Ông Bhupoinder Singh trồng lúa gạo và lúa mì trên diện tích nông trại rộng 10 acre tại làng Sohian tại Punjab, bang giàu nhất Ấn Độ về nông nghiệp. Tuy nhiên trong những năm gần đây mùa vụ của ông hoặc kém đi hoặc bị ngưng trệ dù rằng ông dùng nhiều phân hóa học để bón ruộng.
Ông Singh nói là ông cần phải bón thêm nhiều phân urê hơn trước để tăng năng suất. Ông nói thêm là đất đai đã trở nên khô cằn.
Các nhà khoa học về nông nghiệp cho rằng tình cảnh khó khăn của ông là do việc sử dụng quá mức phân bón hóa học, nhất là urê. Trong những năm 1960, để gia tăng mức sản xuất lương thực cho quốc gia đông dân này, Ấn Độ cung cấp cho nông dân những loạt hạt giống cho năng suất cao và trợ cấp nhiều cho việc sản xuất phân bón để nông dân có thể mua được.
Cuộc "Cách mạng Xanh" đã làm thay đổi nông nghiệp tại các bang miền bắc như Punjab, Haryana, và Tây Utta Pradesh và giúp Ấn Độ vượt qua nhiều thập niên thiếu hụt lương thực để trở thành quốc gia lớn hàng thứ hai trên thế giới về sản xuất lúa mì và gạo. Ấn Độ cũng xây dựng được những kho dự trữ lớn và thậm chí xuất khẩu các loại ngũ cốc.
Tuy nhiên tình hình thay đổi một cách đáng kể. Nông dân hiện nay phải đối phó với nạn đất bị thoái hóa, nước ngầm cạn kiệt và thu hoạch mùa vụ không tăng. Việc này phần lớn là do sử dụng bừa bãi các loại phân bón nitơ như urê đã làm rối loạn cơ chế hóa học của đất, làm đất mất những chất bổ dưỡng có giá trị. Nông dân bắt đầu sử dụng nhiều urê kể từ năm 1991 khi việc trợ cấp nhiều cho hầu hết các loại phân bón khác bị bãi bỏ hoặc giảm thiểu, khiến phân urê là loại rẻ nhất.
Hiện nay, nông dân bị kẹt trong vòng lẩn quẩn. Nông dân phải sử dụng nhiều urê hơn để có thể đạt được cùng mức năng suất cho mùa vụ nhưng đồng thời lại làm cho đất bị thoái hóa và làm cho mùa vụ cần nước nhiều hơn trước. Do đó nông dân phải khoan sâu hơn nữa để lấy nước ngầm tưới ruộng. Hậu quả là nước ngầm càng ngày càng cạn kiệt.
Ông M.S Swaminathan, một khoa học gia chuyên về nông trại, là người đã giúp thúc đẩy cuộc cách mạng xanh cho biết là những lề lối canh tác thiếu bền vững này lại được những chính sách không đúng đắn của nhà nước khuyến khích.
Ông nói: “Vùng này không ít thì nhiều đã khai thác quá mức đất đai và nguồn nước. Không còn là nông nghiệp nữa mà là khai thác. Nước càng ngày càng cạn kiệt. Một phần là do chính sách công sai lầm chẳng hạn như cung cấp điện miễn phí để bơm nhiều nước ngầm. Theo tôi thì đây là tự sát về sinh thái. Đây là hành động không cần thiết chỉ vì lý do chính trị. Cũng như thế, chính phủ chỉ trợ cấp phân bón nitơ, đưa tới hậu quả là không có sự cân bằng trong việc sử dụng các loại phân bón.”
Đã có nhiều lời kêu gọi rút lại việc trợ cấp phân bón và thu tiền sử dụng điện của nông dân. Tuy nhiên những chính phủ kế tiếp nhau không muốn làm mất lòng khối nông dân chiếm đa số trong các cuộc bầu cử.
Hiện nay, chính phủ loan báo một chương trình trợ cấp mới bắt đầu vào tháng Tư để khuyến khích nông dân sử dụng hỗn hợp các loại phân bón cho kết quả tốt hơn. Tuy nhiên urê có thể vẫn còn được tiếp tục rải tự do trên đồng ruộng vì trợ cấp cho loại phân bón này vẫn chưa được đụng đến dù rằng giá cả đã tăng lên đáng kể.
Cuộc khủng hoảng về nông nghiệp trước mắt đặt ra một thách đố lớn lao cho quốc gia đông dân này. Năm ngoái giá lương thực tăng gần 19% và quốc gia này phải nhập khẩu các loại thực phẩm như đậu lăng và đường.
Hiện cũng có mối quan tâm sâu rộng là lãnh vực nông nghiệp tại Ấn Độ bị suy giảm không được chú ý đúng mức.
Tuy nhiên ông Swaminathan chỉ rõ là các nhà lập kế hoạch không thể bỏ qua khu vực nông nghiệp trong một quốc gia mà đất đai phần lớn là khu vực nông thôn.
Ông cho biết: “Ấn Độ đang chói sáng vì có mức tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên thực tế nông nghiệp Ấn Độ không phải chỉ là một cỗ máy sản xuất lương thực. Nông nghiệp là xương sống của hệ thống an ninh đời sống của 700 triệu người, của phụ nữ và trẻ em, và điều này cần phải được nhận thức rõ.”
Ông Swaminathan cùng với những chuyên gia khác đang hối thúc chính phủ Ấn đưa quốc gia này vào một cuộc cách mạng xanh thứ hai có tính cách bền vững về sinh thái và đảm bảo có đầy đủ lương thực cho một quốc gia mà dân số dự trù lên đến 1 tỉ rưỡi người vào năm 2040.
Trong suốt bốn thập niên qua, Ấn Độ có tăng tiến đáng kể trong thu hoạch mùa vụ và bắt đầu gieo trồng đủ lương thực. Tuy nhiên hiện nay Ấn Độ đang gặp khủng hoảng nông nghiệp, đe dọa việc sản xuất lương thực tại một số vùng trù phú thuộc miền bắc. Thông tín viên Anjana Pasricha tường trình từ New Delhi.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1