Trung Quốc mới đây đã bác bỏ những nguồn tin ở Ấn Độ cho rằng binh sĩ Trung Quốc đang có mặt trong vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát. Phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng “những tin vừa kể là cực kỳ hoang đường và hoàn toàn không có cơ sở.”
Ông Hồng Lỗi phát biểu như thế tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm thứ 5, vài ngày sau khi một tướng lãnh hàng đầu của Ấn Độ tỏ ý lo ngại về sự hợp tác quân sự ngày càng chặt chẽ giữa Trung Quốc với Pakistan mà ông cho là gây thương tổn cho quyền lợi khu vực và chiến lược của Ấn Độ trong dài hạn.
Theo tường thuật do thông tín viên Kurt Achin của đài VOA gởi về từ New Dehli, Trung tướng KT Parnaik, người đứng đầu Bộ Tư lệnh miền bắc Ấn Độ, dường như đã xác nhận những nguồn tin của báo chí Ấn Độ là các lực lượng quân sự Trung Quốc đang hoạt động trong phần đất do Pakistan cai trị của vùng Kashmir đang có tranh chấp giữa Ấn Độ với Pakistan. Trong một phát biểu được mô tả thắng thắn một cách bất thường về những mối quan tâm về an ninh của Ấn Độ, Tướng Parnaik nói rằng binh sĩ Trung Quốc đang trú đóng ở phía bên kia lằn ranh kiểm soát chia đôi hai miền Kashmir.
Tướng Parnaik nói: "Hiện nay có rất nhiều người quan tâm về vấn đề là nếu tình trạng thù địch xảy ra giữa Ấn Độ với Pakistan thì sự đồng lõa của Trung Quốc sẽ như thế nào? Không những chỉ vì họ đang có mặt trong khu vực mà vì họ đang thật sự trú đóng và hiện diện ở lằn ranh kiểm soát."
Trung Quốc là một đồng minh chiến lược thân thiết của Pakistan - nước đã xảy ra chiến tranh với Ấn Độ tổng cộng 3 lần kể từ khi hai nước thoát ách thực dân Anh để độc lập vào năm 1947. Tin tức ở Ấn Độ hồi gần đây cho rằng có đến 11 ngàn binh sĩ Trung Quốc trú đóng ở vùng Kashmir thuộc Pakistan.
Tướng Parnaik cho biết Trung Quốc đang giúp Pakistan thực hiện nhiều dự án đường sá, cầu cống, và đập thủy điện, và sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trong khu vực có tranh chấp này đang gia tăng một cách đều đặn. Ông nói thêm rằng Ấn Độ có lý do chính đáng để quan tâm về tình trạng này.
Ông nói: "Điều trước tiên là tình trạng này gây tổn hại cho các quyền lợi khu vực và chiến lược trong dài hạn của chúng tôi."
Ông Parnaik cảnh báo rằng những hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trong vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát và trong khu vực biên giới phía bắc do Trung Quốc kiểm soát làm gia tăng khả năng của Pakistan trong việc đánh úp vào cạnh sườn của Ấn Độ trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự.
Ngoài ra, chính sách của Trung Quốc về vấn đề chiếu khán nhập cảnh cho những khách lữ hành từ vùng Kashmir thuộc Ấn cũng đã trở thành một nguồn gây căng thẳng giữa New Dehli và Bắc Kinh trong vài tháng nay. Du khách từ vùng Kashmir thuộc Ấn được cấp giấy thị thực kèm vào sổ thông hành trong khi du khách từ vùng Kashmir thuộc Pakistan được đóng dấu thị thực vào hộ chiếu như thông thường. Nhiều người Ấn Độ cho rằng chính sách này là một sự thừa nhận ngầm về chủ quyền của Pakistan đối với vùng Kashmir.
Mặt khác, Trung Quốc cũng bác bỏ chủ quyền của Ấn Độ ở tiểu bang Arunachal Pradesh, một khu vực mà Trung Quốc gọi là “Nam Tây Tạng” trong bản đồ chính thức của họ.
