Đường dẫn truy cập

Huấn luyện viên đem những giấc mơ thể thao đến trại tỵ nạn Liban


Đội bóng rổ nữ tập luyện trong sân thể thao bên ngoài trại tỵ nạn Shatila
Đội bóng rổ nữ tập luyện trong sân thể thao bên ngoài trại tỵ nạn Shatila

Tại một nơi mà các giá trị Hồi giáo truyền thống thường chi phối mọi chuyện, một nhóm thiếu nữ mặc áo khoác thể thao đang đi rảo bộ qua trại tỵ nạn Shatila của người Palestine ở nam Beirut, có thể làm nhiều người nhíu mày khó chịu.

Nhưng trong khi đám thiếu nữ đi qua các con đường ngoắt ngoéo trong trại, có một sự hiện diện của một người đi kèm với các em làm trấn an rất nhiều người ngay cả những người có đầu óc bảo thủ nhất; Đó là ông Majdi Adam, hay nhiều người còn gọi là huấn luyện viên Majdi.

Huấn luyện viên Majdi được nhiều người biết đến ở Shatila. Ông là người đã mơ ước mở một ngôi trường thể thao cho giới trẻ của một cộng đồng bị giữ bên lề của xã hội Liban.

Các nỗ lực của ông nhằm đem lại cho thanh thiếu niên một nơi an toàn để chơi là một cuộc tranh đấu liên tục. Là người lần đầu tiên mở một câu lạc bộ bóng đá có tên là “Thanh niên Palestine” cách đây 5 năm, với sự giúp đỡ của một vài huấn luyện viên khác, ông Majdi từ đó đã mở rộng câu lạc bộ này thành hai đội và tiếp tục mở thêm một đội bóng rổ nữ.

Người huấn luyện viên khiêm tốn nói năng nhỏ nhẹ tâm sự với đài VOA: “Tôi cảm thấy việc các em nhỏ có quyền chơi là điều quan trọng. Tôi nhớ khi còn bé tôi rất vui mừng được chơi bóng đá, và nhận thấy rằng quanh đây có rất nhiều bạn trẻ. Tôi nghĩ nếu họ gia nhập một câu lạc bộ, chúng ta có thể cho họ quần áo và những đôi giày thích hợp, và đem lại cho họ cơ hội được chơi mà không phải trả tiền, vậy đó chỉ có thể là điều tốt thôi.”

Thoạt đầu được thành lập để đem lại chỗ ở cho người Palestine tỵ nạn tiếp theo cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1948, dân cư ở Shatila sau đó đã phình ra và đã trở thành một khu phố thuộc ngoại thành Beirut.

Tuy nhiên, các cư dân người Palestine ở đây tiếp tục không được hưởng các quyền cơ bản bên trong Liban, và những người sống ở bên trong Shatila phải đối mặt với tình trạng quá đông đúc và cơ sở hạ tầng yếu kém.

Ông Majdi đã sinh sống ở đó suốt đời.

Mỉm cười, ông nhắc lại thuở là cậu bé 6 tuổi còn đá quả bóng vòng vòng trên các cánh đồng nay đã được thay thế bằng những toà nhà chật cứng.

Ông cũng đã chứng kiến những sự khủng khiếp ở đây; được cha giấu kín, ông đã sống sót sau cuộc thảm sát khét tiếng năm 1982 của một đội dân quân Cơ đốc giáo Phalange trong cuộc nội chiến ở Liban.

Nay là cha của 3 đứa con với một ngôi nhà thường được sử dụng như một câu lạc bộ, ông hãnh diện về cộng đồng của mình. Và, tại một nơi có rất ít khoảng trống cho trẻ em chơi, ông nhìn thấy thể thao là một cách để đóng góp.

Ông nói, “Chúng ta có thể dùng thể thao để tạo ra sự thay đổi trong đời sống của những trẻ em này, và góp phần làm ra những con người tốt. Thể thao là một cách đem lại thông tin cho những trẻ em này và giúp các em sáng chói.”

Ông cũng nhấn mạnh rằng các đội thể thao được dành cho tất cả mọi người, chứ không phải riêng người Palestine. Ông nói, “Người Syria cũng có thể đến chơi và quên đi những gì mà họ đã nếm trải.”

Khi cha mẹ của em Gulizar Osman được nghe về đội bóng rổ nữ mà ông Majdi đã thành lập, họ không chắc chắc mấy. Con gái ở Shatila thường bị hạn chế không được ra ngoài vì những quan ngại về sự dè dặt của các em. Nhưng họ tin tưởng ông Majdi.

Em Gulizar 15 tuổi nói:” Ra khỏi nhà có thể là việc khó vì mọi người sẽ đàm tiếu. Có một cảm giác là một thiếu nữ không có quyền ra ngoài chơi, và nếu làm như thế là xấu, song bóng rổ giúp tôi có phương tiện làm được điều đó. Nó đã đem lại cho tôi niềm tin mới.”

Trong 2 thập niên, ông Majdi đã nuôi một giấc mơ thành lập một trường thể thao, nơi trẻ em có thể chơi bất kể khả năng, giàu nghèo hay quốc tịch.

Giấc mơ đó đã vấp phải nhiều trở ngại. Từ việc mướn người tổ chức chuyên chở đến những trận đấu, điều hành các đội thể thao, chưa kể lập một trường thể thao rất tốn tiền. Và so với tất cả những nơi khác, tại Shatila tiền là điều không sẵn có.

Là thợ sơn và làm nghề công nhân xây dựng như mọi người Palestine khác ở Liban, ông Majdi bị hạn chế về công ăn việc làm của mình.

Công việc rất thất thường. Có thiện chí đối với các đội thể thao của mình, và được hỗ trợ tài chính của những người có thiện cảm với lý tưởng, song ông Majdi thường phải trích ra một khoản riêng, thường là rất nhỏ trong số lương của ông để các đội có thể hoạt động. Mới đây, ông đã phải cắt bớt các buổi tập dượt.

Ông Majdi thường phải đứng trước một lựa chọn gay go.

Ông nói: “Đôi khi tôi đứng trước một vấn đề lớn khi phải chia sẻ giữa thể thao và gia đình. Nhưng khi tôi nhìn thấy những nụ cười trên gương mặt của các em nhỏ trong các đội thể thao, thì tôi thường lấy làm sung sướng đã làm việc ấy. Đối với tôi, các em cũng giống như những đứa con trai, con gái của tôi.”

Bất chấp những khó khăn, có rất ít cơ may ông Majdi sẽ ngưng thúc đẩy ước mơ của mình.

Và dường như ngay cả thỉnh thoảng bị mất mát vì nhiệt tình ông dành cho việc giúp đỡ giới trẻ ở Shatila, gia đình ông vẫn ủng hộ ông.

Được hỏi muốn làm gì khi lớn lên, người con trai 15 tuổi của ông Majdi là Yussef đã không ngần ngại đáp rằng, ‘Làm huấn luyện viên, giống y như cha tôi vậy.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG