Đường dẫn truy cập

HRW: Việt Nam đưa thông tin sai lệch về quyền của người lao động


Bộ Thương mại Mỹ hôm 8/5 bắt đầu phiên điều trần về việc liệu Mỹ có nên trao cho Việt Nam quy chế nền kinh tế thị trường hay không.
Bộ Thương mại Mỹ hôm 8/5 bắt đầu phiên điều trần về việc liệu Mỹ có nên trao cho Việt Nam quy chế nền kinh tế thị trường hay không.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cáo buộc rằng Việt Nam không đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản về quyền lao động cần thiết để được xem là nền kinh tế thị trường và cho biết sẽ là sai lầm khi nói rằng người lao động Việt Nam có thể tổ chức được công đoàn hoặc tiền lương của họ là nhờ vào thương lượng tự do.

“Luật Công đoàn Việt Nam chỉ cho phép các ‘công đoàn’ do chính quyền kiểm soát,” tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết trong một tuyên bố sau phiên điều trần tại Bộ Thương mại Mỹ hôm 8/5 về việc liệu Washington có nên trao cho Hà Nội quy chế nền kinh tế thị trường hay không.

HRW đánh giá rằng chính quyền Việt Nam hiện chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn cơ bản về quyền của người lao động và nước này lại đưa ra “các thông tin sai lạc hoặc dễ gây hiểu lầm” cho phía Hoa Kỳ và các đối tác kinh tế khác hầu mong đạt được quy chế kinh tế thị trường để được hưởng các ưu đãi thương mại.

“Biện hộ rằng người lao động Việt Nam có thể thành lập công đoàn hay mức lương của họ là kết quả của sự thỏa thuận tự nguyện giữa người lao động và người sử dụng lao động là lời tuyên bố sai lệch trắng trợn”, ông John Sifton, Giám đốc Vận động Ban Á Châu của HRW nói trong một tuyên bố. “Ở Việt Nam không hề tồn tại bất kỳ một công đoàn độc lập nào hay các khung pháp lý khả thi cho việc thành lập công đoàn hoặc cho người lao động có thể đòi thi hành các quyền của mình”.

“Lời tuyên bố tôn trọng quyền của người lao động của Việt Nam chỉ dựa trên các ngôn từ và lời hứa sáo rỗng, các văn bản luật pháp và quy định xa rời thực tế về hiện trạng quyền của người lao động ở quốc gia này,” vẫn ông Sifton.

HRW cũng đề cập đến việc chính quyền Hà Nội vào tháng trước bắt giam ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, người từng vận động cho “các cải cách hữu hiệu hơn về lao động và tạo một mức độ độc lập cho công đoàn”.

“Việt Nam là một xã hội khép kín với một chính quyền chuyên chế thù nghịch với quyền của người lao động”, ông Sifton đánh giá. “Người lao động còn không thể công khai thành lập công đoàn, nói gì đến thương lượng với người sử dụng lao động. Chính phủ Hoa Kỳ cần nhận thức rõ điều này”.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, yêu cầu họ đưa ra nhận định về tuyên bố trên của HRW, nhưng chưa được phản hồi.

Quốc Hội Hoa Kỳ cần tổ chức các cuộc điều trần về chủ đề này và đảm bảo rằng hồ sơ của Việt Nam được thể hiện đầy đủ trong quá trình ra quyết định, HRW có trụ sở tại New York, Mỹ, ra đưa khuyến nghị.

Hôm 9/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói rằng Việt Nam hoan nghênh Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã tổ chức phiên điều trần ngày 8/5, gọi đó “là một bước quan trọng” trong quá trình xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Cổng thông tin Chính phủ dẫn lời bà Hằng khẳng định rằng tại phiên điều trần, phía Việt Nam “nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường” và đồng thời nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam “còn làm tốt hơn” so với nhiều nền kinh tế đã được công nhận quy chế kinh tế thị trường.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG