Một số kinh tế gia không phải người châu Âu đang được xem là ứng viên sẽ đứng đầu Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, tiếp sau việc từ nhiệm của ông Dominique Strauss-Kahn. Tuy nhiên, từ nhiều thập niên, chỉ có người châu Âu là được tuyển vào vị trí lãnh đạo IMF, và giới tài chánh có vẻ đang ngờ rằng liệu truyền thống này có bị đảo ngược vào năm nay không.
Các cường quốc kinh tế hàng đầu trên thế giới đồng thuận rằng vào thời điểm mà IMF và Ngân Hàng Thế Giới được thành lập, sau Thế Chiến thứ 2, thì Hoa Kỳ và châu Âu cùng chia sẻ vị trí lãnh đạo hai tổ chức tài chánh kể trên.
Trật tự kinh tế thế giới đã thay đổi đáng kể trong nửa thế kỷ vừa qua, nhưng sự sắp đặt cũ vẫn được duy trì trong lúc thế lực của IMF gia tăng, tổ chức này điều hợp các đường lối kinh tế thế giới và đóng vai trò tư vấn cũng như cho vay đối với 187 nước thành viên.
Tuy nhiên, tuần này, với sự từ chức đột ngột của ông Strauss-Kahn tiếp theo việc ông bị bắt giữ tại New York vì cáo buộc tấn công tình dục, nhiều khuôn mặt thế lực thuộc các quốc gia đang phát triển đang lên tiếng kêu gọi thay đổi.
Hiện nay, các ứng viên “bên ngoài”, những người từ các quốc gia không phải châu Âu, trong đó có cựu Bộ trưởng Tài chánh Nam Phi Trevor Manuel, Bộ trưởng Tài chánh Singapore ông Tharman Shanmugaratnam, ông Arminio Fraga cựu Thống đốc ngân hàng trung ương Brazil, ông Grigory Marchenko Thống đốc ngân hàng trung ương Kazakhstan, và ông Montek Singh Ahluwalia của Ấn Độ cũng được đề cập trong các bản tin tài chánh.
Mặt khác, các chính phủ châu Âu lại nói rằng họ cần phải duy trì vị trí lãnh đạo IMF, bởi vì IMF liên quan chặt chẽ với nỗ lực tốn kém nhằm giải quyết các vấn đề nợ nần nghiêm trọng đụng chạm đến Hy Lạp và các thành viên EU khác.
Hiện nay bà Christine Lagarde, Bộ trưởng Tài chánh Pháp, là người rất có uy tín tại nhiều thủ đô châu Âu, và nhiều bản tin tiên đoán rằng bà sẽ là Tổng giám đốc IMF kế tiếp, nghĩa là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm chức vụ này.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1