Hôm 4/4, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) hãy gây sức ép để Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền, đề nghị khối này cần đặt ra “chỉ dấu và chế tài rõ ràng” đối với những vi phạm của Hà Nội trong cuộc đối thoại nhân quyền thường niên sắp diễn ra.
EU cần kêu gọi Việt Nam tuân thủ các nghĩa vụ về nhân quyền, chấm dứt đàn áp các nhà hoạt động và phóng thích tất cả tù nhân chính trị, HRW cho biết trong một thông cáo.
Đối thoại nhân quyền song phương giữa EU và Việt Nam dự kiến sẽ được tổ chức ở thủ đô Brussels, nơi đặt trụ sở của EU, vào ngày 6/4/2022.
“EU từng tuyên bố rằng quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam sẽ mang lại những tiến bộ về nhân quyền, nhưng Hà Nội lại gia tăng đàn áp hơn kể từ khi hiệp định thương mại được thông qua vào năm 2020,” ông Claudio Francavilla, chuyên gia vận động EU của HRW nói. “Brussels không nên tiếp tục dung thứ các vi phạm trắng trợn của chính quyền Việt Nam đối với nghĩa vụ và trách nhiệm về nhân quyền của họ.”
Trong một tờ trình gửi EU trước cuộc đối thoại, HRW hối thúc EU đặt ra yêu cầu phải có “các chỉ dấu rõ ràng, cụ thể và dễ đánh giá hoặc các kết quả thực tế đánh dấu tiến bộ về nhân quyền phù hợp với các hướng dẫn của chính EU, và đặt ra các hậu quả nếu vẫn tiếp tục vi phạm”.
Trong thông cáo, HRW nhận định xu hướng gia tăng đáng lo ngại về các vụ bắt bớ các nhà hoạt động xã hội và môi trường với cáo buộc được công bố là “trốn thuế”.
HRW nêu các trường hợp các nhà hoạt động bị án tù từ 4-5 năm vì tội bị quy là “trốn thuế” như nhà báo Mai Phan Lợi và luật sư Đặng Đình Bách, và gần đây nhất là vụ bắt nhà hoạt động Ngụy Thị Khanh với cùng tội danh, và điều đáng nói họ là những người có tham gia các dự án xã hội dân sự do EU tài trợ.
Cũng theo HRW, Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất là 153 tù nhân chính trị. Tính riêng trong năm 2021, các tòa án ở Việt Nam đã kết tội ít nhất là 38 người vì lên tiếng phê phán chính quyền và kết án họ với án tù giam nhiều năm. Ngoài ra, công an hiện đang tạm giữ ít nhất 25 người khác trong các trại tạm giam chờ xét xử, với các cáo buộc “có động cơ chính trị”, trong đó có nhà bảo vệ nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Thúy Hạnh và nhà vận động nhân quyền Đinh Văn Hải.
“Cuộc đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam sắp tới không nên chỉ là việc đánh dấu tích cho có nữa,” ông Francavilla nói. “Chính quyền Việt Nam đã chấp nhận các cam kết có ràng buộc về việc tôn trọng nhân quyền, và EU cần dứt khoát rằng việc gia tăng đàn áp nhân quyền sẽ mang lại hậu quả đối với giới lãnh đạo Việt Nam.”
HRW nói rằng EU cũng cần gây áp lực để nhà cầm quyền Việt Nam chấm dứt hạn chế tự do đi lại và sách nhiễu quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của người dân.
Vào tháng trước, nhân dịp Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế 2022 cho nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang đang thụ án tù ở Hà Nội, Liên minh châu Âu ra tuyên bố ủng hộ sự kiện này, nói thêm rằng “EU cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ những người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam và trên toàn thế giới”.
Tuyên bố viết: “EU kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho tất cả những người bảo vệ nhân quyền bị bắt giữ tùy tiện và bảo đảm quyền được xét xử công bằng cho mọi cá nhân”.
Hồi tháng 6/2021, Cơ quan Đối ngoại Liên minh châu Âu (EEAS) công bố “Báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới năm 2020”, trong đó ghi nhận tình hình nhân quyền Việt Nam “đặc biệt đáng lo ngại” với “mức độ nghiêm trọng của những hạn chế và việc tuyên án trong các vụ việc liên quan đến thực hành quyền tự do ngôn luận trên mạng và trên thực tế”.
“Người dùng truyền thông xã hội ngày càng phải đối mặt với việc kiểm duyệt tùy tiện khi chia sẻ những quan điểm chính yếu trực tuyến”, báo cáo của EEAS cho biết.
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng báo cáo nhân quyền của EEAS là “chưa khách quan” và “không phản ánh đúng thực tế tại Việt Nam”.
“Như đã nhiều lần khẳng định, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói.