Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói hôm 16/1 trong Báo cáo Thế giới 2025 rằng việc ông Tô Lâm lên nắm quyền ở Việt Nam sau quá trình thay đổi quyền lực vào giữa năm 2024 không làm giảm bớt tình trạng đàn áp nhân quyền liên tục của chính quyền. Thay vào đó, chính quyền nước này tiếp tục cấm các nhóm nhân quyền, công đoàn, truyền thông, nhóm tôn giáo độc lập và tất cả các tổ chức khác hoạt động ngoài tầm kiểm soát của họ.
“Việc Tổng Bí thư Tô Lâm trở thành lãnh đạo không làm được gì để hạn chế sự đàn áp nghiêm trọng và có hệ thống của chính phủ Việt Nam đối với các quyền dân sự và chính trị”, bà Patricia Gossman, phó giám đốc khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nói trong thông cáo hôm 16/1.
Trong phần báo cáo tình hình nhân quyền Việt Nam trong năm 2024 dài 4 trang, HRW mô tả rằng một cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ căng thẳng đã thay thế 5 thành viên Bộ Chính trị Việt Nam, trong đó ông Tô Lâm, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an khét tiếng, cuối cùng đã giành được vị trí tổng bí thư cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 7/2024.
“Dưới thời ông Tô Lâm, công an Việt Nam đã bỏ tù nhiều người chỉ trích trong thập kỷ qua, tàn phá xã hội dân sự đang chớm nở của Việt Nam. Cuộc đàn áp này tiếp tục kéo dài đến năm 2024, nhắm vào các nhà báo, nhà hoạt động vì quyền lao động và những người bảo vệ nhân quyền”, HRW viết.
Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Mỹ đánh giá rằng chính quyền Việt Nam đàn áp các quyền cơ bản của công dân về tự do ngôn luận, lập hội, hội họp, phản đối ôn hòa và tự do tôn giáo.
“Các công đoàn lao động độc lập, tổ chức nhân quyền, phương tiện truyền thông độc lập và các đảng phái chính trị vẫn bị cấm. Cơ quan tư pháp không độc lập và tòa án thường xuyên từ chối các quyền tố tụng hợp pháp của bị cáo. An ninh tuần tra trên mạng và bắt giữ những người mà họ cho là đe dọa đến sự độc quyền của Đảng Cộng sản”, vẫn theo báo cáo của HRW.
HRW điểm qua một số trường hợp vi phạm điển hình trong năm 2024, cho rằng các tòa án ở Việt Nam đã kết tội sai sự thật và kết án ít nhất 43 nhà vận động nhân quyền và bất đồng chính kiến, trong đó có các nhà bảo vệ nhân quyền Nguyễn Chí Tuyến, Nguyễn Vũ Bình, Phan Vân Bách và nhà hoạt động môi trường Ngô Thị Tố Nhiên.
Cuối cùng, HRW kêu gọi chính phủ Việt Nam cần chấm dứt ngay việc vi phạm nhân quyền có hệ thống và trả tự do cho tất cả tù nhân và người bị giam giữ vì thực hiện các quyền cơ bản của mình.
“Các nhà tài trợ quốc tế và các đối tác thương mại của Việt Nam muốn thấy chính phủ tiến hành cải cách hãy lên tiếng phản đối hồ sơ nhân quyền tệ hại của họ”, bà Gossman kêu gọi, nói thêm rằng “cần thúc ép chính quyền Việt Nam tôn trọng các quyền dân sự và chính trị”.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ bình luận về báo cáo nêu trên của HRW, nhưng chưa được trả lời.
Hà Nội lâu nay bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ vi phạm nhân quyền, khăng khăng rằng các quyền căn bản của người dân luôn được đảm bảo và tôn trọng.
Mặc cho các tổ chức nhân quyền quốc tế, trong đó có HRW, chỉ trích hồ sơ nhân quyền bị xem là tệ hại của Việt Nam, chính quyền nước này vào tháng 12/2024 công bố rằng Việt Nam sẽ tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2026-2028.
Diễn đàn