Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 7/1 kêu gọi chính quyền Việt Nam nên hủy bỏ mọi cáo buộc đối với luật sư Trần Đình Triển, người sắp bị đưa ra xét xử chỉ vì chỉ trích nguyên Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, nay là Phó Thủ tướng Chính phủ.
Vào ngày 9 /1/ 2025, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội dự kiến xét xử luật sư Trần Đình Triển, người bị bắt ngày 1/6/2024 và bị buộc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ Luật Hình sự. Nếu bị kết án, ông Triển có thể phải đối mặt với án tù 7 năm.
“Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ ngày 23/4 đến ngày 9/5 năm 2024, ông Triển đã đăng ba bài viết trên Facebook chỉ trích những việc làm của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Hòa Bình”, HRW cho biết trong thông cáo.
Trước đó, hôm 12/12/2024, báo Công an Nhân dân (CAND) dẫn cáo trạng đối với ông Trần Đình Triển viết: “Thông tin đăng tải có nội dung gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của hệ thống Tòa án nhân dân và cá nhân lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao. Việc này đã gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
Trong một bài viết, ông Trần Đình Triển lưu ý rằng dưới sự giám sát của Chánh án Nguyễn Hòa Bình, các tòa án đã ngăn cản thành viên gia đình của các bị cáo tham dự các phiên tòa, và ông chỉ trích quyết định cấm các nhà báo và luật sư quay video tại các phiên tòa công khai, theo HRW.
Theo bản cáo trạng được luật sư Nguyễn Duy Bình, một người bào chữa cho ông Triển, công bố trên Facebook hôm 29/12, ba bài viết của ông bị cáo buộc có tựa đề: “Nguyễn Hòa Bình – những cái nhất khi làm Chánh án”, “Cần mở rộng điều tra vụ án Lê Đức Thọ, có liên quan con trai Nguyễn Hòa Bình hay không?”, và bài “Nguyễn Hòa Bình nói đúng hay sai?!”
Ngoài ra, ông Trần Đình Triển còn viết bài chỉ trích vị chánh án vì đã ra phán quyết đối với tử tù Hồ Duy Hải, bất chấp có nhiều bằng chứng về những sai phạm trong quá trình điều tra vụ án, vẫn theo HRW.
Ông Nguyễn Hòa Bình được bổ nhiệm làm Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao vào tháng 4/2016 và được bổ nhiệm giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8/2024. Trước đó, vào tháng 7/2011, ông đảm nhận chức Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Theo quan sát của HRW, chính quyền Việt Nam ngày càng sử dụng Điều 331 để bịt miệng những người chỉ trích chính phủ, với việc các tòa án kết án và tuyên án ít nhất 24 người theo điều khoản này chỉ trong năm 2024.
“Chính phủ nên ngay lập tức bãi bỏ mọi cáo buộc đối với ông Trần Đình Triển và trả tự do cho ông và những người khác bị truy tố vì bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa”, HRW, tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Mỹ, kêu gọi.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về thông cáo trên của HRW, nhưng chưa được phản hồi.
Ông Trần Đình Triển đứng đầu Công ty Luật Vì Dân, do ông thành lập năm 2006. Ông cũng là Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội từ năm 2013-2018. Năm 2011, ông tham gia nhóm bào chữa cho nhà hoạt động Cù Huy Hà Vũ và cùng các luật sư đồng nghiệp bước ra khỏi phòng xử án để phản đối sự đối xử bất công đối với nhóm luật sư bào chữa.
Ông Trần Đình Triển là người mới nhất trong hàng loạt luật sư nổi tiếng bị chính quyền nhắm tới vì các bài đăng công khai trên internet. Trong năm 2023 và 2024, ít nhất bốn luật sư Việt Nam đã xin tị nạn tại Hoa Kỳ vì sợ bị bắt, theo HRW.
Theo Nguyên tắc cơ bản của Liên Hiệp Quốc về vai trò của luật sư, “luật sư như những công dân khác có quyền tự do ngôn luận, tín ngưỡng, lập hội và hội họp. Đặc biệt, họ có quyền tham gia thảo luận công khai về các vấn đề liên quan đến luật pháp, hoạt động tư pháp cũng như thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền… mà không bị hạn chế về mặt chuyên môn vì lý do hành động hợp pháp của họ”.
Diễn đàn