Hôm 23/10, Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un cho biết các cơ sở nghỉ dưỡng của Hàn Quốc trên núi Kumgang “tồi tàn” và “lạc hậu,” và ông ra lệnh phá dỡ hết khu này để xây lại theo cung cách hiện đại, Reuters dẫn truyền thông nhà nước Triều Tiên loan tin.
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA hôm 23/10 loan tin rằng khi đi thăm khu nghỉ dưỡng Kumgang, còn gọi núi Kim Cương, ông Kim nói các cơ sở ở đây “tồi tàn và thiếu tính dân tộc.” Bản tin của KCNA cho biết ông Kim chỉ trích các chính sách của Triều Tiên dưới thời của cha ông là “quá phụ thuộc vào miền Nam” và tuyên bố rằng Triều Tiên sẽ tự tái thiết núi du lịch này.
Ông Lee Sang-min, phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cho biết miền Nam “sẽ tích cực bảo vệ quyền sở hữu của người dân [Hàn Quốc] và sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên về bất cứ đề xuất nào về các cơ sở này. Ông không trả lời cụ thể khi được hỏi liệu Hàn Quốc có thể làm gì để ngăn chặn nếu Triều Tiên bắt đầu đơn phương phá hủy các cơ sở này.
Các chuyên gia cũng không rõ liệu Triều Tiên có thực sự muốn phát triển du lịch độc lập tại núi Kim Cương hay không hay đang cố gắng gây áp lực lên Hàn Quốc để khởi động lại các tour du lịch và nâng cấp các cơ sở đang xuống cấp.
Các tour nghỉ dưỡng đến Núi Kim Cương là một biểu tượng hợp tác chính giữa hai miền Triều Tiên trước khi Hàn Quốc đình chỉ hoạt động khu này vào năm 2008 sau khi một lính gác Triều Tiên bắn chết một du khách Hàn Quốc tại đây.
Được triển khai vào năm 1998 với sự đầu tư của các công ty Hàn Quốc như Hyundai Asan Corp và Ananti Inc, khu du lịch núi Kim Cương này thu nhiều triệu đôla mỗi năm cho Bình Nhưỡng.
Núi Kumgang là một trong hai dự án kinh tế liên Triều có quy mô lớn, cùng với khu công nghiệp Kaesong và là một dấu hiệu quan trọng của sự hợp tác giữa hai miền Triều Tiên.
Chủ tịch Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đồng ý tại một hội nghị thượng đỉnh năm ngoái để khởi động lại các sáng kiến kinh tế chung tại khu này.
AP cho biết Seoul không thể khởi động lại các hoạt động kinh tế liên Triều vì như vậy đi ngược lại các lệnh trừng phạt quốc tế do Mỹ dẫn đầu đối với Bình Nhưỡng, vốn đã tăng nặng hơn từ năm 2016 khi Triều Tiên bắt đầu tăng tốc các vụ thử hạt nhân và tên lửa.