Tại cuộc hội thảo mới đây ở thành phố Jammu, Trung tướng KT Parnaik, người đứng đầu Bộ Tư lệnh miền bắc Ấn Độ, cũng cảnh báo về “sự lấn sân” trên biển của Trung Quốc, dưới hình thức những hiệp định về căn cứ hải quân mà Bắc Kinh ký kết với các nước láng giềng của Ấn Độ như Miến Điện và Sri Lanka.
Trong khi đó, một số chuyên gia quân sự Tây phương cho biết Pakistan đã bắt đầu chuyển sang mua sắm nhiều loại vũ khí của Trung Quốc thay vì từ Hoa Kỳ như bấy lâu nay.
Ông Nate Hughes, Giám đốc bộ phận phân tích quân sự của công ty tình báo toàn cầu Stratfor, cho đài VOA biết rằng Pakistan mua vũ khí từ Trung Quốc vì những đòi hỏi, như vấn đề nhân quyền, mà Hoa Kỳ đặt làm điều kiện trong những thương vụ về khí giới.
Ông nói: "Chẳng những chỉ vì Pakistan muốn đa dạng hóa các thành phần trong lực lượng quân sự của mình, mà việc quay sang những nước như Trung Quốc, là nước cố tình tách biệt vấn đề này ra khỏi các vấn đề chính trị. Điều này làm cho Trung Quốc trở thành một nước cung ứng vũ khí hấp dẫn cho Pakistan và các nước khác trên thế giới."
Ông Hughes cho biết tuy công nghệ của Trung Quốc chưa thể sánh kịp Hoa Kỳ, nhưng những vụ mua bán khí giới không kèm theo điều kiện giữa Trung Quốc và Pakistan có ích cho quan hệ lâu dài giữa Bắc Kinh với Islamabad.
Ông giải thích thêm: "Nếu Trung Quốc muốn có phát triển quan hệ kinh tế ở những nước khác, như các nước phía nam sa mạc Sahara chẳng hạn, họ sẽ có mối quan hệ như vậy, họ sẽ xây dựng quan hệ như vậy. Nhưng họ không đề cập tới những vấn đề, như vấn đề nhân quyền chẳng hạn, với chính quyền ở đó mà chỉ chú tâm vào mối quan hệ thương mại mà thôi. Vì vậy, đối với Pakistan việc mua vũ khí từ Trung Quốc mà không có nhiều thứ áp lực, như những áp lực mà họ phải chịu từ phía Hoa Kỳ trong 10 năm qua, làm cho Trung Quốc trở thành một nơi hấp dẫn. Ngoài ra Trung Quốc cũng sẵn sàng hơn trong việc hợp tác phát triển công nghệ vũ khí và điều này có lợi cho mối quan hệ lâu dài giữa Bắc Kinh với Islamabad."
Các nhà quan sát cho biết trong chuyến công du Trung Quốc vào tuần sau, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh có phần chắc sẽ thảo luận với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo về những vấn đề liên quan tới lãnh vực an ninh và quốc phòng. Đôi bên cũng sẽ thảo luận để tìm cách giải quyết các mối quan tâm của New Dehli về số thâm hụt mậu dịch ngày càng tăng với Bắc Kinh.
Kim ngạch mậu dịch Ấn-Trung đạt mức 61,7 tỉ đô la trong năm 2010, nhưng Ấn Độ cảm thấy lo ngại nhiều hơn vì lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã vượt mức 40 tỉ đô la.
Chính phủ ở Bắc Kinh mới đây đã bác bỏ những nguồn tin ở Ấn Độ cho rằng binh sĩ Trung Quốc đang có mặt ở vùng Kashmir thuộc Pakistan, trong lúc các chuyên gia quân sự cho biết Pakistan đã bắt đầu chuyển sang mua vũ khí của Trung Quốc thay vì của Hoa Kỳ như bấy lâu nay.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1