Cuộc đấu tranh về quyền lao động cho hàng triệu người giúp việc nhà đã đạt được những thành tích đáng kể trong năm nay giữa lúc sự ủng hộ dành cho một hiệp định do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hậu thuẫn đang tăng cao bất chấp sự phản đối ban đầu từ những nước như Trung Quốc và Indonesia.
Giới chức cao cấp của ILO, bà Manuela Tomei, người coi sóc về điều kiện lao động và công ăn việc làm, nói rằng hiệp định đang dưới dạng một bản dự thảo, sẽ đánh dấu một bước quan trọng trong công cuộc bảo vệ cho những người giúp việc nhà.
Bà Tomei cho biết: “Quả là một bước lớn, bởi vì nó sẽ quy định sự bảo vệ tối thiểu ở cấp độ quốc tế cho những người giúp việc nhà, vì rằng xét khía cạnh quốc gia thì nhiều nước đã loại bỏ giới lao động giúp việc nhà ra khỏi các quy định luật pháp quốc gia. Vì vậy vấn đề là thiếu các quy tắc chung ở cấp độ quốc gia để hướng dẫn cho người ta biết thế nào là hành xử đúng đắn đối với lao động giúp việc nhà.”
Trong các cuộc đàm phán hồi tháng 6 vừa qua, 60 nước đã bỏ phiếu về một bộ quy tắc quốc tế mang tính ràng buộc trong một hiệp định nhằm bảo vệ và tăng cường sức mạnh cho người giúp việc nhà.
Châu Á có nguồn lực lao động giúp việc nhà lớn nhất.
Trung Quốc được báo cáo có tới 20 triệu ôxin, trong khi tại Thái Lan, theo ước tính của tổ chức ILO, có khoảng 700 ngàn lao động được thuê mướn. Ở Indonesia, người ta đang nỗ lực tổ chức những người giúp việc nhà vào các mạng lưới quốc gia. Các tổ chức công đoàn cho biết Indesia và Trung Quốc nằm trong số các nước dường như phản đối bản dự thảo hiệp định từ lúc đầu.
Bản hiệp định xoay quanh các vấn đề như quyền lao động, sự phân biệt đối xử, loại trừ tình trạng lao động trẻ em, quyền tổ chức và tham gia vào các hoạt động tập thể, hợp đồng lao động, bảo hiểm, và quyền được chi trả lương bổng.
Tại khu vực Trung Đông, mới đây, các nhóm bảo vệ nhân quyền viện dẫn trường hợp của Kuwait đã không bảo vệ hơn 600.000 nhân công giúp việc nhà trước các vi phạm, trong đó có việc họ không được trả lương, không được nghỉ cuối tuần, tình trạng bị ép buộc làm nô lệ, và chế độ ăn uống không thích hợp.
Bà Tomei nói rằng mối quan tâm chủ yếu vẫn là tỷ lệ trẻ em giúp việc nhà vẫn còn cao ở Nam Á và Châu Phi.
Châu Á bị báo cáo thường xuyên về các vi phạm đối với những người làm nghề ôxin. Mới đây, Indonesia và Malaysia đã có các cuộc đàm phán để tiến tới một thỏa thuận về bảo vệ những người này.
Bà Tomei nhấn mạnh một khi được thông qua, hiệp định sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng hầu ngăn chặn tình trạng vi phạm.
Bà Tomei nói: “Nếu hiệp định được thông qua, và tổ chức ILO cũng có thể hỗ trợ và hậu thuẫn các bước tránh hoặc giảm tác động của các vụ vi phạm đối với người giúp việc nhà. Chúng tôi nghe nhiều về các vụ lạm dụng và vi phạm nhân quyền đối với giới ôxin. Đây rõ ràng là những bi kịch cần phải được giải quyết.”
Tuy nhiên, bà Tomei cũng cho rằng có dấu hiệu tiến bộ mà bằng chứng là những hành động mang tính chủ động trước hỗ trợ cho người giúp việc nhà cũng như những khuyến khích dành cho giới chủ. Bà Tomei cho biết bà lạc quan tin rằng vào tháng 6 năm sau sẽ có một quyết định chung cuộc về các quy tắc quốc tế chung của bản hiệp định.
Các bước tiến tới hiệp định quốc tế về quyền của người giúp việc nhà do Liên hiệp quốc dẫn đầu đang dần nhận được sự ủng hộ trên thế giới giữa bối cảnh nhu cầu về người giúp việc nhà đang gia tăng trong nền kinh tế toàn cầu. Theo tường thuật của thông tín viên VOA, Ron Corben, một giới chức cao cấp thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên hiệp quốc tin tưởng rằng hiệp định nhằm bảo vệ người giúp việc nhà và trẻ em sẽ mang lại những điều khoản chống lại các vi phạm.