có những hình vi vi phạm pháp luật”.

Hôm 17/12, Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp Quốc lên tiếng về trường hợp của ông Lê Trọng Hùng và những người bảo vệ nhân quyền khác.

VOA Express

XS
SM
MD
LG