Đường dẫn truy cập

Nghệ thuật tạo hình VN hiện đại của Huỳnh Hữu Ủy


Trịnh Cung, chân dung tự họa
Trịnh Cung, chân dung tự họa

Một công trình biên khảo - Một đời người

Trịnh Cung: Họa sĩ, nhà thơ. Sinh năm 1939 tại Nha Trang. Học mỹ thuật ở Huế & Gia Định.Tổng thư ký Hội hoạ sĩ trẻ VN 1966 - 1968. Giáo sư thỉnh giảng của các trường: Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế (1970-73), QGCĐMT Gia Định (1973-74); Đại Học Sư Phạm & Đại Học Tổng Hợp TpHCM (1990-94), Đại Học San Francisco (1996) & Indiana (2000). Triển lãm cá nhân tại Paris (1995), Los Angeles & Washington DC (1997-98).Đã tự xuất bản tập Thơ “Nội Tình Cái Hẽm” (SG 2007). Hiện đang viết phê bình & tiểu luận về mỹ thuật.

Với khổ sách 20x27cm, 607 trang không kể bìa cứng và bìa bọc trên giấy couché, in bằng kỹ thuật offset tại Korea, sách Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại do nhà phê bình mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy biên sọan đã được VAALA (Vietnamese American Arts & Letters Association) xuất bản lần đầu năm 2008 tại California.

Với 8 phần, mỗi phần được tác giả phân tích tập trung vào một trong nhiều mặt của lịch sử mỹ thuật Việt Nam theo một tiến trình từ điểm xuất phát đến giai đoạn phát triển hiện đại của nghệ thuật tạo hình Việt Nam, bằng phương pháp khảo luận trên nền một khối lượng dữ liệu, một kiến thức văn hóa sâu rộng và một đam mê đặc biệt dành cho nghệ thuật tạo hình như một khả năng bẩm sinh.

Với hơn 200 tranh mầu không kể rất nhiều hình đen trắng, chân dung các nghệ sĩ đã được xác định nguồn gốc, dùng dẫn chứng cho các lập luận và sự kiện mỹ thuật mà tác giả Huỳnh Hữu Ủy đề cập trong các trang sách cho thấy sự cẩn trọng và công phu như thế nào khi biên soạn cuốn sách này.

Với 10 năm làm bản thảo cho Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại, nhưng thật ra, Huỳnh Hữu Ủy đã bỏ cả đời mình cho cuốn sách vừa là lịch sử vừa là tổng quan của riêng tác giả về một nền mỹ thuật hiện đại đã nẩy nở và phát triển kỳ diệu trên một đất nước lạc hậu, nghèo nàn, liên tiếp bị tàn phá bởi 2 cuộc chiến tranh: chống thực dân và chiến tranh ý thức hệ kéo dài gần nửa thế kỷ và sau năm 1975 đất nước thuộc vào tay người cộng sản, những nghệ sĩ ở lại phải chịu sự quản lý chính trị “một hệ thống”. Dù đã hơn 30 năm qua, những di chứng ấy vẫn tiếp tục gây nên những cơn đau tinh thần trong mỗi chúng ta.

Và như thế, chỉ có ước mơ mới giúp con người vượt qua thực tại, mới đứng được bên ngoài nỗi đau. Trong trường hợp này, sách Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại không chỉ là một khảo luận lịch sử mỹ thuật Việt Nam, mà còn là một giấc mơ lớn của tác giả - Giấc mơ hàn gắn thông qua những tài năng mỹ thuật Việt Nam, dù họ có những điểm xuất phát chính trị khác nhau, trong khi phần đông các sách về mỹ thuật xuất bản ở trong nước chưa bao giờ dành chỗ đứng cho các nghệ sĩ Việt Nam ở hải ngoại nếu họ có dính dáng tới chế độ Sài Gòn.

Dù không có lằn ranh rõ ràng nào giữa ước mơ và ảo tưởng, nhưng ảo tưởng và ước mơ có một điểm khác biệt rất lớn: ảo tưởng thường chứa đầy tham vọng và hay cố thực hiện cho được dù với bất cứ cách nào nên thường gây nên tội ác, còn ước mơ thì bao giờ cũng hiền hòa và lãng mạn. Và mỗi khi ước mơ trở thành hiện thực thì chỉ mang lại hạnh phúc cho người từng mơ nó và hơn thế còn mang lại niềm vui cho người xung quanh. Sách Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại là một giấc mơ dài lâu của Huỳnh Hữu Ủy nay đã thành sự thật.

Nếu bảo đây là cuốn sách viết về mỹ thuật Việt Nam và duy nhất thì hoàn toàn không đúng. Ở Việt Nam, từ những năm 90 của thế kỷ trước, ngoài nhiều sách do các nhà lý luận và phê bình mỹ thuật của Đảng biên soạn và xuất bản để tôn vinh nền mỹ thuật Xã hội Chủ nghĩa, gần đây Viện Mỹ Thuật Hà Nội có xuất bản cuốn sách Mỹ Thuật Hiện Đại Việt Nam với một cách nhìn cởi mở hơn đối với Hội Họa Sài Gòn trước 1975, nên cuốn sách này được coi là tương đối đầy đủ về mỹ thuật Việt Nam dù vẫn còn một số sai sót.

