Hy Lạp hôm thứ Hai vẫn chưa tiến gần hơn đến một thỏa thuận cứu nguy mới với những chủ nợ quốc tế của mình, nhưng Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras dự định sẽ đưa ra những đề xuất mới tại một hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu vào ngày thứ Ba.
Áp lực đè nặng lên Athens suốt ngày thứ Hai khi một trong những chủ nợ của nước này, Ngân hàng Trung ương châu Âu, quyết định không thay đổi hạn mức tín dụng khẩn cấp cho những ngân hàng của Hy Lạp, ngay cả khi các ngân hàng chật vật làm đầy những máy rút tiền. Những biện pháp kiểm soát vốn của chính phủ Hy Lạp đối với những đợt rút tiền được triển hạn đến ngày thứ Tư. Một số nhà phân tích nói rằng nếu không có một thỏa thuận cứu nguy mới, các ngân hàng có thể cạn tiền chỉ trong vài ngày.
Ông Tsipras hôm thứ Hai đã điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhà lãnh đạo chính của châu Âu ủng hộ việc áp đặt thêm những biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc khổ đối với chính phủ Athens. Cuộc điện đàm diễn ra sau cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp hôm Chủ nhật mà trong đó cử tri bác bỏ với tỉ lệ áp đảo những hạn chế tài chính mới mà các chủ nợ muốn áp đặt lên Hy Lạp để đổi lấy thêm ngân khoản cứu nguy.
Sau đó nhà lãnh đạo Đức đã hội kiến Tổng thống Pháp François Hollande ở Paris về cuộc khủng hoảng của Hy Lạp, và họ tuyên bố rằng cánh cửa thương thuyết vẫn mở ra cho Athens.
Nhưng các giới chức châu Âu không thay đổi lập trường của mình ngay lập tức đối với việc nới lỏng những điều khoản của gói cứu nguy khả dĩ mới, sau cuộc bỏ phiếu với tỉ lệ 61 phần trăm chống lại những biện pháp kiệm ước. Các nhà phân tích kinh tế nhận định rằng tranh cãi kéo dài có thể buộc Hy Lạp phải rời khỏi khối 19 quốc gia sử dụng đồng euro, và Hy Lạp sẽ là nước đầu tiên rời khu vực đồng euro trong lịch sử 16 năm của liên minh tiền tệ này.
Ở Washington, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói rằng châu Âu và Mỹ có “lợi ích tập thể” trong việc Hy Lạp đạt được một thỏa thuận cứu nguy mới với các chủ nợ, với việc Athens chấp thuận “gói cải cách.”
Thị trường chứng khoán ở Mỹ sụt giảm nhưng không nhiều như những nhà phân tích dự đoán. Hầu hết những thị trường khác khắp thế giới, kể cả ở châu Âu, sụt giảm vì sự bất định sau cuộc bỏ phiếu ở Hy Lạp.
Trưởng nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem, cho biết giữ Hy Lạp lại trong khu vực đồng euro "vẫn là mục tiêu của họ và của tôi." Nhưng ông nói cuộc trưng cầu dân ý "không đưa chúng ta tới một giải pháp ngay lập tức.”
“Tôi phải nói rằng cho dù kết quả của cuộc trưng cầu là gì, những biện pháp mạnh tay là cần thiết ở Hy Lạp, nếu không đất nước này sẽ không thể phục hồi, chính phủ sẽ không hoạt động tốt hơn, và nền kinh tế sẽ không thể xoay chuyển,” ông nói. “Và nếu chính phủ và người dân từ chối những biện pháp khó khăn thì chúng ta sẽ tiến đến chỗ khó khăn, đặc biệt cho người dân Hy Lạp.”
Một kinh tế gia hàng đầu của Đức tiên đoán rằng việc Hy Lạp rời bỏ khu vực đồng euro là rất có thể. “Tôi có rất ít hy vọng là chuyện đó có thể tránh được,” ông Henrik Enderlein nói. Ông Enderlein nói rằng có khoảng 80 phần trăm nó sẽ xảy ra. “Tình hình này là cực kỳ nguy hiểm cho khu vực đồng euro.”
“Mọi chuyện giờ đây tùy thuộc vào Hy Lạp,” Bộ trưởng Tài chính Phần Lan Alexander Stubb nói. “Những cuộc đàm phán chỉ có thể lại tiếp tục khi chính phủ Hy Lạp sẵn sàng hợp tác và cam kết thực hiện những biện pháp để ổn định nền kinh tế công của đất nước và thực hiện những cải cách cơ cấu cần thiết cho sự bền vững nợ.”
Cơ quan đánh giá tín dụng Fitch nói kết quả cuộc trưng cầu dân ý làm “gia tăng đột biến” nguy cơ Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis hôm thứ Hai đã bất ngờ từ chức dù trước đó ông cho biết sẽ làm như vậy chỉ khi người dân Hy Lạp bỏ phiếu đồng ý với những biện pháp kiệm ước.
Tuy nhiên, ông Varoufakis hôm thứ Hai phát biểu rằng ông “nhận thức rõ về một nguyện vọng” từ một số thành viên của khu vực đồng euro rằng mong muốn ông vắng mặt tại các cuộc họp giữa các vị bộ trưởng tài chính. Ông nói rằng việc rút khỏi các cuộc họp như vậy là “một ý tưởng mà ngài thủ tướng đánh giá là có khả năng giúp ích cho ông đạt được một thỏa thuận” với những chủ nợ của Hy Lạp.
Ông Varoufakis thường xung đột với các chủ nợ trong vài tháng qua. Và một vài ngày trước, ông cáo buộc Liên minh Châu Âu "khủng bố" bằng cách đe dọa người dân Hy Lạp bỏ phiếu theo ý muốn của EU.
Hôm thứ Hai, ông Varoufakis nói rằng “Tôi sẽ hứng chịu mọi sự ghê tởm của các chủ nợ với một niềm tự hào.”
Hy Lạp đã bổ nhiệm người dẫn đầu đoàn đàm phán gói cứu nguy Euclid Tsakalotos là bộ trưởng tài chính mới của nước này.