“Tội” của Huy Đức “hơi bị nhiều” (!?), nếu chiếu theo các điều 331 và 117 trong bộ luật “vô thiên vô pháp” của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN). Một trong những “tội tày đình” nhất của ông chính là đã dành cả thập kỷ để nghiên cứu và viết nên bộ sách Bên Thắng Cuộc, gồm hai tập: Giải phóng và Quyền Bính. Giáo sư Peter Zinoman của đại học UC Berkeley nhận định: “Bộ sách ấy đã dạy cho độc giả Việt Nam nhiều bài học. Nó làm sáng tỏ những vấn đề hậu chiến vốn bị xóa khỏi sách giáo khoa lịch sử, như hệ thống trại cải tạo tàn bạo, hoàn cảnh thuyền nhân, sự quản lý kinh tế yếu kém của lãnh đạo đất nước và các chiến dịch bài Hoa tham nhũng, côn đồ vào những năm 1970” (1).
Không phải ngẫu nhiên mà cách đây hàng chục năm, một lần trò chuyện với bạn bè, lúc bấy giờ có cả Huy Đức trong đó, tôi từng “chọc quê” tác giả: “Cuốn sách này lẽ ra phải đổi tên là Bên Thua Cuộc mới đúng!” Giờ nhìn lại, điều này càng “chuẩn không cần chỉnh”. Bộ sách không chỉ bóc trần những góc khuất hậu chiến mà còn khẳng định tương đối công khai vị thế ngang ngửa của Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc nội chiến “nồi da xáo thịt” với miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Nhưng đâu chỉ có Huy Đức hay Peter Zinoman dám “lội ngược dòng lịch sử” để nhìn nhận lại vai trò của Việt Nam Cộng Hoà (VNCH)! Chỉ một ngày sau khi Viện Kiểm Sát Nhân Dân (KSND) tối cao công bố cáo trạng đối với Huy Đức, ngày 13/2/2025, chính Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã công khai ca ngợi chế độ VNCH khi làm phép ẩn dụ bày tỏ sự ngưỡng mộ với trình độ phát triển của Sài Gòn cách đây nhiều thập kỷ (2). Trước đó, vào ngày 9/1/2025, trong cuộc gặp gỡ các đảng viên lão thành và trí thức, ông cũng có phát ngôn tích cực về cựu thù (3). Điều này cho thấy sự thật lịch sử không thể bị che giấu mãi.
Cũng như trong tuyên bố gần đây nhân dịp 30/4, các tổ chức dân sự trong và ngoài nước đã tôn vinh tất cả những ai từng hy sinh trong cuộc chiến. “Sự hy sinh của những người lính ở cả hai phía là vô cùng thiêng liêng để quyết định tương lai dân tộc Việt Nam ngày nay đi về đâu”, tuyên bố nhấn mạnh (4).
Trở lại với 13 bài viết bị cáo buộc là “xâm phạm lợi ích Nhà nước” vì có lượng tương tác lớn và “gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự” (5): Xét cho cùng, dù những bài viết ấy có mạnh mẽ đến đâu thì cũng khó có thể thể sánh bằng Bên Thắng Cuộc. Nhà văn Trần Thanh Cảnh từng nhận xét: “Tác phẩm này có giá trị như Sử Ký của Tư Mã Thiên. Trong dòng văn học phi hư cấu Việt Nam, Bên Thắng Cuộc là độc nhất vô nhị!”. Với bộ sách này, Huy Đức đã làm xong nghĩa vụ của một trí thức đối với thời đại. Trong tương lai, những pho sử “quốc doanh” sẽ bị hậu thế quên lãng, nhưng Bên Thắng Cuộc sẽ còn mãi với non sông nước Việt (6).
Chính sự bất tương dung giữa chế độ độc tài toàn trị và phản biện – kể cả là “phản biện lề phải” như Trương Huy San – đã khiến ông bị truy tố. ĐCSVN vẫn tiếp tục giữ thâm thù đối với lời khuyên của ông, nên “coi công an là công cụ của bộ chính trị, chứ không để bộ chính trị trở thành con tin của công an” (7). Đảng vẫn muốn cả đất nước phải “ăn mày dĩ vãng” và từ chối nhìn nhận sự thật về cuộc nội chiến. Thậm chí, đến các văn nghệ sĩ chỉ mặc trang phục hơi giống quân phục VNCH cũng bị gây khó dễ. Điển hình như vụ Đàm Vĩnh Hưng từng bị chỉ trích vì “đeo huy hiệu giống VNCH” (8).
Sau khi nghe tin Huy Đức bị bắt, càng có thêm nhiều người muốn ký tên vào thư ngỏ của Giáo sư Peter Zinoman kêu gọi chính quyền trả tự do cho ông (9). Nhiều người đã tìm đọc lại những bài viết bị cáo buộc. Hầu hết đều nhận thấy đó là những đóng góp chân tình, trung thực, sắc sảo và uyên bác. Vậy mà lại nên tội? Một người bạn của Huy Đức, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tịnh Thy từ Đại học Sư phạm Huế đã cảm thán: “Huy Đức, anh chết cũng được rồi!” (10). Phát ngôn ấy dù đầy xót xa, nhưng cũng để khẳng định rằng một người cầm bút viết nên được Bên Thắng Cuộc có thể mãn nguyện, thanh thản để chấp nhận mọi thách thức một cách kiêu hãnh.
Tuy nhiên, những người quý trọng Huy Đức không bao giờ muốn anh chết, càng không bao giờ muốn anh chịu cảnh tù đày! Bởi với trí tuệ sắc sảo, kiến thức uyên thâm và tinh thần phản biện mạnh mẽ, anh và những người cùng chí hướng vẫn còn nhiều điều để đóng góp cho đất nước. Dù ĐCSVN vẫn tiếp tục duy trì bản chất toàn trị và bất dung với mọi phương diện phản biện. Liệu bao giờ họ mới biết lắng nghe những lời phê phán sâu sắc, yêu nước thương nòi và mang tính xây dựng như của Huy Đức?
Tham khảo:
(1) /a/podcast-video-huy-duc-peter-zinoman-09-21-2024/7793077.html
(2 và 3) https://www.rfa.org/vietnamese/chinh-tri/2025/02/13/to-lam-sai-gon-viet-nam-cong-hoa-singapore/
(4) /a/co-mot-chu-nghia-truong-ton-viet-nam/7961206.html
(5) /a/7972149.html
(6 và 10) https://thuymyrfi.blogspot.com/2025/02/tran-thanh-canh-huy-uc-va-ben-thang-cuoc.html
(7) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cevew1rx1glo
(8) /a/dam-vinh-hung-gay-bao-vi-deo-huy-hieu-giong-viet-nam-cong-hoa-/7602410.html
Diễn đàn