Nhưng phải đến Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại của Huỳnh Hữu Ủy thì nghệ thuật tạo hình Miền Nam (Sài Gòn) mới được tái hiện đầy đủ và minh bạch nhất. Điều đó đã làm cho Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại do Huỳnh Hữu Ủy biên soạn và VAALA xuất bản trở nên vô cùng quí giá. Hiển nhiên, với những người làm nghệ thuật đích thực, nhất là những nghệ sĩ gốc “Sài Gòn” chắc không thể nào không xúc động khi cuốn sách này sau nhiều năm cưu mang tưởng không thể cuối cùng rồi cũng đã ra đời như một nhiệm vụ lịch sử không thể từ chối giữ quyền hồi tố cho những giá trị sáng tạo nghệ thuật hiện đại quí báu từng đã nhiều năm bị bóng tối chính trị vùi lấp.

Là một trong những người biết Huỳnh Hữu Ủy từ thuở còn rất trẻ, từng gặp nhau tại những phòng triển lãm hội họa ở Huế và Sài Gòn những năm 60 và 70, sau đó là những năm tháng trong trại cải tạo sau ngày 30/04/1975 và sau cùng là những lần tôi được đến quận Cam (Orange County) Cali. Qua những biến động khủng khiếp của lịch sử, sống sót qua những bể dâu của đất nước, tôi không hề thấy Huỳnh Hữu Ủy thay đổi tâm thế và nhân cách dù anh có đủ điều kiện và tài năng cho bất cứ sự thay đổi nào để được phù danh, để cuộc đời anh và gia đình được phú quí, nhưng làm kẻ hành giả đơn độc trên dặm trường khốn khổ để tiếp xúc với nghệ thuật là một chọn lựa tuyệt đối và ít có ai dám làm.

Mặt khác, đối với công việc viết về mỹ thuật đối với người Việt Nam là một việc không mấy ai muốn làm, nhất là làm nhà phê bình. Hình như người Việt chúng ta không ưa chuyện phê bình, phê bình chỉ nhận lại sự oán ghét nếu những lời lẽ không mang sự tán tụng. Do đó, nhà phê bình mỹ thuật phải đối diện với 2 cái khó, thứ nhất là không thể sống được bằng tiền nhuận bút khi viết bài cho báo và chẳng có nhà xuất bản nào chịu xuất bản sách viết về mỹ thuật vì không bán được sách, thứ 2 là dễ bị oán ghét vì đã chỉ ra những yếu kém, sự lạc hậu, sự gian dối,.. trong sáng tạo của các cây cọ kém tài hoặc thương mại hóa nghệ thuật. Có lẽ vì thiếu một nền văn hóa tôn trọng phê bình của phần lớn các nghệ sĩ Việt Nam nên nền mỹ thuật của chúng ta không phát triển như các nền mỹ thuật của các nước tiên tiến trong giới hạn châu lục. Chính vì thực trạng này mà việc dành cho tác giả cuốn sách Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại - nhà nghiên cứu–phê bình Mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy - sự vinh danh hôm nay của chúng ta, nhất là giới nghệ sĩ là rất “phải đạo”.

Dù vậy, trong phần cuối của “Đôi Lời Dẫn Nhập Vào Sách”, Huỳnh Hữu Ủy như bản chất nhân hậu của mình đã khiêm tốn viết:”Nghê Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại ra đời chỉ với một ước muốn rất khiêm tốn và mong manh: sẽ trở thành một vết tích nhỏ bé, một tài liệu có đôi chút hữu ích về sau cho những người cần đến khi muốn khảo cứu về nền nghệ thuật hiện đại của chúng ta. Trong chiều hướng đó, tác giả hy vọng sách này sẽ được bạn đọc rộng lượng sử dụng tạm, như một bảng chỉ dẫn sơ lược, trước khi chúng ta có những công trình hệ thống và hoàn chỉnh hơn sau này.”

Với một người như thế, tôi nghĩ mình nên tránh những lời hoa mỹ hơn để nói về anh, dù không nói ra hết được những cảm nhận đẹp về anh là một ức chế. Nhưng tôi tin tất cả những điều quí trọng dành cho một nhà phê bình và biên khảo chân chính về mỹ thuật Việt Nam như Huỳnh Hữu Ủy mà hôm nay chúng ta không nói thành lời được, nó cũng sẽ tìm cách hiện diện trong từng ánh mắt, nụ cười, cái bắt tay nồng ấm mỗi khi chúng ta gặp lại anh.

Sau cùng, với tư cách là một họa sĩ, không biết tôi có được phép đại diện cho những đồng nghiệp khắp nơi gửi tới Nhà Phê Bình Mỹ Thuật Huỳnh Hữu Ủy, Hội Nghệ Thuật & Văn học Việt Mỹ (VAALA) và các Mạnh Thường Quân lời cám ơn nồng nhiệt về sự ra đời tuyệt vời của cuốn sách Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại hôm nay.

Sài Gòn tháng 01/2010
Trịnh Cung

  • 16x9 Image

    Trịnh Cung

    Sinh năm 1938 tại Nha Trang.
    Tốt nghiệp Cao Ðẳng Mỹ Thuật Huế 1961.
    Bằng Danh Dự Triển lãm Mỹ Thuật Quốc Tế Sài Gòn lần thứ 1, năm 1962.
    Huy chương Bạc thứ nhất (không có huy chương vàng) Hội Họa Mùa Xuân 1964.
    Thỉnh giảng mỹ thuật tại các đại học: San Francisco 1996, Indiana 2000.
    Ðọc tham luận về mỹ thuật Việt Nam tại Ðại Học Massachusetts 2007, Bảo Tàng Mỹ Thuật Singapore 2010, Ðại Học UCLA 2013.
    Tác giả sách Mỹ Thuật Việt Nam -Những Vấn Ðề Xoay Quanh, xuất bản tại California 2014.
XS
SM
MD
LG