Bản phúc trình về chỉ số Đói Thế Giới 2010 được công bố hôm thứ Hai, là của Viện Nghiên Cứu Chính Sách Lương Thực Thế Giới, gọi tắt là IFPRI. Tư liệu này ghi nhận rằng trong những năm gần đây, các chuyên gia đã đi đến kết luận rằng tình trạng dinh dưỡng kém giữa thời gian mang thai và sinh nhật thứ 2 của em bé có thể có những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài.
Những em bé thiếu dinh dưỡng trong thời kỳ trên dưới 1.000 ngày này có thể bị còi cọc, và chúng dễ bị bịnh và chết hơn là những bé được nuôi ăn đầy đủ.
Bà Marie Ruel thuộc viện IFPRI nói rằng phòng tránh nạn đói giúp cho trẻ em phát triển cả thể chất lẫn tinh thần:
“Có vẻ như các em sẽ học hành và ứng xử tốt hơn trong trường. Chúng sẽ chịu đi học lâu hơn. Và rồi khi trở thành người lớn, IFPRI thực sự đã chứng minh được rằng những người lúc nhỏ được nuôi ăn đủ thường có mức lương cao hơn, với tỉ lệ được coi là khá cao, là 46%.”
Bà Ruel nói, điều đó có nghĩa là năng suất của các thế hệ tương lai trong một nước tùy thuộc phần lớn vào 1.000 ngày đầu đời của bé.
“Vì lý do đó tất cả chúng ta nên chú tâm vào 1.000 ngày vừa kể để cải thiện dinh dưỡng. Sau đó, thường là sự tổn hại đã xảy ra rất khó đảo ngược.”
Những dữ kiện về tương quan giữa dinh dưỡng và phát triển của trẻ nhỏ đã được thu thập qua nhiều thập niên. Nhưng theo bà Ruel, chỉ riêng sự đồng thuận của các nhà khoa học cũng không giải quyết được vấn đề:
“Chỉ riêng việc những nhà dinh dưỡng nói rằng cần phải can thiệp lúc nào, điều đó không đủ, chúng ta còn cần có sự tham gia của các nhà chính trị, và những người thực thi các hoạt động này nữa.”
Theo bà Ruel, đã có những dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy các chính trị gia cũng như những nhà hoạt động thuộc lãnh vực này bắt đầu tham gia.
Nhiều nhà hảo tâm lớn và Liên Hiệp Quốc đang nhắm vào những chương trình hạ giảm nạn đói cho các thai phụ và các em bé. Họ tập trung cải thiện thực đơn hoặc cung cấp những loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao trong số lượng nhỏ.
Họ tạo thêm điều kiện để các thai phụ có thêm săn sóc trước khi sinh, và khuyến khích nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu tiên của trẻ sơ sinh.
Bà Ruel cho biết, vào những năm 1980, Thái Lan đã có thể giảm tình trạng trẻ suy dinh dưỡng bằng cách tuyển mộ một số lớn thiện nguyện viên đến vùng quê để giáo dục dân chúng về sức khỏe và dinh dưỡng:
“Họ đã thật sự đẩy mạnh tính đa dạng trong thực đơn và những tập quán ăn uống tốt. Vì vậy họ đã cung ứng thêm thực phẩm cho mọi người, nhưng cũng giáo dục mọi người cho con cái ăn uống đúng cách.”
Vẫn theo bà Ruel, các nước có thể áp dụng những phương pháp khác nhau để giảm tình trạng suy dinh dưỡng nơi trẻ em. Nhưng bà nói, các nước sẽ không thể nào đạt được tiến bộ trong việc chống lại nạn nghèo đói cho tới khi họ khởi sự tập trung vào 1.000 ngày cực kỳ quan trọng đầu đời của em bé.
Một phúc trình được đưa ra trước ngày Lương Thực Thế Giới đã nêu bật rằng thời kỳ ngắn ngủi thuộc giai đoạn đầu đời của trẻ chính là thời gian thiết yếu giúp giảm thiểu nạn đói và hạ giảm tình trạng nghèo khó.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1