Đường dẫn truy cập

Hàn Quốc: Triều Tiên từ chối đàm phán về các cơ sở du lịch chung


Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (áo trắng) đi thị sát khu nghỉ mát Núi Kim Cương. Ảnh do truyền thông Triều Tiên đăng vào ngày 23/10/2019.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (áo trắng) đi thị sát khu nghỉ mát Núi Kim Cương. Ảnh do truyền thông Triều Tiên đăng vào ngày 23/10/2019.

Triều Tiên đã khước từ đề nghị của Hàn Quốc mở đàm phán về tương lai của các cơ sở du lịch chung mà gần đây, lãnh tụ Kim Jong Un đã ra lệnh dỡ bỏ, Reuters dẫn thông tin từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết hôm 29/10.

Tuần trước, lãnh đạo Triều Tiên nói ông muốn phá bỏ và xây lại các cơ sở “tồi tàn” và “tư bản” tại khu nghỉ mát Núi Kim Cương (Kumgang). Một động thái được cho là đòn giáng mới nhất vào hy vọng của Hàn Quốc muốn xoa dịu căng thẳng giữa hai quốc gia mà trên nguyên tắc, vẫn còn trong tình trạng chiến tranh.

Hôm thứ Hai, Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan phụ trách các vấn đề về quan hệ với láng giềng miền bắc, cho biết là họ đã đưa ra đề xuất đàm phán với Triều Tiên để xử lý các cơ sở du lịch.

Nhưng các quan chức Triều Tiên đã bác ý kiến đó, nói rằng họ sẽ chỉ thảo luận vấn đề bằng cách trao đổi tài liệu, Reuters dẫn tuyên bố hôm thứ Ba của Bộ cho biết.

Vào thời điểm du khách Hàn Quốc bắt đầu được phép đến thăm Núi Kim Cương năm 1998, một số công ty Hàn Quốc, bao gồm Hyundai Asan và Ananti, đã đầu tư vào dự án này.

Chương trình đã bị đình chỉ vào năm 2008 sau khi một người lính Triều Tiên bắn chết một du khách Hàn Quốc đã đi lạc vào một khu vực cấm gần đó.

“Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với các nhà khai thác kinh doanh về vấn đề du lịch Núi Kim Cương và đưa ra biện pháp đối phó, theo nguyên tắc tất cả các vấn đề về quan hệ liên Triều đều cần được giải quyết thông qua đối thoại và tham vấn”, Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói trong tuyên bố.

Việc mở lại địa điểm tham quan này cho các tour du lịch mới của Hàn Quốc đã được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mời chào như một cách để cải thiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, từng đối đầu trong cuộc chiến 1950-1953, cho tới khi nó kết thúc bằng một hiệp định đình chiến thay vì một hiệp ước hòa bình.

Tuy nhiên, các lệnh cấm vận quốc tế để trừng phạt Triều Tiên về chương trình vũ khí hạt nhân của nước này, đã chận đứng hầu hết các giao dịch đầu tư hoặc tài chính công khai với nước này, và Bình Nhưỡng ngày càng biểu lộ sự bực dọc của họ giữa lúc Seoul tỏ ra bất lực, không có khả năng tiến tới với bất kỳ kế hoạch kinh tế hay du lịch chung nào.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG