Đường dẫn truy cập

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền 


HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam.
HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đưa ra lời kêu gọi này trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 7/5/2024 tại Geneva, Thụy Sĩ.

“Chính phủ các quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đừng để chính quyền Việt Nam gây nhiễu bằng nỗ lực tẩy trắng hồ sơ nhân quyền tồi tệ của họ”, bà Elaine Pearson, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Nhân quyền nói trong thông cáo ngày 22/4. “Các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nhân dịp đợt kiểm điểm này hãy lên tiếng về chính sách đàn áp một cách có hệ thống các quyền dân sự và chính trị của chính quyền Việt Nam và đòi hỏi cải cách thực sự”.

“Hết vụ vi phạm này đến vụ vi phạm khác – đó chính là lý do các quốc gia hữu quan cần lên tiếng về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Hà Nội”, bà Pearson nói. “Các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc không những cần gây sức ép với Việt Nam trong kỳ kiểm điểm để yêu cầu những thay đổi thực sự, mà còn cần tiếp tục theo sát để đảm bảo rằng các cải cách được thực hiện trên thực tế”.

HRW cho rằng hành tích nhân quyền của chính phủ Việt Nam đã xấu đi đáng kể kể từ lần rà soát UPR chu kỳ III vào đầu năm 2019.

Tháng 2 vừa qua, chính phủ Việt Nam đệ trình bản tự kiểm về nhân quyền dài 24 trang lên Hội đồng Nhân quyền trong đó ca ngợi những thành tích của mình.

Bản báo cáo của chính phủ Việt Nam gửi cho LHQ “tràn ngập thông tin sai lạc về quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí ở Việt Nam”, HRW nhận định.

“Hiện có hơn 160 người đang bị giam giữ ở Việt Nam vì phê phán chính quyền, hành vi bị hình sự hóa trong Bộ luật hình sự”, HRW viết. “Tất cả báo chí trong nước đều dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Việt Nam, và Việt Nam đứng thứ ba thế giới về số lượng nhà báo bị giam giữ. Nhà cầm quyền giám sát ngặt nghèo mạng internet, và hành vi đăng tải hoặc chia sẻ nội dung phê phán chính quyền trên mạng có thể dẫn tới án tù dài hạn”.

Theo thống kê của HRW, từ đầu năm 2019 đến tháng 8/2023, nhà cầm quyền Việt Nam đã truy tố và kết tội ít nhất là 139 người vì chỉ trích chính quyền hoặc tham gia các tổ chức ủng hộ dân chủ, tất cả đều bị xử án tù nhiều năm.

Tính từ tháng 8/2023, chính quyền Việt Nam đã kết án tù thêm 23 người chỉ vì thực hành các quyền dân sự và chính trị của mình một cách ôn hòa, và xét xử họ từ 9 tháng đến 13 năm tù giam.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và Văn phòng Nhân quyền LHQ, đề nghị họ cho ý kiến về lời kêu gọi trên của HRW, nhưng chưa được phản hồi.

Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, đồng thời luôn khẳng định chính sách nhất quán của Hà Nội về việc đảm bảo quyền con người của mọi công dân.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG