Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hôm Chủ nhật cho biết những ngân hàng ở nước này sẽ đóng cửa và việc rút tiền mặt sẽ bị hạn chế trong bối cảnh bế tắc nợ giữa Athens và những chủ nợ quốc tế của họ trầm trọng hơn.
Trong một phát biểu trên truyền hình, ông Tsipras đổ lỗi cho những chủ nợ về cuộc khủng hoảng đang đe dọa tư cách thành viên của Hy Lạp trong khối 19 nước sử dụng đồng euro. Ông không nói cụ thể những ngân hàng của Hy Lạp sẽ đóng cửa trong bao lâu hay kiểm soát vốn tới mức nào.
Theo lịch trình hiện tại, các ngân hàng và thị trường chứng khoán vẫn sẽ đóng cửa cho đến khi cử tri Hy Lạp quyết định trong một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5 tháng 7 liệu có chấp nhận những biện pháp thắt lưng buộc bụng mới mà các chủ nợ của nước này đòi hỏi hay không.
Trong khoảng thời gian ngân hàng đóng cửa, báo chí châu Âu đưa tin khách hàng sẽ được phép rút một khoản tiền tối đa là 65 đôla một ngày và không được phép chuyển tiền ra nước ngoài trừ phi được chấp thuận.
Gói cứu nguy hết hạn vào ngày thứ Ba này. Hy Lạp đang cần hơn 8 tỉ đôla để có thể thanh toán khoản vay 1,8 tỉ đôla đáo hạn ngày hôm đó cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhưng Athens đang lừng chừng trước đòi hỏi của các chủ nợ phải có thêm những biện pháp thắt lưng buộc bụng, bao gồm cắt giảm thêm lương hưu.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết họ đang duy trì hạn mức tín dụng khẩn cấp để các ngân hàng của Hy Lạp có thể tiếp cận ngay cả khi người gửi tiền ở Hy Lạp đang xếp hàng dài tại những máy rút tiền tự động để rút tiền tiết kiệm của họ. Quyết định này để ngỏ khả năng cung cấp phao cứu sinh tài chính cho Athens, nhưng không cung cấp thêm tiền.
ECB cho biết họ có thể xem xét lại việc tài trợ của mình, nhưng không có dấu hiệu cho thấy có một giải pháp cho bế tắc giữa Hy Lạp và các chủ nợ.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis nói rằng Athens có thể không sẽ thanh toán được 1,8 tỉ đôla khoản nợ cho IMF. Ông cho biết ECB, một chủ nợ khác của Hy Lạp, thu lợi từ trái phiếu của Hy Lạp vào năm 2014 và chỉ cần chuyển tiền cho IMF để thanh toán khoản vay này.
Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết bà thất vọng về bế tắc trong các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và các chủ nợ, nhưng không đề cập đến việc ECB lấy tiền để trả cho IMF.
"Tôi vẫn cho rằng một phương sách cân bằng là cần thiết để giúp khôi phục sự ổn định kinh tế và tăng trưởng ở Hy Lạp, với những cải cách về cơ cấu và tài chính thích hợp được hỗ trợ bởi nguồn tài chính thích hợp và các biện pháp giữ vững nợ," bà Lagarde cho biết trong một tuyên bố.
Tại Washington, Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã điện đàm và đồng ý rằng điều "hết sức hệ trọng" là Hy Lạp tiếp tục những cải cách kinh tế và tăng trưởng trong khối 19 nước sử dụng đồng euro.
Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết ngân hàng trung ương đang làm việc chặt chẽ với Ngân hàng Trung ương của Hy Lạp để duy trì sự ổn định tài chính. Nhưng người gửi tiền Hy Lạp, lo lắng chính phủ sẽ áp đặt những giới hạn rút tiền mà ông Tsipras loan báo, vẫn xếp hàng tại những máy rút tiền tự động cuối tuần qua để lấy tiền mặt. Một số máy hết tiền, nhưng những máy khác đang được làm đầy.
Trong khi đó, Quốc hội Hy Lạp hôm Chủ nhật đã bỏ phiếu ủng hộ đề nghị của ông Tsipras trưng cầu dân ý vào ngày 5 tháng 7 về những điều khoản của thỏa thuận cứu nguy tài chính quốc tế mà các chủ nợ muốn Hy Lạp chấp nhận.
Ông Tsipras nói "người dân phải được quyết định mà không bị hăm dọa," nhưng chính phủ đang kêu gọi người dân bỏ phiếu chống trừ phi những điều khoản được thay đổi.