Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 11/5 lên tiếng bênh vực cho nhà vận động dân chủ Trần Văn Bang, kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc và trả tự do cho ông ngay lập tức.
“Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần đưa ra Điều 117 của BLHS để bịt miệng bất kỳ công dân nào dám sử dụng internet để chỉ trích chính phủ hoặc lên tiếng ủng hộ nhân quyền và dân chủ”, ông Phil Robertson, phó giám đốc châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết trong một tuyên bố. “Các cơ quan chức năng cần trả tự do ngay cho ông Trần Văn Bang và bãi bỏ điều luật hà khắc này”.
HRW đưa ra lời kêu gọi này một ngày trước khi dự kiến diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Bang với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”, với khung hình phạt có thể lên đến 12 năm tù.
Công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ ông Trần Văn Bang vào ngày 1/3/2022, và các luật sư bào chữa chỉ nhận được quyết định xét xử và bản cáo trạng hai ngày trước khi diễn ra phiên xử, một thành viên gia đình ông Bang cho VOA biết – người này đề nghị không nêu tên vì lý do an ninh.
“Ông Bang sẽ không nhận tội”, người này cho biết thêm.
Sau buổi tiếp xúc đầu tiên với thân chủ trong trại tạm giam vào tháng 2/2023, hai luật sư Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng cho biết trên Facebook về khả năng nhận tội của ông Bang: “Ông có quan điểm cho rằng mình không vi phạm”.
“Thông qua việc bắt bớ, giam cầm và truy tố bất kỳ người nào bày tỏ quan điểm phê phán chính phủ trên mạng internet, giới lãnh đạo Việt Nam cho thấy mặt yếu kém, chứ không phải mặt mạnh của họ”, ông Robertson nói. “Ông Trần Văn Bang lẽ ra không nên phải đối mặt với sự trừng phạt chỉ vì đã thực hiện quyền tự do biểu đạt căn bản của mình”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA về lời kêu gọi của HRW.
Dự kiến trong phiên tòa ngày 12/5, an ninh sẽ được thắt chặt, với việc các đại diện ngoại giao phương Tây dù đã xin phép tham dự phiên xử nhưng không được chấp thuận, vẫn theo người thân của ông Bang.
Ông Trần Văn Bang (còn được gọi là Trần Bang), 62 tuổi, từng phục vụ trong quân đội thời đầu thập niên 1980, và sau khi xuất ngũ vào giữa thập niên này thì trở thành một kỹ sư thủy lợi.
Trong 10 năm qua, ông đã tham gia một số cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Hồi tháng 11/2015, trong một cuộc biểu tình phản đối Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam, ông Trần Văn Bang đã bị nhân viên an ninh hành hung và gây thương tích. Ông cũng tham gia một số cuộc biểu tình ủng hộ môi trường và nhân quyền, và công khai phản đối luật an ninh mạng có nội dung đàn áp được ban hành năm 2018.
Trước khi bị bắt, các nhân viên an ninh thường xuyên quản thúc ông Trần Văn Bang tại gia để ông không thể tham gia những sự kiện liên quan đến nhân quyền hay những dịp nhạy cảm về chính trị, vẫn theo HRW.
Kể từ năm 2018, các tòa án Việt Nam đã kết án ít nhất 60 blogger và nhà hoạt động theo Điều 117, và xử họ từ 4 đến 15 năm tù giam. Cũng trong cùng thời kỳ, có ít nhất 13 nhà vận động nhân quyền khác bị kết tội theo Điều 88 cũ – cùng tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước”. Những người này đã bị xử từ 4 đến 12 năm tù giam, theo HRW.
Trong diễn biến liên quan, hôm 11/5, ngày mà chính phủ Hoa Kỳ hàng năm kỷ niệm Ngày Nhân quyền Việt Nam, các nhà lập pháp và quan chức Mỹ kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho các tù nhân chính trị và tôn giáo.
Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau nói rằng họ luôn coi trọng nhân quyền và tự do tôn giáo, nói rằng họ không giam giữ bất kỳ ai vì lên tiếng cho các quyền căn bản này, chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.
Diễn đàn