Thủ tướng cánh tả mới đắc cử của Hy Lạp, Alexis Tsipras, tuyên bố thắng lợi trong cuộc bầu cử toàn quốc hôm Chủ nhật, nói rằng ông sẽ nhanh chóng thành lập một chính phủ liên minh để thực thi những biện pháp thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của các chủ nợ châu Âu để đổi lấy hàng tỉ đô la cứu nguy tài chính.
Ông Tsipras phát biểu trước đám đông reo hò ở trung tâm thủ đô Athens khuya Chủ nhật, chỉ vài giờ sau khi cử tri bỏ phiếu bác bỏ nỗ lực của phe bảo thủ nắm giành quyền kiểm soát chính phủ ở Athens. Ông nói rằng ông cảm thấy mình được "chứng minh là đúng" và nói thêm Đảng Syriza của ông sẽ nỗ lực tuân hành "một chỉ thị rõ ràng của [cử tri]" là xây dựng lại nền kinh tế Hy Lạp và "nâng cao niềm kiêu hãnh của đất nước."
Trước đó, đối thủ chính của ông Tsipras, lãnh đạo đảng bảo thủ Dân chủ Mới Vangelis Meimarakis, đã chúc mừng người chiến thắng và kêu gọi nhanh chóng thành lập chính phủ mới mà ông Tsipras nói sẽ bao gồm Đảng Người Hy Lạp Độc lập có chủ trương dân tộc. Lãnh đạo của đảng này nói họ sẽ tham gia liên minh cầm quyền.
Cuộc bỏ phiếu hôm Chủ Nhật, là cuộc bỏ phiếu toàn quốc lần thứ ba ở Hy Lạp trong năm nay, diễn ra khi ông Tsipras từ chức hồi tháng trước nhằm dẹp một cuộc nổi loạn chính trị nội bộ của các thành viên Đảng Syriza, tức giận với quyết định của ông Tsipras đảo ngược chủ trương và chấp nhận những điều kiện của châu Âu để đổi lấy thêm ngân khoản cứu nguy.
Với 66 phần trăm số phiếu được kiểm đếm khuya hôm Chủ nhật, Đảng Syriza đạt được 35,4 phần trăm số phiếu và giành được144 ghế trong quốc hội 300 thành viên. Đảng Dân chủ Mới đứng thứ hai với 28,3 phần trăm, tiếp theo là Đảng Bình minh Vàng mang tư tưởng Đức Quốc xã với 7 phần trăm.
Ông Tsipras lên nắm quyền vào đầu năm nay với cương lĩnh tranh cử là chống đối những khoản cắt giảm chi tiêu và tăng thuế mà những chủ nợ châu Âu của Hy Lạp đòi hỏi để đổi lấy thêm tiền cứu trợ - một gói ngân khoản kéo dài ba năm trị giá 98 tỉ đôla.
Nhưng sau một loạt những cuộc đàm phán gay gắt với những phái viên châu Âu, ông Tsipras từ bỏ hầu hết những đòi hỏi, nói rằng Hy Lạp phải đối mặt với việc chắc chắn bị phá sản và rời khỏi nền kinh tế chung của khối 19 nước sử dụng đồng euro nếu không thuận theo những yêu cầu của chủ nợ.